Lý do Australia kêu gọi người dân giết kangaroo và lấy thịt
Việc nhà chức trách Australia kêu gọi người dân săn bắn kangaroo trên diện rộng, nhằm tránh những hậu quả có thể xảy ra trong tương lai, vấp phải nhiều tranh cãi.
Hình ảnh kangaroo xuất hiện trên quốc huy và đuôi của hãng hàng không quốc gia Australia, nhưng hàng năm chính quyền lại cho phép thợ săn có giấy phép giết hàng triệu con vật này.
Hồi tháng 2, chính phủ Australia đã kêu gọi người dân săn bắn kangaroo trên diện rộng, theo Channel NewsAsia.
Chính phủ Australia và các chuyên gia về động vật hoang dã cho biết một số loài kangaroo rất đông, chúng cần được loại bỏ thường xuyên để bảo vệ đất đai và các loài bản địa khác. Không chỉ vậy, nếu không có biện pháp kiểm soát số lượng hiệu quả, hàng chục triệu con chuột túi có thể chết đói khi hạn hán tới.
Nhưng việc loại bỏ hợp pháp một biểu tượng quốc gia khiến một số nhà hoạt động phẫn nộ. Trong nhiều năm, họ đã vận động để chấm dứt hoạt động mà họ cho là tàn ác và bị thúc đẩy bởi lợi ích thương mại.
Theo đó, khi săn bắn kangaroo, những người thợ săn hợp pháp có thể nhận được một khoản phí nhất định trên mỗi kg. Những con vật này sẽ bị giết lấy thịt, da để xuất khẩu sang khoảng 70 quốc gia khác - một ngành công nghiệp tạo ra 133 triệu USD mỗi năm, theo Hiệp hội Công nghiệp Kangaroo của Australia (KIAA).
Phản ứng trái chiều
Trong nhiều thập kỷ, da kangaroo là chất liệu được các nhà sản xuất giày bóng đá cao cấp lựa chọn do độ mềm và độ bền.
Tuy nhiên, trong tháng 3, công ty thể thao Nike của Mỹ và Puma của Đức tuyên bố họ đang loại bỏ dần việc dùng da kangaroo để chuyển sang sử dụng các chất liệu tổng hợp thay thế, theo CNN.
Các nhóm bảo vệ động vật sau đó ca ngợi đây là chiến thắng sau nhiều năm vận động hành lang.
“Thật là một ngày tuyệt vời cho những chú chuột túi”, Mick McIntyre của nhóm chiến dịch Kangaroos Alive cho biết.
Tuy vậy, chiến dịch chống lại các sản phẩm từ kangaroo gây ra sự thất vọng cho nhiều người ở Australia, không chỉ trong chính phủ mà với cả các chuyên gia về động vật hoang dã. Họ cho rằng hoạt động loại bỏ được cấp phép là cần thiết để duy trì số lượng bền vững và ngăn chặn sự đau khổ của chính loài động vật này.
Chuyên gia về quản lý kangaroo George Wilson cho hay nỗ lực nhằm đóng cửa ngành công nghiệp sử dụng các bộ phận của kangaroo có mục đích tốt nhưng bị dẫn dắt sai lệch.
"Họ cho rằng làm vậy (khai thác kangaroo) là vô đạo đức, tuy nhiên để kangaroo chết đói hàng loạt mới là vô đạo đức. Ngồi im không làm gì mới thực sự là tội ác", ông Wilson nói.
Trong khi đó, Jim Radford, nhà sinh thái học và sinh vật học bảo tồn từ Trung tâm Nghiên cứu Cảnh quan Tương lai tại Đại học La Trobe ở Melbourne, chia sẻ: “Nếu không có ngành công nghiệp da kangaroo và thịt kangaroo, thì kangaroo vẫn sẽ bị bắn... Các chủ đất vẫn sẽ bắn kangaroo và hậu quả sẽ còn tồi tệ hơn so với việc (loại bỏ) được thực hiện một cách có kiểm soát, quy định”.
Đặt ra hạn ngạch săn bắn
Do khu vực rộng lớn mà kangaroo đi lang thang, khó mà đếm được hết số lượng của chúng. Nhưng hàng năm, nhà chức trách vẫn tiến hành khảo sát bằng trực thăng và khí cụ bay, đôi khi được hỗ trợ bởi các cuộc kiểm tra trên mặt đất.
Sau đó, họ sẽ đặt hạn ngạch hàng năm cho số lượng và loài thuộc Macropod (họ chân lớn) có thể bị tiêu diệt. Ở Victoria, tỷ lệ này không vượt quá 10% và với một số bang khác, tỷ lệ không quá 20%.
