Lý do cần tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM
'Ngân sách để lại cho TP.HCM không phải là khoản chi tiêu dùng, mà đây là khoản đầu tư phát triển để tăng nguồn thu cho cả nước.'
TP.HCM đang xây dựng đề cương chi tiết Đề án tỉ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách TP.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận định: Bài toán ngân sách cần giải quyết ở đây là giữa cái chung và cái riêng vì ngân sách trung ương và địa phương lồng ghép, đan xen nhau. Vì thế việc giải quyết cho TP.HCM là giải quyết cái riêng nhưng luôn đặt trong bối cảnh chung của cả nước.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân cho rằng vấn đề là làm sao tăng đầu tư cho TP.HCM, tức tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP, phù hợp hơn với những đóng góp của TP.HCM đối với cả nước, theo nguyên lý làm nhiều thì phải được hưởng nhiều. Điều này cũng phù hợp hơn về mặt phân bổ đầu tư, nơi nào làm việc có hiệu quả cao nhất thì ưu tiên đầu tư nơi đó. Câu chuyện đã nhìn thấy cách đây rất lâu rồi.
TP.HCM đang quá tải
. Phóng viên: Thưa ông, cơ sở đề xuất tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM căn cứ vào đòi hỏi thực tiễn nào của siêu đô thị này?
+ PGS-TS Trần Hoàng Ngân: Đó là áp lực và thách thức của một thành phố siêu đô thị (tính cả dân số vãng lai là trên 13 triệu dân). TP.HCM hiện nay đang quá tải về hạ tầng kỹ thuật và đối mặt với nhiều thách thức về kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, quá tải các bệnh viện và trường học...
Sự quá tải này không phải bây giờ mới đối mặt mà đã có từ lâu và ngày càng lớn hơn, đang đạt đến điểm nghẽn. Nếu không giải quyết các quá tải này thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.
Những bức thiết đó đòi hỏi phải có sự đầu tư. theo đó tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM phải tương thích thì TP mới chủ động được nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng tốt hơn nhằm giải quyết các áp lực đang đối mặt.
Đơn cử như cầu Bình Tiên (quận 8), mấy chục năm rồi không làm được cho dân, hay như sự chậm trễ của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên thấy xót xa lắm. Các đường vành đai cũng đang vướng chưa xong.
Ngoài ra, áp lực về tệ nạn xã hội, an ninh trật tự phức tạp cũng cần phải có những khoản chi quản lý để đảm bảo được trật tự an toàn xã hội.
TP.HCM là nơi thu ngân sách rất nhiều, tại sao lại không đầu tư để giải quyết nhưng điểm nghẽn đó. Từ đó TP phát triển bứt phá và đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế và nguồn thu ngân sách trung ương bền vững.
. Có ý kiến cho rằng TP.HCM vẫn đang phát triển tốt, các chỉ tiêu ngân sách trung ương giao những năm gần đây liên tục tăng nhưng TP vẫn thu đạt, thậm chí vượt mức được giao, vậy có cần phải tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách. Quan điểm của ông về điều này thế nào?
+ Về dự toán thu ngân sách, trong ba năm đã tăng gần 100.000 tỉ đồng nhưng TP.HCM vẫn vượt thu. Năm nay thu ngân sách dự kiến đạt hơn 412.000 tỉ đồng (ước đạt 103,3% dự toán). Đây là một nỗ lực rất lớn của TP.HCM.
Nhưng sự cố gắng của TP đến một lúc nào đó nó sẽ mỏi cánh, đến một lúc nào đó đầu tàu này sẽ gặp khó trước các điểm nghẽn. Biểu hiện là thu hút đầu tư nước ngoài đang giảm dần và số lượng thành lập mới doanh nghiệp năm nay cũng không đạt kế hoạch. Điều đó cho thấy các nhà đầu tư hiện đang có phản ứng không tích cực đối với kết cấu hạ tầng của TP. Khách du lịch đến đây cũng than phiền, thậm chí người dân cả nước khi đến TP.HCM cũng rất ái ngại khi gặp cảnh kẹt xe, ngập nước... Đây chính là chỗ TP cần giải quyết.
. Việc tháo gỡ các điểm nghẽn cho TP.HCM có ý nghĩa gì đối với kinh tế toàn vùng cũng như sự phát triển chung của cả nước?
+ Bài toán căn cơ là cần có tài chính để TP có thể đóng góp vì cả nước, cùng cả nước tốt hơn nữa. Thời gian qua, TP vượt qua được các sức ép cũng nhờ có Nghị quyết 54 nhưng cơ chế của nghị quyết này chưa đủ, phải có sự hỗ trợ thiết thực hơn nữa. TP.HCM cần mạnh dạn đề xuất trung ương tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách để có thể chủ động bứt phá.
