Lý do bộ phim tiếp theo của đạo diễn Lương Đình Dũng phải dán nhãn C18 khi ra rạp
'Thành phố ngủ gật' là tựa đề tác phẩm điện ảnh thứ 3 của đạo diễn Lương Đình Dũng. Phim đã được cấp phép ra rạp trong nước với điều kiện dán nhãn C18, hạn chế khán giả xem dưới 18 tuổi vì hai yếu tố 'cảnh nóng và bạo lực'.
Sau tiếng vang từ tác phẩm điện ảnh đầu tay “Cha cõng con”, đạo diễn Lương Đình Dũng bắt tay vào làm cùng lúc hai dự án nữa là “578: Phát đạn của kẻ điên” và “Thành phố ngủ gật” (tên tiếng Anh là "Drowsy City").
Trong khi "578" đã ra rạp trong nước, hiện vẫn đang chu du tại các thị trường phim quốc tế và mới đây được chọn là đại diện điện ảnh Việt Nam tranh giải Oscar 2022, thì mới đây "Thành phố ngủ gật" cũng đã chính thức chốt lịch ra rạp và ra mắt khán giả. Theo đó, đây tiếp tục là một bộ phim được đạo diễn Lương Đình Dũng chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết do chính mình viết. Được biết, cuốn tiểu thuyết này cũng chính là tên gọi của phim và được anh viết cách đây hơn một thập kỷ.
Phía êkip sản xuất phim chia sẻ, nhân vật chính trong phim "Thành phố ngủ gật" là một chàng trai 25 tuổi, sống trong một khu nhà bỏ hoang, hàng ngày đi mổ gà thuê. Cuộc sống cứ như vậy diễn ra cho đến một ngày xuất hiện ba gã đàn ông không rõ danh tính đến lẩn trốn ở một căn phòng cùng khu nhà, rồi thêm một cô gái xuất hiện. Mọi bất thường xảy ra, bắt đầu xuất hiện ngoài tầm kiểm soát các nhân vật và của chính tác giả. Phim ẩn chứa bức thông điệp sâu xa với nội dung: "Thứ đáng sợ nhất của con người không phải chân tay, cơ thể hay tiền bạc. Bộ não khi bị tổn thương thì mọi thứ tàn bạo từ những kẻ ngây thơ nhất cũng thành đáng sợ nhất".
Đặc biệt, bối cảnh phim được quay trong một khu nhà bỏ hoang, đang chờ xây lại mà theo đạo diễn Lương Đình Dũng thì cứ như bối cảnh này là để dành riêng cho “Thành phố ngủ gật”. Anh tiết lộ, ban đầu cả êkip định đi tìm bối cảnh ở Quảng Ninh và Hải Phòng nhưng cuối cùng bất ngờ tìm ra bối cảnh rất gần ngay trtong Hà Nội do một họa sĩ giới thiệu. Tuy nhiên giai đoạn cuối thì chủ xây dựng bắt đầu chuẩn bị tháo dỡ nên cả đoàn phim phải quay phim trong điều kiện tiếng ồn và thời tiết nóng kinh khủng.
Cũng theo đạo diễn Lương Đình Dũng, “Thành phố ngủ gật" là bộ phim nói về những "trận chiến" trong tâm lý của con người. Theo đó, trong đầu một con người có thể ẩn chứa cả thế giới, chứa đựng bão tố, cả hai yếu tố thiện - ác mà có lẽ suy nghĩ của con người mới là thứ khó khám phá và bất ngờ nhất. Những thước phim bắt đầu từ một câu chuyện chẳng có gì và dần dần dẫn đến sự rùng rợn ngoài sự tưởng tượng của các nhân vật. Anh tin rằng đây là một câu chuyện rùng rợn không có bóng dáng của bất kỳ bộ phim nào mà khán giả đã nhìn thấy. Thậm chí, “Thành phố ngủ gật” có thể là một bộ phim gây tranh cãi nhiều và phức tạp nhất. Trong bộ phim này, anh quyết định sử dụng diễn viên mới vì gương mặt của họ vừa phù hợp và chưa bị quá chuyên nghiệp trong cách diễn, như vậy câu chuyện mới được kể đúng ý đồ.
