Lý do cổ phiếu ngân hàng chìm trong sắc đỏ dù được nới room

Bất chấp thông tin Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng, nhiều mã cổ phiếu thuộc nhóm ngành ngân hàng vẫn chìm trong sắc đỏ.

Ghi nhận biến động thị trường chứng khoán trong tuần qua, các chuyên gia kinh tế tại Công ty chứng khoán Mirae Asset nhận thấy: Thị trường chứng khoán trở lại sau kỳ nghỉ lễ với diễn biến khá tiêu cực khi chỉ số VN-Index đã có 2 phiên kiểm định ngưỡng 1.280.

Đến phiên ngày 7-9, thị trường xuất hiện những thông tin vĩ mô ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư như NHNN nâng tỉ giá mua vào USD thêm 300 đồng, lên mức 23.700 VND/USD và lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh, lập đỉnh mới trong năm.

Phản ứng trước những thông tin này, nhà đầu tư đã đồng loạt bán mạnh cổ phiếu, kéo VN-Index giảm hơn 34 điểm, xuyên thủng mốc 1.250 điểm.

VN-Index sau đó tiếp tục giảm về 1.234 điểm trong phiên 8-9 và bất ngờ đảo chiều trong phiên cuối tuần để chốt tuần tại 1.248,78 điểm. Tuy nhiên, tính cả tuần chỉ số VN-Index đã giảm 31,73 điểm tương ứng với mức giảm 2,48%.

Sau thông tin về số liệu room tín dụng được phân bổ của các ngân hàng, khá bất ngờ khi cổ phiếu nhóm ngành này đồng loạt giảm mạnh và trở thành "tội đồ" của VNIndex trong tuần qua.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mức giảm điểm của 3 mã dẫn đầu trong ngành ngân hàng gồm Vietcombank (mã chứng khoán là VCB), BIDV (mã chứng khoán BID) và Vietinbank (mã chứng khoán CTG) với tổng điểm ảnh hưởng đến VN-Index là 11,8 điểm.

Ngoài ra, một số mã ngân hàng như VPbank (mã chứng khoán VPB), MBBank (mã chứng khoán MBB) và Techcombank (mã chứng khoán TCB) cũng có mặt trong top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.

Tính chung cả tuần, SHB giảm 8,67%; BID giảm 7,96%; mã VCB giảm 6,28%; CTG giảm 5,2%; VPB giảm 4,63%; VIB giảm 5,7%; MBB giảm 4,3%; TCB giảm 3,3%; ACB giảm 2,27%; HDB giảm 2,9%; NAB giảm 2,7%...

Lý giải về việc hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm nhưng vẫn không đủ lực để đẩy các mã chứng khoán của nhóm ngành ngân hàng tăng điểm, Tổng giám đốc một ngân hàng chia sẻ: “Mặc dù room đã được nới cho một số ngân hàng nhưng chủ yếu vẫn sẽ ưu tiên tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên để phục hồi hậu COVID-19.

Còn với các hợp đồng cho vay bất động sản nhằm mục đích đầu tư, đầu cơ sẽ tiếp tục hạn chế hoặc nếu có chỉ là thực hiện những hợp đồng đã cam kết cấp tín dụng từ trước.

Ngoài ra, có một số ngân hàng hiện rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản, khan vốn nên phải tích cực thu hồi nợ đã đến hạn mới có dòng vốn để cho vay mới hoặc chỉ cho vay ngắn hạn."

Ông Nguyễn Hoàng Minh, nguyên Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP.HCM cho biết: "Trong gần 8 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng khoảng 9,3%, tức là dư địa còn lại là 4,7% trên tổng dư nợ, tương đương 450.000 tỉ đồng để đầu tư cho các hoạt động sản xuất kinh doanh từ nay tới cuối năm. Tại TP.HCM, room tín dụng còn trên dưới 150.000 tỉ đồng.”

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/ly-do-co-phieu-ngan-hang-chim-trong-sac-do-du-duoc-noi-room-post697989.html