Lý do bất ngờ về dòng người xếp hàng, chờ mua Chanel, Gucci
Theo nhiều chuyên gia, nạn cướp từ các cửa hàng đồ hiệu trên toàn nước Mỹ, bao gồm ở New York, Chicago, Miami, San Francisco và Seattle, có thể là nguyên nhân.
Trong thời kỳ cao điểm của đại dịch Covid-19, hầu hết nhãn hàng sang trọng đều tập trung vào “mua sắm theo lịch hẹn” với lý do duy trì giãn cách xã hội. Tuy nhiên, ngay cả khi mối đe dọa từ virus giảm đi, một số vẫn tiếp tục áp đặt chính sách nghiêm ngặt, theo New York Post.
Các thương hiệu lớn bao gồm Louis Vuitton, Chanel và Cartier không giải thích về việc để khách xếp hàng dài trước cửa hàng và phải trả lời câu hỏi từ nhân viên rồi mới được vào trong.
“Chúng tôi khuyến cáo quý khách đặt lịch hẹn trước khi ghé qua cửa hàng để tránh phải chờ đợi lâu”, trang web của Cartier viết mà không có thông tin gì thêm.
Theo nhiều chuyên gia, nạn cướp từ các cửa hàng đồ hiệu trên toàn nước Mỹ, bao gồm ở New York, Chicago, Miami, San Francisco và Seattle, có thể là nguyên nhân.
Năm ngoái, vấn đề này trở nên tồi tệ đến mức thành phố Beverly Hills phải thuê 2 công ty an ninh tư nhân để tuần tra khu giải trí và thời trang xa xỉ Rodeo Drive.
Trong khi đó, cửa hàng Louis Vuitton tại trung tâm mua sắm Westchester Mall (New York) bị toán cướp tấn công vào tháng 2. Từ đó, nơi này chỉ mở hé cửa với tấm biển thông báo khách phải xếp hàng để chờ vào mua sắm.
Phía ngoài, cặp nhân viên cùng 2 bảo vệ kiểm tra ai có thể vào bên trong. Sau khi qua vòng này, khách mua sắm được nhân viên của cửa hàng dẫn đi.
Steve Dennis, nhà tư vấn bán lẻ tại Dallas, cho biết các thương hiệu xa xỉ úp mở lý do làm như vậy vì việc khó vào cửa hàng “tạo ra cảm giác độc quyền”.
“Hầu hết cửa hàng này đều không đông khách. Các hàng dài đợi mua sắm có thể thấy ở Texas - nơi không mấy bận tâm về Covid-19”, ông nói thêm.
Tuần trước, một giám đốc điều hành của Chanel gây xôn xao khi tiết lộ họ có kế hoạch mở các cửa hàng “độc quyền” ở châu Á vào năm tới dành cho khách hàng VIP. Công ty đang tuyển dụng 3.500 nhân viên mới cho sáng kiến này, theo chuyên gia.
Giám đốc tài chính Philippe Blondiaux của Chanel nói với Business of Fashion: “Mối bận tâm lớn nhất của chúng tôi là bảo vệ khách hàng, đặc biệt là khách quen. Chúng tôi sẽ đầu tư vào vấn đề an ninh của các cửa hàng để phục vụ khách theo cách rất riêng”.
Đáp lại, blog thời trang Highsnobiety đặt câu hỏi: “Chính xác thì Chanel muốn ‘bảo vệ’ khách hàng của mình khỏi điều gì?”.
Nhà tư vấn bán lẻ hàng cao cấp Melanie Holland suy đoán Chanel có thể đang tìm cách bảo vệ khách hàng giàu có của mình khỏi trở thành mục tiêu cho kẻ cướp sau khi họ rời khỏi cửa hàng. Tuy nhiên, theo cô, những người chi tiêu mạnh tay cũng không thường đi dạo trên phố.
“Những người chi 25.000 USD cho chiếc váy thì không muốn đứng xếp hàng. Họ có thể đặt lịch hẹn với người mua sắm riêng của mình”, Holland nói.
Các cửa hàng trên đại lộ Madison ở Upper East Side thuộc quận Manhattan, bao gồm Chanel, Prada và Carolina Herrera, đang tắt đèn, đóng cửa và chỉ mở theo lịch hẹn nhằm ngăn rủi ro bị náo loạn hay cướp bóc.
Tháng 2, một nhóm 7 tên cướp đã rời cửa hàng The Real Real trên đường 71st với túi xách và đồ trang sức trị giá gần 500.000 USD.
Susan Scafidi, người sáng lập và giám đốc của Học viện Luật thời trang tại Trường Luật Fordham, cho biết: “Sau những vụ việc như vậy, các nhà bán lẻ nghi ngờ về việc ai đang bước qua cánh cửa của họ”.
Trên thực tế, hầu hết thương hiệu cao cấp chỉ định một nhân viên bán hàng cho từng khách hoặc nhóm. Những ngày tháng vào cửa tự do để mua sắm đã kết thúc.
Trong khi đó, nhân viên tại các cửa hàng cao cấp bao gồm Chanel, Gucci và Burberry được bố trí để giải đáp thắc mắc của khách hàng.
“Chúng tôi vẫn đang giải quyết vấn đề chậm giao hàng từ Paris. Không ai mong muốn khách đến và nhận thấy cửa hàng không có những kiểu dáng mới nhất. Họ cần được thông báo rằng các món đồ đang trên đường vận chuyển”, một nhân viên bán hàng nói.