Một điều quan trọng nữa, TP.HCM nằm trong vùng tăng trưởng mạnh của cả nước nên khi đầu tư phát triển cho TP thì TP sẽ đầu tư phát triển những điểm thắt trong kết nối vùng như kết nối với Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh; kết nối với sân bay Long Thành trong tương lai và đặc biệt kết nối với vùng đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, tạo sự lan tỏa về sự phát triển của vùng. Thực tế đã chứng minh, thời gian qua TP.HCM đã hỗ trợ được các vùng phát triển và có tỉ lệ đóng góp cho ngân sách tăng lên như Bình Dương, Đồng Nai... Cho nên đầu tư cho TP.HCM là đầu tư cho các vùng năng động.
Đủ điều kiện để tăng tỉ lệ điều tiết
. Theo ông, bây giờ có phải là thời điểm thích hợp nhất để xem xét lại tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM?
+ Về mặt lý lẽ, lập luận là không phải bàn cãi nhưng vấn đề còn lại là điều kiện cho phép để triển khai, điều kiện cần và đủ để tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP.HCM mà không làm phá vỡ bức tranh tổng thể.
Theo quan sát của tôi, trong số 63 tỉnh, thành thì điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý khác nhau... những tỉnh, thành ở vùng sâu vùng xa, miền núi chắc chắn các khoản thu không đủ chi nhưng cần ngân sách để đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng. Còn những địa phương có điều kiện thì phải có những cơ chế ràng buộc để địa phương đó phấn đấu vươn lên tự chủ về tài chính, ngân sách.
So với các siêu đô thị hơn 10 triệu dân trên thế giới, bình quân mức điều tiết là 40%-50%, thấp nhất như Paris cũng lên đến 33%. Từ đó cho thấy tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP.HCM chỉ có 18% là quá thấp.
Từ năm 2007 tới nay, số lượng các tỉnh, thành tự chủ về tài chính đã tăng lên và như vậy áp lực gánh trên vai ngân sách của TP.HCM đã được chia sẻ.
Qua nghiên cứu của tôi, những tỉnh có tiềm năng như Long An, Bình Thuận, Ninh Thuận, Ninh Bình là những địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi, trong đó có khả năng thu hút khách du lịch... chắc chắn trong tương lai sẽ tự chủ về tài chính và các tỉnh này cũng muốn tự chủ. Điều cần thiết là phải xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích những địa phương tự chủ. Ví dụ nếu anh tự chủ thì anh được quyết định những vấn đề trong phân cấp, phân quyền như chủ trương quyết định đầu tư nhóm A. Đó là cách để động viên các địa phương đó vươn lên.
Còn những địa phương chưa tự chủ được thì phải có điều kiện ràng buộc như trong chi đầu tư phát triển thì dù một đồng cũng phải được Quốc hội xem xét. Có vậy mới hạn chế được việc chi đầu tư những công trình chưa cấp thiết gây lãng phí, thất thoát ngân sách như đã diễn ra trong thời gian qua.
Như vậy, đặt trong bối cảnh đó, thời điểm này cho phép TP.HCM được tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách, bởi vì trung ương đã có khả năng điều tiết vì nợ công đã giảm từ 63,7% xuống còn 56,1% và nhiều tỉnh, thành đã tự chủ tài chính. TP.HCM vẫn còn tiềm năng nhưng nếu không tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách để TP chủ động trong đầu tư, tháo gỡ điểm nghẽn thì sẽ làm giảm dần tiềm năng đó. Cho nên muốn chuyển tiềm năng bằng hiện thực thì phải giải quyết bài toán về đầu tư.
. Khả năng thành công khi TP.HCM trình ra trung ương đề án tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách khoảng bao nhiêu, thưa ông?
+ Khả năng thành công là rất lớn, bởi vì các đại biểu Quốc hội khi bấm nút thông qua Nghị quyết 54 có tỉ lệ đồng thuận rất cao. Điều đó cho thấy sự đồng thuận của cả nước đối với TP.HCM cũng rất cao, vì nơi đây là nơi con em của 63 tỉnh, thành đến học tập và làm việc.
Cần nhớ rằng hiệu quả của việc điều tiết này không phải tăng cho TP.HCM nhiều thì trung ương mất đi mà tăng tỉ lệ điều tiết thì TP sẽ đầu tư phát triển tăng tốc và làm ra nhiều hơn. Điều này sẽ làm cho chiếc bánh lớn lên, từ đó trung ương có tiền để phân bổ cho các địa phương khác.
