Lý do báu vật hoàng gia được đưa ra khỏi quan tài nữ hoàng Anh
Vương miện, vương trượng, quả cầu hoàng gia - báu vật gia truyền đặt trên quan tài Nữ hoàng Elizabeth II - có ý nghĩa lớn với chính bản thân bà cũng như với lịch sử hoàng gia Anh.
Nữ hoàng Elizabeth II đã về nơi an nghỉ cuối cùng trong khuôn viên Lâu đài Windsor hôm 19/9. Trong lễ tang hôm 19/9 và khi linh cữu nữ hoàng được quàn tại Đại sảnh Westminster, báu vật hoàng gia gồm vương miện, vương trượng và quả cầu hoàng gia luôn được đặt trên quan tài của bà.
Elle nhận định đây đều là những báu vật gia truyền và có ý nghĩa sâu sắc với triều đại cai trị của bà, cũng như trong lịch sử hoàng gia Anh.
Vương miện, vương trượng và quả cầu hoàng gia mang ý nghĩa gì?
Theo Lịch sử Cung điện Hoàng gia - tổ chức từ thiện độc lập quản lý một số cung điện hoàng gia không có người ở tại Vương quốc Anh, ba món đồ này thuộc một phần bộ sưu tập Crown Jewel. Nữ hoàng Elizabeth II đã sử dụng những báu vật này trong lễ đăng quang vào năm 1953.
Tuy nhiên, ba món đồ này không phải được tạo ra trong triều đại của Nữ hoàng Elizabeth II. Quả cầu và vương trượng - làm từ năm 1661 - được sử dụng trong mọi lễ đăng quang của hoàng gia Anh kể từ buổi lễ của Vua Charles II cùng năm đó. Do đó, đây là những báu vật có tuổi đời hàng thế kỷ.
Vương trượng ban đầu được trang trí bằng một trong những viên kim cương có giá trị nhất thế giới. Ông nội của bà Elizabeth đã quyết định sửa món đồ này vào năm 1910, thay bằng viên kim cương Cullinan I. Cullinan I được phát hiện ở Nam Phi vào năm 1905, nặng 530,2 carat và được mệnh danh là “viên kim cương cắt không màu lớn nhất thế giới”.
Quả cầu trên quan tài được trang trí bằng một cây thánh giá. Món đồ này cũng xuất hiện trong lễ đăng quang và tượng trưng rằng quyền lực của quân vương có nguồn gốc từ Chúa.
Trong khi đó, theo Lịch sử Cung điện Hoàng gia, chiếc vương miện hoàng gia được làm bằng vàng và đính 2.868 viên kim cương, 17 viên saphir, 11 viên ngọc lục bảo, 269 viên ngọc trai và 4 viên hồng ngọc.
Vương miện này dành cho vua George VI, cha của bà Elizabeth trong lễ đăng quang năm 1937 của ông. Vua George VI đã đội vương miện này khi rời Tu viện Westminster sau đăng quang. Vương miện Thánh St. Edward - làm vào năm 1661 - chỉ được sử dụng vào thời điểm Vua George VI đăng quang.
Sau lễ tang, 3 món đồ này sẽ cất ở đâu?
Ba món đồ này không đi theo Nữ hoàng Elizabeth II sau lễ tang hoặc lễ an táng bà.
Cả vương miện, vương trượng và quả cầu hoàng gia đã được lấy ra khỏi quan tài nữ hoàng khi buổi lễ tại Nhà nguyện St. George hôm 19/9 kết thúc.
Buổi lễ tại Nhà nguyện St. George là nơi cuối cùng linh cữu vị quốc vương quá cố xuất hiện công khai. Người nhận lại các báu vật này là linh mục David Conner, nhân vật đứng đầu Nhà nguyện St. George.
Nơi an nghỉ cuối cùng của nữ hoàng là trong Nhà nguyện tưởng niệm Vua George VI, cùng với cha mẹ và phu quân là Hoàng thân Philip.
Tuy nhiên, hoàng gia Anh sẽ sớm sử dụng lại 3 báu vật này. Có khả năng hoàng gia Anh sẽ tiếp tục tuân theo truyền thống và dùng chúng trong lễ đăng quang của Vua Charles III.
Ba báu vật trang trí trên quan tài là nhằm tưởng nhớ đến triều đại của Nữ hoàng Elizabeth II với tư cách là vị quân vương cầm quyền lâu nhất Anh. Bà trị vì trong hơn 70 năm, từ ngày 6/2/1952-8/9/2022.