Lý do chính quyền ông Biden chấp nhận đánh đổi để tăng viện trợ cho Ukraine

Cùng với một số đồng minh châu Âu, chính quyền Tổng thống Biden đang tham gia vào cuộc chạy đua nước rút nhằm tăng cường nguồn viện trợ cho Ukraine trước thời thời điểm Nhà Trắng đổi chủ và ông Trump có khả năng sẽ cắt đứt dòng chảy viện trợ từ Washington tới Kiev. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, đây cũng là 'một sự đánh đổi thực sự' đối với sức mạnh quốc phòng của Mỹ.

Những nỗ lực cuối cùng của chính quyền Tổng thống Biden

Hiện tại, trong nội bộ chính quyền Tổng thống Joe Biden, có một số ý kiến rằng bất kể Washington làm gì, quân đội Kiev vẫn sẽ bị đánh bại nếu không được bổ sung nhân lực hơn để duy trì chiến sự với Nga. Thậm chí ngay cả khi Mỹ đẩy nhanh việc chuyển giao vũ khí, sự thất vọng vẫn ngày càng gia tăng đối với các nhà lãnh đạo Ukraine - những người đã phản đối lời kêu gọi của Mỹ để hạ độ tuổi nghĩa vụ quân sự của nước này từ 25 xuống 18.

Tin tức về những thắng lợi mới của Nga trên chiến trường trong những tuần gần đây khiến Nhà Trắng không thể ngồi yên. Các quan chức chính quyền đương nhiệm cho biết những động thái ủng hộ Ukraine vào buổi "hoàng hôn nhiệm kỳ" của Tổng thống Biden, cùng với “quyết định bật đèn xanh” cho Ukraine tấn công sâu vào Nga bằng vũ khí tầm xa của Mỹ và cung cấp cho nước này mìn chống bộ binh có thể giúp Kiev câu kéo thêm giời gian. Nhà Trắng cũng đang thúc giục Ukraine tận dụng thời điểm này để mở rộng quân đội vượt lên trên con số 160.000 tân binh hiện nay.

Phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby. Ảnh: RBC-Ukraine

Phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby. Ảnh: RBC-Ukraine

“Chúng tôi chắc chắn sẽ tiếp tục gửi vũ khí và thiết bị cho Ukraine. Chúng tôi biết điều đó rất quan trọng. Nhưng nhân lực cũng vậy vào thời điểm này. Trên thực tế, chúng tôi tin rằng tăng cường nhân lực là điều mà Ukraine cần nhất lúc này. Vì vậy, chúng tôi cũng sẵn sàng mở rộng các cơ sở đào tạo của mình nếu Kiev tìm ra cách bổ sung quân số”, phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby cho biết tuần trước.

Các nhà lãnh đạo Ukraine cho biết nỗ lực tuyển quân không mang lại nhiều hiệu quả do dòng chảy viện trợ dần chậm lại vào đầu năm nay và nhiều công dân Ukraine không muốn tình nguyện gia nhập quân ngũ khi họ không chắc chắn rằng quân đội Ukraine trang bị đủ vũ khí cho họ.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đầu tuần này tuyên bố Mỹ sẽ gửi thêm 725 triệu USD viện trợ quân sự cho Kiev, bao gồm vũ khí chống máy bay không người lái, đạn dược cho hệ thống tên lửa HIMARS và mìn chống bộ binh. Nhà ngoại giao Mỹ cũng dự định gặp mặt các đồng minh NATO và Ukraine tại Brussels trong tuần này nhằm thúc đẩy các kế hoạch viện trợ.

“Tổng thống Joe Biden đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng chuyển giao vật tư cho Ukraine một cách nhanh chóng, đảm bảo rằng Ukraine có đủ thiết bị cần thiết để tự vệ. Tổng thống Biden đang tìm cách đưa Ukraine vào vị thế mạnh nhất có thể”, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan nói.

