Lý do còi báo động lặng ngắt khi cháy rừng ở Maui: Người phụ trách quyết định không bấm
Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra về hệ thống còi báo động khẩn cấp ở Maui (Hawaii, Mỹ) vì không một tiếng còi nào vang lên khi lửa cháy rừng bắt đầu bùng phát và lan nhanh. Hóa ra chính người phụ trách đã quyết định không bấm hệ thống còi. Tại sao ông ấy lại quyết định như vậy?
Ít nhất 111 người đã thiệt mạng trong thảm họa cháy rừng ở Maui, còn thiệt hại tài sản thì chưa thể tính hết.
Ngày càng nhiều người đặt câu hỏi rằng tại sao không có một tiếng còi báo động nào vang lên khi lửa cháy rừng đang đến gần. Theo trang Maui Sirens (Còi báo động Maui), hệ thống còi báo động ở Hawaii gồm hơn 400 còi trên toàn bang, được coi là hệ thống còi báo động khẩn cấp lớn nhất thế giới, để cảnh báo người dân về thảm họa. Riêng ở hạt Maui có 80 còi, trong đó có nhiều còi ở xung quanh Lahaina - khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Vậy tại sao những chiếc còi này lại im lặng khi lửa cháy rừng lan nhanh vào ngày 8/8?
Ông Herman Andaya, quản lý Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Maui, đã không ra quyết định kích hoạt hệ thống còi báo động và cho tới giờ, ông vẫn bảo vệ quyết định đó của mình, theo ABC News.
Ông Andaya nói, theo quy ước thì các còi báo động ở khu vực gần bờ biển được dùng để cảnh báo sóng thần chứ không phải cảnh báo cháy rừng. Hơn nữa, ông cho rằng khi gió thổi rất mạnh ở ngoài trời và người dân ở trong nhà bật điều hòa, họ cũng sẽ không nghe rõ tiếng còi báo động. Ngoài ra, ở gần núi, nơi lửa cũng lan tới, vốn không có còi báo động.
Khi được hỏi trong họp báo rằng ông có hối hận về việc không kích hoạt hệ thống còi cảnh báo không, ông Andaya trả lời dứt khoát: “Không”. Rồi ông giải thích: “Người dân được huấn luyện là chạy đến vùng đất cao hơn khi còi báo động kêu. Nếu chúng tôi bấm còi báo động vào buổi đêm hôm đó (8/8), chúng tôi sợ rằng người dân (ở gần bờ biển) sẽ chạy ngược vào sâu trong đất liền, hoặc về phía gần núi (do tưởng sắp có sóng thần). Nếu vậy, họ sẽ lao vào lửa”.
Tuy nhiên, nhiều người sống sót vẫn đang tỏ ra không hài lòng về việc không nhận được cảnh báo nào, dẫn tới việc “sơ tán điên cuồng khi đã muộn”, theo trang The Independent.
Trước nhiều câu hỏi của công chúng và các cơ quan khác, ông Andaya đã từ chức vào sáng nay (18/8, theo giờ Việt Nam), việc từ chức có hiệu lực lập tức, theo phát ngôn viên của Hạt Maui, được đăng trên trang NBC News.
Thục Hân
Theo nhiều nguồn tin