"Mỗi ngày nên làm mới mình, nghề làm phim cũng phải khám phá chứ không đi mãi một chủ đề thành lối mòn. Tôi xoay chuyển, buộc bản thân phải vận động dữ dội để khám phá đáp ứng yêu cầu của chính tôi.” - đạo diễn Lương Đình Dũng giải thích về "cú xoay" bất ngờ của mình trong phim ảnh bởi nếu như “Cha cõng con” là một câu chuyệ̣n đẹp và buồn về tình phụ tử; “578” là một câu chuyện dữ dội và phức tạp nhưng được chủ ý bộc lộ rõ ràng và phô bày bằng hình ảnh....thì “Thành phố ngủ gật” lại là câu chuyện phim tâm lý tội phạm pha yếu tố kinh dị.
Đặc biệt, so với kinh phí sản xuất 2 bộ phim trước đây thì lần này kinh phí để sản xuất "Thành phố không ngủ gật" là con số mà như đạo diễn Lương Đình Dũng tiết lộ là "cực kỳ khiêm tốn". Cụ thể, trước kia phim “Cha cõng con” có kinh phí hơn chục tỷ đồng, phim “578: Phát đạn của kẻ điên” ngốn số tiền gần 3 triệu USD, còn “Thành phố ngủ gật” lại chỉ được sản xuất với kinh phí vỏn vẹn khoảng 1 tỷ đồng.
Lý giải về điều này, đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết, "Thành phố ngủ gật" kinh phí khá nhỏ, nhỏ ở đây không phải tiết kiệm mà do câu chuyện ngược hẳn với phim "578", chủ yếu tập trung vào yếu tố bên trong, yếu tố bạo lực và rùng rợn nên không cần đến những bối cảnh quay hay đại cảnh hoành tráng như "578". Hơn nữa nhiều nhà làm phim là bạn của anh nên đôi khi kinh phí họ chỉ lấy bằng 1/4 so với mặt bằng chung. Tuy nhiên khi làm bộ phim này, êkip cũng dùng các thiết bị quay phim hiện đại và nhân sự giỏi khi ghi hình như: đạo diễn hình ảnh phim Thái Lan Chalermpornpanit (với các dự án phim tham dự LHP quốc tế Busan, LHP quốc tế Singapore, chiếu tại LHP Berlin...), nhà quay phim Việt Nam Phạm Văn Khuê, nhạc sĩ Martynas Bialobžeskis (người đã có nhiều tác phẩm âm nhạc được trình diễn tại các lễ hội âm nhạc, hòa nhạc ở Latvia, Estonia, Đức, Ba Lan, Mỹ)… Hậu kỳ phim thì gần như được làm toàn bộ ở Hàn Quốc và Thái Lan.
"Nếu bình thường kinh phí có thể gấp lên 4 đến 5 lần so với kinh phí sản xuất thực tế hiện tại chỉ hơn 1 tỷ đồng.” - đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết.
Nói về việc phim được cấp phép ra rạp kèm theo điều kiện dán nhãn C18 hạn chế người xem dưới 18 tuổi, đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ, sở dĩ vậy bởi bên cạnh những cảnh bạo lực thì phim còn có nhiều cảnh "nóng" táo bạo. Mà để thực hiện được những cảnh này, anh đã phải mất rất nhiều thời gian để thuyết phục nữ chính. Tuy nhiên những cảnh "nóng" trong phim được tiết lộ là "đẹp tĩnh lặng hơn là những chuyển động có phần thô bạo". Điều đặc biệt là, nam chính sau đó đã cưới em gái của nữ chính. Hai người quen nhau do em gái nữ chính thường đi cùng chị đến đoàn phim. Trước đó, "578" cũng bị dán nhãn C18 khi ra rạp trong nước nhưng êkip sản xuất cho biết, "578" không có yếu tố rùng rợn như "Thành phố ngủ gật".
Chọn tên phim “Thành phố ngủ gật", Lương Đình Dũng lý giải, bởi trong bộ phim, thành phố hiện lên như một nhân vật phức tạp và lắm chuyện. Bộ phim được chuẩn bị từ trước “578” nhưng do thực hiện theo từng công đoạn và là phim tâm lý cũng không thể làm nhanh được. Tháng 4-2022 phim quay xong những cảnh cuối cùng. Sau khi hoàn thành “578”, đạo diễn mới có thời gian chuẩn bị cho “Thành phố ngủ gật” ra mắt.