Lý do Ai Cập ngần ngại mở lối thoát cuối cùng để người dân Gaza rời đi

Cửa khẩu Rafah giữa Gaza và Ai Cập trở thành lối thoát duy nhất để đưa người dân khỏi vùng chiến sự và cung cấp nhu yếu phẩm vào bên trong.

Lối thoát cuối cùng để rời khỏi Gaza

Ai Cập đang đối mặt với sức ép ngày càng gia tăng khi dải Gaza láng giềng đứng trước các cuộc không kích dồn dập của Israel sau khi lực lượng Hamas tiến hành cuộc tấn công bất ngờ vào Israel khiến nhiều người thiệt mạng.

Trước làn sóng tấn công của Hamas, Israel đã đóng cửa biên giới với Gaza và áp lệnh phong tỏa toàn bộ lên vùng lãnh thổ này, ngăn chặn việc cung cấp nhiên liệu, điện và nước.

Cửa khẩu biên giới Rafah từ Gaza vào Ai Cập ngày 10/10/2023. Ảnh: AFP

Cửa khẩu biên giới Rafah từ Gaza vào Ai Cập ngày 10/10/2023. Ảnh: AFP

Điều đó khiến cho cửa khẩu Rafah giữa Gaza và Ai Cập trở thành lối thoát duy nhất để đưa người dân khỏi vùng chiến sự và cung cấp nhu yếu phẩm vào bên trong.

Tuy nhiên, cửa khẩu này chủ yếu bị đóng trong tuần qua, khiến cho cả người dân Gaza và công dân nước ngoài đều không thể đi qua trong khi hàng tấn nguồn cung viện trợ nhân đạo thiết yếu bị chất đống ở phía biên giới Ai Cập.

Một quan chức biên giới Palestine nói với CNN rằng Ai Cập đã chặn tất cả các cổng bằng nhiều tấm bê tông. Dù vậy, phía Ai Cập bác bỏ các báo cáo nói rằng nước này đóng cửa khẩu.

Ngày 14/10, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry thông báo cửa khẩu vẫn mở nhưng các cuộc ném bom đã khiến cho các con đường không thể vận hành ở phía Gaza.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tổ chức các cuộc trao đổi với Israel và Ai Cập để đảm bảo con đường an toàn cho công dân Mỹ cũng như công dân các nước khác ra khỏi dải Gaza.

Tuy nhiên, Ai Cập, quốc gia đang tiếp nhận hàng triệu người di cư, sẽ không sẵn sàng với việc hàng trăm nghìn người tị nạn Palestine tràn qua biên giới vào lãnh thổ của họ. Hơn 2 triệu người Palestine sống ở Gaza - một dải đất đông dân ven biển, đang trải qua những cuộc ném bom dữ dội của Israel.

Quân đội Israel đã kêu gọi 1,1 triệu người dân ở phía Bắc dải Gaza sơ tán và di chuyển về phía Nam trong khi tập hợp 300.000 quân dự bị ở biên giới để chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ.

Cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10 đã khiến 1.300 người Israel thiệt mạng, dẫn đến đòn đáp trả sau đó của Israel làm 2.329 người thiệt mạng ở dải Gaza. Giữa bối cảnh tình hình chiến sự leo thang và Israel tiếp tục cắt giảm nguồn cung thiết yếu, các nhóm nhân quyền đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ của một thảm họa nhân đạo.

Lập trường của Ai Cập

Việc di chuyển qua cửa khẩu Rafah bình thường đã bị giới hạn: chỉ người dân Gaza nhận được sự cho phép cũng như các công dân nước ngoài mới có thể sử dụng nó để đi lại giữa Gaza và Ai Cập. Tuy nhiên, biên giới đã bị đóng tạm thời trong những ngày gần đây,

Những nỗ lực của phương Tây nhằm mở lại cửa khẩu trên và sơ tán người dân của mình khỏi Gaza vẫn tiếp tục. Mỹ khuyến cáo người dân ở dải Gaza di chuyển về phía Rafah trong trường hợp cửa khẩu này mở và nếu họ có thể rời đi an toàn.

Trong khi đó, hàng trăm người Palestine với hộ chiếu nước ngoài đã chạy về phía biên giới nhưng vẫn phải ngồi ngoài đường hàng giờ đồng hồ, các quan chức biên giới Palestine cho hay ngày 14/10.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan chia sẻ với CNN ngày 15/10 rằng Ai Cập sẵn sàng cho phép công dân Mỹ đi qua Rafah nhưng một nhóm đã bị Hamas chặn lại.

