Lý do Bộ Y tế đề xuất tăng phụ cấp, tiền trực cho nhân viên y tế

Bộ Y tế đề xuất tăng tiền phụ cấp mổ, tiền trực cho cán bộ y tế phù hợp với chỉ số trượt giá và giá tiêu dùng

Bộ Y tế đang dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch.

Bộ Y tế kiến nghị tăng tiền phụ cấp của nhân viên y tế

Bộ Y tế kiến nghị tăng tiền phụ cấp của nhân viên y tế

Theo đề xuất mới nhất của Bộ Y tế, mức phụ cấp người lao động tham gia ca trực 24 giờ của bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt sẽ tăng thêm 210.000 đồng; phẫu thuật viên chính ca mổ đặc biệt hưởng phụ cấp 790.000 đồng, gấp 2,8 lần hiện nay.

Hiện các mức phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, phụ cấp chống dịch và mức hỗ trợ tiền ăn đối với các đối tượng được áp dụng tại Quyết định số 73 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Thời điểm áp dụng theo quyết định số 73, mức lương cơ sở là 830.000 đồng, sau 13 năm, lương cơ sở tăng lên 2.340.000 đồng (tăng 182%). Mức phụ cấp theo quyết định 73 được Bộ Y tế đánh giá là "quá thấp và không còn phù hợp" với tình hình kinh tế, đời sống hiện nay. Hiện chế độ phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật; tiền trực; tiền ăn chưa có sự điều chỉnh tương ứng.

Theo quy định hiện hành, người mổ chính trong ca phẫu thuật đặc biệt được nhận phụ cấp 280.000 đồng, người phụ mổ 200.000 đồng, còn người giúp việc cho ca mổ là 120.000 đồng. Số tiền giảm dần theo mức độ ca phẫu thuật loại 1, loại 2, loại 3. Như ở ca phẫu thuật loại 3, số tiền lần lượt giảm còn 50.000; 30.000 và 15.000 đồng.

Theo dự thảo, người lao động trực 24/24 giờ được đề xuất hưởng mức phụ cấp như sau:

Người lao động làm việc theo ca 12/24 giờ được hưởng mức bằng 0,5 lần mức phụ cấp trực 24/24 giờ.

Người lao động thường trực theo kíp 12/24 giờ vào các ngày nghỉ hằng tuần, ngày lễ, ngày Tết được hưởng mức bằng 0,5 lần mức phụ cấp trực 24/24 giờ.

Người lao động làm việc theo ca 16/24 giờ được hưởng mức bằng 0,75 lần mức phụ cấp trực 24/24 giờ.

Nếu trực tại khu vực hồi sức cấp cứu, khu vực chăm sóc đặc biệt thì mức phụ cấp trực được tính bằng 1,5 lần mức quy định trên; trực vào ngày nghỉ hằng tuần thì mức phụ cấp trực được tính bằng 1,3 lần mức quy định trên; trực vào ngày lễ, ngày Tết thì mức phụ cấp trực được tính bằng 1,8 lần mức quy định trên.

Về chế độ phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, Bộ Y tế đề xuất theo bảng sau:

Đề xuất về mức phụ cấp phẫu thuật của Bộ Y tế; mức phụ cấp thủ thuật bằng 0,3 lần mức phụ cấp phẫu thuật cùng loại.

Trước đó, cử tri tỉnh Hà Giang phản ánh hiện chế độ phụ cấp trực thấp không đảm bảo được cuộc sống, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể, tiền trực ngày thường của nhân viên trạm y tế xã hiện 18.750 đồng/đêm, ngày cuối tuần là 32.500 đồng, còn tiền ăn 15.000 đồng/đêm.

Vì vậy, cử tri kiến nghị Bộ Y tế nâng phụ cấp tiền trực, tiền ăn ngày thường lên 100.000 đồng/đêm; ngày cuối tuần lên 150.000/đêm. Ngày nghỉ lễ tăng từ 45.000 lên 200.000 đồng/đêm. Hỗ trợ tiền ăn ngày cuối tuần và nghỉ lễ từ 15.000 lên 150.000/ngày.

Một ca phẫu thuật ghép tim tại Bệnh viện Việt Đức

Một ca phẫu thuật ghép tim tại Bệnh viện Việt Đức

Lãnh đạo một số bệnh viện cho biết chế độ phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật được thực hiện hơn 10 năm trước hiện không còn phù hợp. Đơn cử, một ca mổ đặc biệt thường kéo dài từ 4 tới 6 giờ, thậm chí có ca trên 8-10 giờ như phẫu thuật tim, ghép tạng... vẫn chỉ nhận được mức phụ cấp 280.000 đồng/ca cho phẫu thuật viên chính.

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2021 đến giữa năm 2022, cả nước có gần 10.000 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó nhiều nhất là ở TP HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng. Một trong những nguyên nhân khiến họ nghỉ việc là do áp lực kinh tế, thu nhập thấp.

N.Dung

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ly-do-bo-y-te-de-xuat-tang-phu-cap-tien-truc-cho-nhan-vien-y-te-196241013092630411.htm