Lý do cựu tổng thống Sri Lanka về nước sau hơn 50 ngày lưu vong
Việc cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa quay trở lại Sri Lanka sau hơn 50 ngày tháo chạy có thể là do không còn nước nào sẵn sàng cho ông nhập cảnh hoặc lưu trú.
Ông Rajapaksa đã quay trở lại thủ đô Colombo hôm 3/9, sân bay và giới chức an ninh xác nhận. Điều này có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng tại Sri Lanka - quốc gia đang chìm trong khủng hoảng.
Ông Rajapaksa, người từng cai trị Sri Lanka bằng nắm đấm thép, đã chạy đến Maldives vào ngày 13/7. Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi người biểu tình tức giận xông vào dinh thự, yêu cầu ông từ chức vì sai lầm xử lý khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất của quốc gia này trong nhiều thập kỷ.
Ông vẫn chưa giải thích lý do đã rời đến ba quốc gia châu Á vào những tuần gần đây, trong bối cảnh bất ổn kinh tế và chính trị ở quê nhà, hoặc lý do ông quyết định quay trở lại vào lúc này, theo CNN.
Một số nhà hoạt động đang yêu cầu nhà chức trách khởi tố hình sự ông Rajapaksa. Nhưng khi các đồng minh của ông vẫn nắm quyền, giới phân tích cho rằng việc này khó có thể xảy ra.
Hết đường tháo chạy
HIện vẫn chưa rõ việc ông trở lại quốc đảo 22 triệu dân có khuấy động thêm các cuộc biểu tình hay không.
Sau khi tạm trú ở Maldives, Singapore và Thái Lan, các nhà phân tích nhận định có thể không còn quốc gia nào sẵn sàng cho ông Rajapaksa nhập cảnh và ở lại.
Và theo một nguồn tin được Reuters trích dẫn vào ngày 23/8, chi phí duy trì lối sống của ông ở nước ngoài - bao gồm phi cơ riêng, an ninh và phòng tổng thống - đã lên tới hàng trăm nghìn USD.
"Sự sụp đổ của nhà lãnh đạo này ‘sẽ là một đòn giáng mạnh vào cái tôi của ông ấy’”, Ambika Satkunanathan, một luật sư và cựu ủy viên Ủy ban Nhân quyền của Sri Lanka, cho biết.
Theo vị luật sư, rất khó để ông Rajapaksa tìm được một nơi ở lâu dài. "Điều đó khó khăn hơn ông ấy tưởng tượng", bà Satkunanathan nói.
Điểm dừng đầu tiên của ông Rajapaksa là Male, thủ đô của Maldives, vốn chỉ cách Colombo 90 phút bay. Máy bay của ông ban đầu bị từ chối cho phép hạ cánh cho đến khi cựu Tổng thống Maldives Mohamed Nasheed can thiệp, theo một quan chức an ninh cấp cao.
Chưa đầy 48 giờ sau, ông Rajapaksa rời quần đảo để đến Singapore. Bộ Ngoại giao Singapore ngày 14/7 xác nhận ông Rajapaksa đã được phép nhập cảnh trong một "chuyến thăm cá nhân".
"Ông ấy không xin tị nạn và cũng không được cấp phép tị nạn", Bộ Ngoại giao Singapore cho biết vào thời điểm đó.
Theo nhiều hãng tin, ông Rajapaksa dự định đến Saudi Arabia sau đó, nhưng chuyến thăm này đã không thành hiện thực. Từ Singapore, ông Rajapaksa chính thức đệ đơn từ chức tổng thống Sri Lanka.
Vào ngày 23/7, các luật sư từ Dự án Sự thật và Công lý Quốc tế (ITJP) đã đệ đơn khiếu nại hình sự lên tổng chưởng lý Singapore, yêu cầu bắt giữ ông Rajapaksa ngay lập tức. Theo họ, ông đã vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế vì vai trò trong cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ.
Tới ngày 11/8, ông Rajapaksa rời Singapore đến Thái Lan trên một chiếc máy bay riêng.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết hộ chiếu ngoại giao cho phép ông nhập cảnh mà không cần thị thực trong tối đa 90 ngày. Vị này cho biết cựu tổng thống Sri Lanka chỉ tạm thời ở lại Thái Lan và ông không xin tị nạn chính trị.
Nguy cơ kích động tình hình
Sri Lanka đã có một bước tiến trong việc ổn định kinh tế hôm 1/9, khi đạt được thỏa thuận tạm thời với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho khoản vay trị giá 2,9 tỷ USD.
Chương trình kéo dài 4 năm này sẽ nhằm khôi phục sự ổn định ở một quốc gia vốn đang lâm vào tình trạng khan hiếm lương thực, nhiên liệu và thuốc men bằng cách thúc đẩy doanh thu của chính phủ và xây dựng lại dự trữ ngoại hối.
Tuy nhiên, với việc IMF vẫn chưa thông qua khoản vay, Sri Lanka phải đối mặt với chặng đường dài để phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó, giới phân tích không rõ liệu sự xuất hiện của ông Rajapaksa có kích động thêm các cuộc biểu tình nào nữa tại nước này hay không.
"Thật khó để nói liệu sẽ có thêm các cuộc biểu tình hay không. Nhưng tất nhiên, chi phí sinh hoạt vẫn ở mức cao và lạm phát đang leo thang”, luật sư Satkunanathan nói.
Bên cạnh đó, trong khi hàng triệu người dân nước này không đủ tiền mua thực phẩm hoặc nhiên liệu, lối sống thoải mái của ông Rajapaksa khi trở về có thể kích động tình hình.
Ngoài ra, Giám đốc điều hành ITJP Yasmin Sooka Sooka nhận định cũng "không có khả năng" cựu lãnh đạo này sẽ bị điều tra về các cáo buộc tội ác chiến tranh. Bà đồng thời nhận định tầng lớp chính trị tại nước này sẽ bảo vệ cựu tổng thống Sri Lanka.
Bà cũng hy vọng một nhóm xã hội dân sự sẽ kiến nghị tòa án mở vụ kiện chống lại ông, đồng thời tổng chưởng lý và cảnh sát sẽ ủng hộ hành động này.
"Việc đối xử với ông Gota sẽ cho thế giới và Sri Lanka thấy rằng không ai đứng trên luật pháp”, bà nhận định.