Lý do công an không bổ sung 45 bị hại tham gia phiên xử trùm đa cấp Nguyễn Thế Kiên
Cơ quan điều tra giữ nguyên quan điểm vụ án chỉ có 161 bị hại như từ trước đến nay.
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ “trùm đa cấp” Nguyễn Thế Kiên (sinh năm 1983 tại Bắc Giang, nghề nghiệp làm ruộng) chiếm đoạt 102 tỉ đồng.
Cuối tháng 3-2022, tại phiên xử của TAND TP.HCM bất ngờ xuất hiện thêm hơn 40 hồ sơ bị hại của các bị cáo. Vì vậy, tòa hoãn xử, trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Cụ thể, bị hại Đinh Xuân Vĩnh cung cấp 54 hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh, kèm theo các phiếu thu tiền giữa Công ty TNHH Đầu tư khoáng sản Hoàng Long với 54 cá nhân. Những người này chưa được cơ quan điều tra (CQĐT) lấy lời khai, đưa vào tham gia tố tụng. Việc xác định thiệt hại của họ liên quan đến xác định trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo lẫn quyền lợi của họ.
Sau đó, công an đã mời ông Vĩnh đến làm việc. Ngày 21-4, CQĐT có văn bản đề nghị Văn phòng, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an và Báo Công an nhân dân phối hợp đăng tải thông tin truy tìm bị hại của vụ án. Nhưng sau đó, ông Vĩnh có đơn xin rút lại toàn bộ nội dung yêu cầu cung cấp tài liệu trước đó.
Làm việc lại, CQĐT xác định ông Vĩnh chỉ cung cấp cho HĐXX bộ tài liệu gồm 58 hợp đồng hợp tác kinh doanh của 45 cá nhân (không phải 54 cá nhân như tòa nêu). Ông Vĩnh có được những hợp đồng này là do những nhà đầu tư gửi cho vào khoảng tháng 11-2016, thời điểm Công ty Hoàng Long đóng cửa, dừng hoạt động để gặp Ban lãnh đạo công ty tất toán, thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, các cá nhân trên không cho ông Vĩnh biết có bị thiệt hại hay không và cũng không ủy quyền cho ông Vĩnh tố cáo. Hiện ông Vĩnh không biết các cá nhân có trong hợp đồng đang làm gì, ở đâu.
CQĐT tiến hành xác minh để ghi lời khai đối với 28 cá nhân có thông tin, địa chỉ nơi cư trú, số còn lại không có thông tin. Kết quả thể hiện: Có 16 cá nhân không xác định được thiệt hại và không yêu cầu, đề nghị xử lý đối với các bị can; 12 người còn lại không có mặt ở nơi cư trú, không rõ ở đâu nên CQĐT không làm việc được.
Như vậy tính đến nay, ngoài 161 người đã được CQĐT và VKS đưa vào tham gia tố tụng, không còn ai khác là bị hại. Từ đó, CQĐT giữ nguyên quan điểm tại các Bản kết luận điều tra trước, chuyển toàn bộ hồ sơ đến VKSND Tối cao đề nghị truy tố Kiên, Nguyễn Hữu Trí, Lê Đình Nhân, Hà Thanh Hòa, Nguyễn Thị An và Vũ Vi Minh Trí theo quy định tại khoản 4, Điều 290 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt từ 12-20 năm tù.
Theo hồ sơ: Kiên, Hữu Trí là người có nhiều năm kinh doanh trong lĩnh vực đa cấp, biết việc sử dụng mạng internet đưa thông tin gian dối không có thực để huy động các phương thức đa cấp là trái pháp luật. Tuy nhiên, để chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, các đối tượng đã tổ chức phối hợp thành lập, điều hành hoạt động Công ty TNHH đầu tư khoáng sản Hoàng Long.
Trong đó, Kiên sẽ điều hành chỉ đạo chung, thuyết trình tại các hội thảo kêu gọi đầu tư. Hòa dựng phần mềm IT, phát triển thị trường; Trí chuẩn bị mẫu hợp đồng ký với nhà đầu tư, thiết kế catalog giới thiệu công ty, tuyển dụng nhân sự, tìm người đứng tên đại diện theo pháp luật, giấy phép kinh doanh điều hành quản lý nhân sự; An phụ trách kế toán thu chi của công ty.
Tháng 6-2016, công ty được cấp giấy phép đăng ký doanh nghiệp có trụ sở đặt tại đường Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM. Trong giấy phép đã được cấp không đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp…
Đến tháng 11-2016, do không có khả năng chi trả tiền gốc, lãi và hoa hồng cho nhà đầu tư, văn phòng công ty này đóng cửa, trang web ngưng hoạt động, các nhà đầu tư không liên lạc được lãnh đạo, quản lý và nhân viên công ty…