Lý do đằng sau việc Tổng thống Trump nỗ lực bảo vệ các mỏ dầu ở Syria

Dù Mỹ đã rút quân khỏi biên giới phía bắc Syria, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn tiếp tục cam kết sẽ bảo vệ các mỏ dầu trong khu vực, thậm chí còn khẳng định, Washington đang chịu trách nhiệm về số phận các mỏ dầu này. Theo các chuyên gia, các mỏ dầu là rất quan trọng đối với các bên liên quan ở Syria, từ các lực lượng người Kurd đến Damascus, và dĩ nhiên là cả Washington.

Dù Mỹ đã rút quân khỏi biên giới phía bắc Syria, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn tiếp tục cam kết sẽ bảo vệ các mỏ dầu trong khu vực, thậm chí còn khẳng định, Washington đang chịu trách nhiệm về số phận các mỏ dầu này. Theo các chuyên gia, các mỏ dầu là rất quan trọng đối với các bên liên quan ở Syria, từ các lực lượng người Kurd đến Damascus, và dĩ nhiên là cả Washington.

Mỏ dầu Rmeilane ở tỉnh Hasakeh, phía bắc Syria. Ảnh: AFP

Mỏ dầu Rmeilane ở tỉnh Hasakeh, phía bắc Syria. Ảnh: AFP

Nga cáo buộc Mỹ "ăn cắp" dầu thô của Syria

Trang mạng middleeastmonitor.com ngày 28-10 dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Lầu Năm Góc đang tuồn lậu dầu thô của Syria ra khỏi nước này và tiền bán dầu được chuyển vào các tài khoản của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Trước đó, ngày 26-10, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố những bức ảnh chụp từ trên không trong tháng 9 cho thấy các đoàn xe thùng đang chở dầu ra khỏi Syria dưới sự bảo vệ của "lính Mỹ và nhân viên của các Cty quân sự tư nhân". Phía Nga cho rằng nguồn thu từ buôn lậu dầu thô khỏi Syria thông qua các Cty môi giới "đi thẳng tới các tài khoản của lính Mỹ và các nhân viên quân sự tư nhân của Mỹ". Vì giá dầu buôn lậu từ Syria là 38 USD/thùng, nên nguồn thu hàng tháng từ việc chuyển khoản tư nhân cho kinh doanh dịch vụ công của Mỹ vượt 30 triệu USD/tháng.

“Chúng tôi bảo đảm an toàn cho dầu mỏ và do đó, một số lượng nhỏ quân đội Mỹ sẽ ở lại khu vực có dầu”, ông Trump nói trong cuộc họp báo ngày 23-10. “Chúng tôi sẽ bảo vệ chúng, và chúng tôi sẽ quyết định những gì sẽ làm với chúng trong tương lai”, ông Trump nhấn mạnh.

Để khẳng định chắc chắn điều này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết, một số lượng không xác định binh sĩ và trang thiết bị của Mỹ đang được gửi đến để bảo vệ các mỏ dầu ở miền đông Syria do lực lượng người Kurd nắm giữ. Ngày 28-10, ông Esper tiếp tục tuyên bố nước này sẽ ngăn cản các lực lượng của Nga và Syria tiếp cận những mỏ dầu mà Washington đang bảo vệ ở đông bắc Syria.

Tại sao các mỏ dầu Syria quan trọng?

Trước khi cuộc nội chiến ở Syria bắt đầu vào năm 2011, Syria sản xuất khoảng 385.000 thùng dầu mỗi ngày. Phần lớn số dầu này đến từ các giếng dầu ở vùng đông bắc. Khi Syria rơi vào cảnh đổ máu, IS đã lợi dụng sự hỗn loạn và bắt đầu chiếm lãnh thổ. Cuối cùng, nhóm cực đoan này đã tiếp quản các mỏ dầu, số tiền thu được từ đó giúp tài trợ cho các hoạt động của nhóm.

