Lý do CEO Apple và 3 công ty hàng đầu Mỹ đến Trung Quốc gặp các quan chức cấp cao
Tim Cook nằm trong một nhóm các giám đốc điều hành công ty hàng đầu Mỹ tham dự hội nghị cấp cao do chính phủ Trung Quốc tổ chức cuối tuần này, nhằm thể hiện cam kết với thị trường quan trọng trong bối cảnh rủi ro tách rời hai nước và điều chỉnh chuỗi cung ứng.
Tim Cook (Giám đốc điều hành Apple, công ty giá trị nhất thế giới) sẽ cùng Jon Moeller (Giám đốc điều hành gã khổng lồ hàng tiêu dùng Procter & Gamble), Stephen Schwarzman (Giám đốc điều hành công ty đầu tư Blackstone) và Ray Dalio (người sáng lập quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới Bridgewater Associates) tham dự Diễn đàn Phát triển Trung Quốc (CDF), theo trang web của sự kiện.
Cuộc họp kéo dài 2 ngày này sẽ là cuộc họp ngoại tuyến đầu tiên của CDF sau 3 năm kể từ khi đại dịch bùng phát, được coi là câu trả lời của Trung Quốc cho hội nghị thượng đỉnh thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại thị trấn Davos (Thụy Sĩ) diễn ra hồi tháng 1.
Các giám đốc điều hành đa quốc gia tham dự sự kiện, được tổ chức tại nhà khách Điếu Ngư Đài ở thủ đô Bắc Kinh, sẽ gặp gỡ các bộ trưởng và quan chức hàng đầu Trung Quốc.
Theo trang SCMP, trong những năm qua, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài thường có cơ hội gặp gỡ Thủ tướng Trung Quốc. Sự kiện năm nay có thể chứng kiến Lý Cường, tân Thủ tướng Trung Quốc, lần đầu tiên gặp gỡ lãnh đạo cấp cao các công ty nước ngoài kể từ khi ông đảm nhận công việc vào tháng 3.
Hội nghị thượng đỉnh kín sẽ diễn ra khi các doanh nghiệp quốc tế đang đánh giá lại sự hiện diện và triển vọng của họ tại Trung Quốc sau ba năm phong tỏa hà khắc vì đại dịch và trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng. Ví dụ, Apple và các nhà sản xuất theo hợp đồng của họ đã chuyển một số dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc đến Việt Nam và Ấn Độ.
Trong khi Tim Cook có thể đang cố gắng giảm sự phụ thuộc của Apple vào Trung Quốc và đã đạt được nhiều tiến bộ thì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn là một thị trường quan trọng với công ty, theo Brock Silvers, Giám đốc đầu tư của công ty cổ phần tư nhân Kaiyuan Capital.
Brock Silvers nhận xét: “Dù đang cố gắng rời khỏi Trung Quốc, Apple vẫn duy trì mối quan hệ kinh doanh quan trọng ở đó. Thế nên việc Tim Cook tham gia CDF là hoàn toàn hợp lý. Đây cũng có thể là động thái tiếp thị mạnh mẽ, vì Tim Cook thường được coi là một ngôi sao ở Trung Quốc”.
Chiều 24.3, người ta thấy Tim Cook được bao quanh bởi đám đông khi đến thăm Apple Store ở khu vực Sanlitun thuộc Bắc Kinh, cửa hàng lớn nhất của gã khổng lồ công nghệ Mỹ ở châu Á, theo một số phương tiện truyền thông địa phương.
Bất chấp căng thẳng chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc, các sản phẩm Apple vẫn được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Apple là nhà cung cấp smarphone hàng đầu tại quốc gia này trong quý 4/2022, với cứ 4 smartphone được bán vào tháng 10 năm ngoái thì có 1 chiếc là iPhone, theo công ty tư vấn Counterpoint.
Tim Cook lần đầu tiên tham dự CDF vào năm 2017, chỉ vài tháng trước khi Apple lật đổ Samsung Electronics để trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới thời điểm đó nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ ở Trung Quốc và các khu vực khác.
Từ năm 2018 đến 2021, Tim Cook đã tham dự CDF, ngoại trừ 2020, lúc đỉnh điểm của đại dịch toàn cầu, theo trang web CDF.
Theo William Yuen Yee, trợ lý nghiên cứu tại Columbia-Harvard China and the World Programme, Tim Cook và các đồng nghiệp của ông tham dự CDF năm nay có hai mong muốn trái ngược nhau.
Columbia-Harvard China and the World Programme (CWP) là chương trình học thuộc Đại học Columbia và Đại học Harvard, tập trung nghiên cứu về Trung Quốc và các vấn đề liên quan đến quan hệ quốc tế của nước này.