Nhưng cần phải có nguyên tắc: Ngân sách để lại cho TP.HCM không phải là khoản chi tiêu dùng bởi chi tiêu dùng sẽ mất đi, mà đây là khoản đầu tư phát triển để tăng nguồn thu cho cả nước.
. Xin cám ơn ông.
Hai nghị quyết đề cập đến tăng tỉ lệ điều tiết
. Thưa ông, Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị năm 2012 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020 có nêu vấn đề tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP.HCM nhưng năm 2016, tỉ lệ này lại bị cắt giảm từ 23% xuống 18%. Việc cắt giảm này được xem xét trong bối cảnh khi đó như thế nào?
+ PGS-TS Trần Hoàng Ngân: Đúng là Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020 có nội dung xem xét để tăng tỉ lệ điều tiết để lại cho TP đối với các nguồn thu có sự phân chia giữa trung ương và TP. Tuy nhiên, đến năm 2016, Chính phủ trình và Quốc hội đã thông qua việc cắt giảm tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP từ 23% xuống còn 18%. Chính vì giảm tỉ lệ điều tiết này mà từ năm 2017 đến 2020, mỗi năm TP hụt thu hơn 10.000 tỉ đồng.
Vì sao có sự giảm tỉ lệ điều tiết này? Theo tôi, bởi thời điểm đó tình hình chung không được thuận, nợ công của Việt Nam đang ở mức rất cao (63,7% GDP), sát mức trần; áp lực phải trả nợ hằng năm rất cấp bách. Trước khó khăn đó trung ương vận động các địa phương có nguồn thu phải chuyển về ngân sách trung ương nhiều hơn để đảm bảo được những cân đối lớn của ngân sách quốc gia. Đặt trong bối cảnh ấy, Quốc hội đã bấm nút thông qua việc giảm 5% tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP.HCM.
Năm 2017, Quốc hội thấy mới thông qua Nghị quyết 54 dành cho TP.HCM một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển, vì thấy rằng đây là đô thị đặc biệt, nếu không có cơ chế đặc thù thì TP sẽ khó và sự đóng góp vì cả nước sẽ giảm đi. Trong nghị quyết này, Quốc hội cũng yêu cầu phải xác định lại “tỉ lệ điều tiết các khoản thu phân chia ngân sách hợp lý, tạo điều kiện cho TP.HCM có nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững theo định hướng của Đảng, Nhà nước” (Điều 8).
Số địa phương tự chủ tài chính theo các thời kỳ ngày càng tăng lên, điều này đã giảm bớt gánh nặng ngân sách cho TP.HCM.
Cần xem xét sửa quy định liên quan trong Luật Ngân sách
. Phóng viên: Trên cơ sở TP.HCM đề xuất tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách thì Quốc hội có nên xem xét sửa Luật Ngân sách, thưa ông?
+ PGS-TS Trần Hoàng Ngân: Đúng là cần phải có sự hoàn thiện lại Luật Ngân sách nhà nước. Một thành phố như TP.HCM thu ngân sách nhiều như vậy nhưng hiện vẫn luôn bội chi ngân sách địa phương. Theo số liệu thống kê, từ năm 2017 đến nay trong dự toán ngân sách TP.HCM luôn luôn phải bội chi ngân sách địa phương. Như vậy có gì đó bất hợp lý trong bài toán ngân sách, tại sao thu nhiều hơn chi mà phải bội chi.
Chẳng hạn như năm 2019 dự toán thu là 399.125 tỉ đồng (tổng thu ước đạt là 412.000 tỉ đồng), chi là 77.800 tỉ đồng nhưng vẫn phải bội chi hơn 3.500 tỉ đồng. Dự kiến trong năm 2020, con số phải bội chi có thể hơn 10.000 tỉ đồng.
Theo Luật Ngân sách, hiện có ba khoản thu trong các khoản thu ngân sách địa phương.
Một khoản ngân sách trung ương hưởng 100%, một khoản ngân sách địa phương được hưởng 100% và một khoản thu phân chia theo tỉ lệ.
Đối với khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% thì cần phải xem xét lại theo
hướng có những khoản thu cần chia lại cho địa phương. Đơn cử như theo Luật Ngân sách thì khoản thu thuế xuất khẩu và nhập khẩu, ngân sách trung ương hưởng 100%. Trên địa bàn TP.HCM thu cả trăm ngàn tỉ đồng ở khoản đó nhưng trung ương hưởng hết thì làm sao động viên được địa phương. Bởi địa phương phải tổ chức bộ máy, tu bổ, xây dựng các logistic, cảng biển, chi phí đường sá... để phục vụ cho xuất nhập khẩu. Do đó cần có tỉ lệ điều tiết để lại khoảng 10%-20% để khuyến khích các địa phương tự chủ.