Lý do cần hướng dẫn áp dụng Án lệ số 47?

TAND TC vừa gửi văn bản đến các tòa cấp dưới và các đơn vị trực thuộc truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chánh án TAND TC về việc áp dụng Án lệ số 47.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo đó, ngày 31/12/2021, Chánh án TAND TC ban hành Án lệ 47 về việc xác định tội danh trong trường hợp bị cáo dùng hung khí nguy hiểm đâm vào vùng trọng yếu của cơ thể bị hại. Sau khi án lệ này được công bố, TAND TC nhận được ý kiến phản hồi của một số tòa án, cơ quan liên quan đến việc áp dụng án lệ nêu trên.

Để việc áp dụng án lệ này được thống nhất, đúng pháp luật, TAND TC quán triệt một số nội dung. Án lệ số 47 có tình huống án lệ là bị cáo dùng dao là hung khí nguy hiểm đâm vào vùng bụng của bị hại là vùng trọng yếu của cơ thể con người, bị hại không chết là ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo. Giải pháp pháp lý là “trường hợp này, tòa án phải xác định bị cáo chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người”.

Văn bản nêu rõ, để áp dụng án lệ này, trước tiên cần xác định vùng trọng yếu trên cơ thể của con người là những vùng có các cơ quan quan trọng quyết định đến sự sống của con người (ví dụ: tim, gan, thận, não, động mạch chủ...), nếu bị xâm hại mà người bị xâm hại không được cấp cứu kịp thời sẽ chết. Do đó, ngoài việc chứng minh bị cáo đã có hành vi dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể của bị hại thì cần phải xem xét, đánh giá toàn diện các tài liệu, chứng cứ của vụ án.

Ngoài ra, các tình tiết thể hiện tính chất, mức độ của hành vi, cơ chế hình thành vết thương, sự quyết liệt trong thực hiện hành vi, vị trí cơ thể bị hại mà bị cáo có ý định tấn công để chứng minh ý thức chủ quan của bị cáo là cố ý thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho tính mạng của bị hại. Hành vi của bị cáo thể hiện sự côn đồ, hung hãn, quyết liệt, coi thường tính mạng người khác; bị hại không chết là ngoài ý thức, mong muốn chủ quan của bị cáo.

Vì vậy, không phải trường hợp nào bị cáo có hành vi dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể của bị hại cũng áp dụng Án lệ số 47. Chỉ xem xét áp dụng án lệ này trong trường hợp hành vi của bị cáo có đầy đủ các yếu tố nêu trên để xác định bị cáo phạm tội giết người thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt. Văn bản nêu, trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc thì báo cáo TAND TC để có hướng dẫn kịp thời.

Trước đó, tại Hội nghị rút kinh nghiệm xét xử khu vực miền Trung - Tây nguyên của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, ông Phạm Tấn Hoàng, Phó Chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, cho biết trong thời gian kể từ khi Án lệ số 47 ban hành, áp dụng vào thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử trong phạm vi cả nước nói chung và trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng gặp nhiều khó khăn, bất cập, chủ yếu xuất phát từ nhận thức pháp luật không thống nhất, có nhiều trường hợp nhận thức không đúng về nội dung và tinh thần của án lệ này. Điều này dẫn đến áp dụng máy móc vào việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội phạm bị kết án giết người gia tăng đột biến.

Thống kê của Phòng Hành chính - Tư pháp TAND Cấp cao tại Đà Nẵng cho thấy từ ngày 1/5/2022 đến 15/5/2023 có 63 vụ án do TAND các tỉnh, TP trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên (9/12 tỉnh, thành) xét xử kết tội bị cáo về tội giết người với tỷ lệ thương tích của nạn nhân dưới 20% do áp dụng Án lệ số 47 một cách máy móc. Đáng ra, bị cáo chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích”. Thực tiễn, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã thay đổi tội danh từ “Giết người” sang “Cố ý gây thương tích” khi xét xử phúc thẩm.

Các thẩm phán cho rằng, Án lệ số 47 đưa ra nhưng không hướng dẫn cụ thể các tình tiết khiến mỗi người áp dụng một kiểu, gây khó khăn trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Nhiều ý kiến kiến nghị TAND TC cần có một văn bản cụ thể hơn để những người tham gia tố tụng hiểu rõ và áp dụng đúng án lệ này.

Nhật Nam

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ly-do-can-huong-dan-ap-dung-an-le-so-47-340426.html