Ông Sullivan cũng lưu ý rằng vào tháng 9, ông Biden công khai ý định phân bổ toàn bộ nguồn viện trợ còn lại cho Kiev trước khi rời nhiệm sở, trong bối cảnh cuộc xung đột hiện tại vẫn chưa tiến tới hồi kết.

Một sự đánh đổi thực sự

Tuy nhiên, các viên chức này cũng cảnh báo rằng việc sử dụng phần còn lại của dự luật viện trợ bổ sung trị giá 61 tỷ USD vào cuộc chiến tiêu hao ở Ukraine sẽ đặt Mỹ vào tình thế nguy hiểm trong bối cảnh một lượng lớn máy bay đánh chặn và đạn pháo sẽ được chuyển tới Ukraine. Điều này có thể làm giảm “sự sẵn sàng” của Mỹ đối với các điểm nóng tiềm tàng khác ở Trung Đông và châu Á, một viên chức giấu tên nhận định.

Một quan chức cấp cao khác của Nhà Trắng cũng cho biết, đây là “sự đánh đổi thực sự”. Tuy nhiên, theo quan chức này, Nhà Trắng đã tính toán rằng bất chấp những thách thức đối với kho dự trữ của Mỹ, tốt hơn là nên gửi càng nhiều viện trợ càng tốt cho Ukraine vì "tất cả những hậu quả phát sinh từ cuộc chiến ở Ukraine đối với trật tự quốc tế và vị thế của Mỹ" có thể sẽ lớn hơn nhiều nếu Kiev thất bại trên chiến trường.

Những bước tiến quân sự của Nga đã khiến chính quyền Biden lo ngại, mặc dù các quan chức cấp cao của chính quyền đương nhiệm cho biết họ không mong đợi sự sụp đổ lớn trong các tuyến phòng thủ của Ukraine trong những tháng tới ngay cả khi Moscow tiếp tục tiến quân.

Lầu Năm Góc đang theo dõi chặt chẽ tình hình chiến sự Kursk để tìm ra dấu hiệu cho thấy cuộc chiến bị ảnh hưởng như thế nào bởi quyết định gần đây của chính quyền ông Biden, liên quan đến việc đảo ngược chính sách trước đây của Mỹ đối với tên lửa tầm xa được viện trợ cho Ukraine. Các lực lượng Ukraine cũng đã tiến hành các cuộc tấn công vào sâu lãnh thổ Nga bằng cả Hệ thống tên lửa chiến thuật của quân đội (ATACMS) và tên lửa Storm Shadow của Anh.

Tiền tuyến ở Donetsk là “một tình huống khó khăn, thậm chí có thể là một trong những tình huống khó khăn nhất trong giai đoạn hiện nay của cuộc chiến”, một quan chức Ukraine cho biết. Tuy nhiên, việc quân đội Kiev vẫn bám trụ sau nhiều tháng giao tranh, bất chấp việc nhiều nhà phân tích dự đoán Ukraine sẽ mất quyền kiểm soát Pokrovsk vào hai tháng trước, khiến giới chức nước này vẫn chưa từ bỏ hi vọng.

"Nga sử dụng xe tăng để di chuyển mìn", viên chức Ukraine cho biết. "Họ thậm chí còn sử dụng chúng để vận chuyển lương thực, hậu cần và đạn dược cho binh lính".

Tại Kursk, Nga huy động khoảng 60.000 quân, mở đợt phản công lớn nhằm đẩy lùi quân đội Ukraine về bên kia biên giới và thiết lập một vùng đệm mới cách lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine hơn 30km, vị quan chức này cho biết. Tuy nhiên, quan chức này cũng lo ngại rằng, nếu Ukraine thất bại ở Kursk, áp lực “dội lại các mặt trận chính ở Ukraine sẽ còn lớn hơn nhiều so với trước đó”.

Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo The Washington Post

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ly-do-chinh-quyen-ong-biden-chap-nhan-danh-doi-de-tang-vien-tro-cho-ukraine-post1139629.vov