Theo số liệu mới nhất của chính phủ, 36,5 triệu con kangaroo và wallaroo chịu sự kiểm soát ở 5 tiểu bang cho phép săn bắn thương mại - New South Wales, Queensland, Victoria, Nam Australia và Tây Australia.
Năm nay, hạn ngạch ở các bang này cho phép săn bắn khoảng 5 triệu con.
Theo Cục Biến đổi Khí hậu, Năng lượng, Môi trường và Nước Australia, trong những năm gần đây, hạn ngạch hàng năm không được đáp ứng và chỉ có 4% tổng số lượng chuột túi bị loại bỏ.
Ngoài sự tàn ác của việc bắn giết một con vật, các nhà hoạt động còn tranh cãi về số lượng kangaroo đang giảm - tuyên bố mà một số chuyên gia về động vật hoang dã cho là không đúng sự thật.
Theo chính phủ Australia, trong số 60 loài kangaroo và chuột túi wallaby, chỉ có 6 loài được phép xuất khẩu lấy thịt, dù ở hầu hết bang, chỉ có 4 loài bị săn bắt: Kangaroo đỏ, kangaroo xám miền Đông và miền Tây, cùng wallaroo thông thường.
Một tranh cãi khác là liệu quần thể kangaroo có cần quản lý hay không. Các chuyên gia động vật hoang dã nói có, nhưng một số nhà vận động như Mark Pearson lập luận số lượng của kangaroo có thể tự điều chỉnh.
Tranh cãi về ngành công nghiệp kangaroo
Dennis King, giám đốc điều hành của Hiệp hội Công nghiệp Kangaroo Australia (KIAA), có vẻ bực tức khi được hỏi về nỗ lực cấm xuất khẩu kangaroo của các nhà hoạt động.
“Nếu họ dành thời gian để hiểu và nhìn vào thực tế, họ sẽ thấy rằng đây là một ngành được quản lý rất tốt và có quy định chặt chẽ”, ông nói.
“Chúng là loài động vật tuyệt vời. Chúng là một biểu tượng quốc gia… nhưng các chương trình bảo tồn này của chính phủ được thực hiện để đảm bảo mang lại kết quả tốt hơn cho phúc lợi và sức khỏe của chúng”, ông King cho biết.
Ông cảnh báo nếu hoạt động thương mại biến mất, nông dân có thể gặp khó khăn trong việc thuê các tay súng chuyên nghiệp - những người mà ông nói trái ngược với tuyên bố của các nhà hoạt động, được đào tạo chuyên sâu và được cấp phép săn bắn.
Chính phủ Australia đang ủng hộ cuộc "phản công" của KIAA, cử người đến Washington, D.C., vào tháng trước để gặp gỡ quan chức cấp cao của Bộ Nông nghiệp và Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, nhằm thuyết phục họ về tiêu chuẩn phúc lợi động vật và tính bền vững của ngành.
“Dưới sự giám sát của chính phủ, các nhà khai thác thương mại tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên mà nếu không sẽ bị lãng phí trong quá trình loại bỏ. Ngành công nghiệp này cung cấp việc làm, tạo ra tiền ở vùng nông thôn và Regional Australia”, ông King cho biết.
Phương pháp khác
Lãnh thổ thủ đô Australia (ACT) cũng loại bỏ những con chuột túi xám phía đông, nhưng với cách khác.
Năm ngoái, chính quyền địa phương bắt đầu thử nghiệm GonaCon - loại vaccine kiểm soát sinh sản do chính phủ Mỹ phát triển để quản lý một số động vật hoang dã.
Cho đến nay tại ACT, các quan chức chính phủ cho biết khoảng 60 con kangaroo cái ở hai khu bảo tồn đã được tiêm vaccine này.
Bren Burkevics, nhà bảo tồn động thực vật của ACT, nói rằng theo thời gian, các quan chức động vật hoang dã hy vọng sẽ có ít kangaroo bị tiêu hủy hơn thông qua cách này.
Nhưng ông không cho rằng vaccine sẽ giải quyết hoàn toàn nhu cầu quản lý số lượng.
“Bất cứ cuộc loại bỏ, tiêu hủy nào thông qua việc sử dụng súng đều là chủ đề gây tranh cãi”, Burkevics nói. “Nó gần như đi ngược lại mọi thứ mà chúng tôi muốn làm từ góc độ bảo tồn”.
Dù vậy, theo người đứng đầu cơ quan Môi trường của ACT Rebecca Vassarotti, số lượng phải được kiểm soát để bảo vệ loài có nguy cơ tuyệt chủng khác.
“Lý do duy nhất mà chúng tôi kiểm soát kangaroo là vì các yêu cầu về sinh thái và môi trường”, bà nhấn mạnh.