Hãng tin địa phương Alqahera News thì đưa tin, các quan chức Ai Cập không cho phép Mỹ cũng như công dân nước ngoài sử dụng cửa khẩu này bởi vẫn chưa có thỏa thuận nào đạt được về việc tạo điều kiện để hàng cứu trợ vào dải Gaza.

Trong khi đó, nguồn cứu trợ vẫn tiếp tục đổ về Ai Cập trong khi các nỗ lực ngoại giao không ngừng được thực hiện nhằm cung cấp sự hỗ trợ cho người dân Palestine ở Gaza.

Các chuyến bay cứu trợ từ Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab thông nhất (UAE), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế đã đến thành phố El-Arish của Ai Cập, cách Rafah khoảng 45km.

Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế có các nhà kho chứa các hàng hóa cứu trợ nhân đạo và sân vận động El-Arish đã sẵn sàng để tiếp nhận nhiều sự hỗ trợ hơn.

Một máy bay chở thuốc men của WHO đã hạ cánh ở Ai Cập ngày 14/10. Tuy nhiên, tổ chức này vẫn đang chờ để tiếp cận nhân đạo qua cửa khẩu.

Ai Cập cho biết nước này sẽ tăng cường nỗ lực để hỗ trợ các tổ chức vận chuyển hàng cứu trợ tới Gaza khi cuộc khủng hoảng nhân đạo ở vùng lãnh thổ này ngày càng tồi tệ hơn. Dù vậy, thông báo từ văn phòng tổng thống Ai Cập đã khẳng định "an ninh quốc gia là lằn ranh đỏ mà không có sự nhượng bộ trong việc bảo vệ nó".

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã so sánh tình hình của nước này giống như một ngôi nhà đơn độc trong một khu dân cư đang bốc chảy. Ông khẳng định những cáo buộc cho rằng Ai Cập không giúp đỡ những người láng giềng Palestine là không chính xác.

"Chúng tôi sẽ đảm bảo dù là cứu trợ nhân đạo hay y tế trong thời điểm khó khăn này đều sẽ tới được Gaza", ông Sisi nói, đồng thời cho biết "chúng tôi rất đồng cảm với họ". Dù vậy, Tổng thống Sisi cảnh báo khả năng hỗ trợ của Ai Cập cũng có những giới hạn nhất định.

“Dĩ nhiên, chúng tôi cảm thông với họ. Nhưng hãy lưu ý rằng mặc dù cảm thông nhưng chúng tôi phải luôn tính toán kỹ để đạt được hòa bình và an toàn theo cách không khiến chúng tôi phải trả giá nhiều", ông Sisi nói, cho biết Ai Cập hiện đã tiếp nhận 9 triệu người di cư. Các nhóm di cư lớn nhất ở nước này đến từ Sudan, Syria, Yemen và Lybia,

Ngoại trưởng Ai Cập phản đối lời kêu gọi sơ tán của Israel, cho rằng đó là "sự vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế" và có thể đặt tính mạng của hơn 1 triệu người Palestine gặp nguy hiểm.

Một quan chức Jordan nhận định với CNN rằng các quan chức Jordan và Ai Cập đang "gây sức ép chính trị và ngoại giao lên chính quyền Israel để cho phép một hành lang hỗ trợ an toàn vào Gaza qua cửa khẩu Rafah".

Tuy nhiên, truyền thông Ai Cập cũng cảnh báo về nguy cơ của việc cho phép người tị nạn Palestine vào đất nước này.

Đa số người dân Gaza hiện nay là người tị nạn Palestine từ các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của Israel trong cuộc chiến giữa nước này và thế giới Arab năm 1948. Cuộc chiến này đã dẫn đến sự thành lập Israel nhưng bị người Palestine coi là Nakba hay "thảm họa" khi hơn 700.000 người Palestine bị trục xuất hoặc buộc phải rời bỏ nhà cửa.

Hàng chục nghìn người Palestine xin tị nạn ở Gaza, lúc bấy giờ nằm dưới sự kiểm soát của Ai Cập. Tuy nhiên Israel đã giành lại vùng lãnh thổ này vào năm 1967 và bắt đầu đưa người Do Thái đến đây định cư. Dù vậy, Israel đã rút quân và dỡ bỏ các khu định cư vào năm 2005.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: CNN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ly-do-ai-cap-ngan-ngai-mo-loi-thoat-cuoi-cung-de-nguoi-dan-gaza-roi-di-post1053160.vov