Chương trình được thành lập vào năm 2010 nhằm tăng cường sự hiểu biết và khả năng phân tích về Trung Quốc cho các nhà nghiên cứu, học sinh, giáo viên và các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu quan hệ quốc tế. Các hoạt động của CWP bao gồm tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị và các sự kiện về Trung Quốc và châu Á, cung cấp các khóa học và chương trình giáo dục, đào tạo cho các chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy về chủ đề này.
Ngoài ra, CWP cũng thường xuyên xuất bản các bài báo, tài liệu nghiên cứu và sách về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc và châu Á.
William Yuen Yee nói: “Một mặt, các công ty Mỹ như Apple muốn giảm sự hiện diện của họ ở Trung Quốc để tránh bị cuốn vào cuộc chiến căng thẳng giữa hai nước đang leo thang. Mặt khác, thị trường tiêu dùng Trung Quốc vẫn rất quan trọng, quan hệ thương mại vẫn mạnh mẽ và các nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa tách rời nhau”.
Theo Duncan Clark, người sáng lập và Chủ tịch của công ty tư vấn đầu tư BDA China, dù sự hiện diện tại sự kiện do Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc tổ chức sẽ giúp giám đốc điều hành các công ty hàng đầu Mỹ lấy lòng các nhà lãnh đạo quốc gia châu Á, nhưng họ sẽ phải chống lại áp lực chính trị ở Mỹ.
“Tim Cook tiếp tục ở một vị trí khó khăn, đứng giữa nhu cầu thể hiện cam kết với Trung Quốc và phải phản ứng trước sự thù địch ngày càng tăng của lưỡng đảng tại Mỹ với Trung Quốc”, Duncan Clark nói.
Ông nói thêm: “Với các công ty Mỹ, việc tham dự CDF lúc này đặc biệt khó khăn. Lúc này, tốt nhất là các CEO Mỹ có sự hiện diện lớn ở Trung Quốc nên 'ẩn mình và chờ đợi', che giấu sự xuất hiện ở Trung Quốc càng nhiều càng tốt để khỏi bị soi mói trong nước, chờ đợi thời cơ để hy vọng một ngày nào đó quan hệ Mỹ-Trung Quốc được cải thiện”.
iPhone chiếm tới 75% thị phần smartphone cao cấp trong năm 2022
Công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research mới đây công bố số liệu mới nhất về doanh số smartphone cao cấp trong năm 2022. Theo đó, iPhone áp đảo khi chiếm tới 75% thị phần smartphone cao cấp trong năm 2022.
Chi tiết hơn, doanh số smartphone cao cấp (giá từ 600 USD trở lên) trong năm 2022 đã tăng nhẹ 1% so với 2021. Thị phần các mẫu máy cao cấp chiếm đến 55% tổng doanh thu smartphone trên toàn cầu. Đây là con số đáng kể nếu so sánh với phân khúc smartphone tầm trung hay giá rẻ.
Apple tiếp tục thống trị phân khúc smartphone cao cấp với thị phần lên đến 75% trong năm 2022, đồng nghĩa mỗi 4 chiếc smartphone cao cấp được bán ra thì có tới 3 chiếc iPhone. Con số này tăng 4% so với năm 2021 khi Apple chiếm tổng cộng 71% thị phần.
Samsung xếp ở vị trí thứ hai năm 2022 với tổng 16% thị phần smartphone cao cấp, giảm nhẹ so với 17% của 2021. Huawei ghi nhận một năm kinh doanh tệ hại khi thị phần smartphone cao cấp giảm tới 44% và chỉ chiếm 3% thị phần. Những cái tên xếp sau lần lượt gồm Xiaomi, Honor và Google với cùng 1% thị phần.
Trước đó, Counterpoint Research đã công bố bảng xếp hạng 10 smartphone bán chạy nhất thế giới năm 2022. Đáng chú ý có tới 8 trên 10 mẫu iPhone nằm trong danh sách này, còn Samsung cũng có hai đại diện là Galaxy A13 (vị trí thứ 4) và Galaxy A03 (vị trí thứ 10).
iPhone 13 đứng đầu danh sách với tổng số 5,9% thị phần. Mẫu máy này dẫn đầu doanh thu toàn cầu trong suốt 8 tháng đầu năm 2022, trước khi hạ bậc với sự xuất hiện của dòng iPhone 14.
Đáng chú ý, con số này cao hơn gần gấp đôi so với smartphone xếp ở thứ hai là iPhone 13 Pro Max (chỉ 2,6% thị phần). Doanh thu của iPhone 12 vẫn đứng thứ 6 với 1,5% thị phần ,dù mẫu máy này đã ra mắt được hơn 2 năm.