Tấn công vào các mỏ dầu đã giúp Mỹ và các đồng minh tước quyền kiểm soát của IS. “Mục tiêu chính chiến lược đánh bại IS thực ra là cố gắng phá vỡ chuỗi cung ứng dầu, loại bỏ tàu chở dầu, hoặc phá hủy bất kỳ nhà máy lọc dầu nào, bất kỳ hoạt động khai thác dầu nào của IS”, ông Colgan, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Brown, cho biết. IS đã mất quyền kiểm soát các mỏ dầu vào năm 2017 vào tay SDF do người Kurd lãnh đạo. Kết quả cuối cùng là lực lượng người Kurd và Mỹ đã chiếm các mỏ dầu. Vào cuối cuộc chiến, lực lượng IS đã phá hủy phần lớn cơ sở hạ tầng dầu mỏ. Nhưng kể từ đó lực lượng người Kurd đã sửa chữa một số thiệt hại. Doanh thu từ dầu đã hỗ trợ lực lượng người Kurd trong khu vực.

Mỹ giữ quân ở Syria, bảo vệ các mỏ dầu

Sau khi Nhà Trắng thông báo rút quân khỏi biên giới Syria với Thổ Nhĩ Kỳ trước một cuộc tấn công được lên kế hoạch của Ankara chống lại lực lượng người Kurd, các nhà phê bình cáo buộc ông Trump từ bỏ các đồng minh người Kurd của Washington. Trong một tuyên bố, SDF đã gọi việc Mỹ rút quân là một “cú đâm sau lưng”. Nhiều người cho rằng động thái này gây bất ổn khu rộng hơn, vì sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo khiến hàng trăm ngàn người phải chạy trốn.

Ông Trump đã nhiều lần bảo vệ quyết định rời khỏi biên giới Syria, cho rằng “đó không phải là biên giới của chúng tôi”, và nói rằng “cuộc xung đột giống như hai đứa trẻ, bạn để chúng chiến đấu, và sau đó bạn kéo chúng ra xa nhau”. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục tấn công chống lại lực lượng người Kurd bất chấp lệnh ngừng bắn do Mỹ làm trung gian. Và Nga, đối thủ lâu năm của Washington, đã gửi quân tới khu vực này, với mong muốn lấp đầy khoảng trống quyền lực mà Mỹ để lại.

Một số người nói rằng, việc rút quân của Mỹ có thể dẫn đến sự hồi sinh của IS. Trước tháng 10, hàng ngàn chiến binh IS bị nghi ngờ đã bị giam giữ trong các nhà tù của người Kurd ở Syria. Nhưng với việc lực lượng người Kurd hiện đang chật vật tự bảo vệ mình khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, họ khó có thể có đủ lực lượng để bảo vệ các nhà tù. Nhà Trắng cho rằng, các tù nhân hiện nằm dưới sự giám sát của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng sự hỗn loạn khiến chúng có nhiều cơ hội chạy trốn.

Nếu IS được tập hợp trở lại, chúng có thể nhắm mục tiêu vào các mỏ dầu. Để lại một số quân để giúp bảo vệ các mỏ dầu là cách ông Trump muốn tránh liên lụy tới tình hình đang diễn ra trong khi vẫn ngăn chặn được IS.

IS có thể giành lại quyền kiểm soát?

Có lẽ không phải trong thời gian ngắn, nhưng điều này là hoàn toàn có thể. “Chúng đã làm điều đó một lần rồi, tôi nghĩ IS đã chứng minh rằng đây là một khả năng có thể”, ông Colgan cho biết.

Bà Khalifa, nhà phân tích của thuộc Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, cho rằng, IS khó có cơ hội chiếm lại các giếng dầu, nhưng chúng có thể tấn công. Ibrahim Al-Assil, một học giả của nhóm chuyên gia cố vấn thuộc Viện Trung Đông, cho rằng IS có thể đủ mạnh để làm điều đó trong tương lai. Ông Al-Assil cũng cho rằng, Washington cũng lo ngại về các bên liên quan khác, những người có thể kiểm soát các mỏ dầu nếu không có sự hiện diện của Mỹ. “Tôi nghĩ đó là một phần của chiến dịch gây áp lực tối đa mà chính quyền Trump đang thực hiện đối với Iran, Syria và các đồng minh của họ trong khu vực”, ông nói.

Những phát ngôn lặp đi lặp lại của ông Trump về dầu mỏ Syria trong vài tuần qua là hoàn toàn phù hợp với mô hình tập trung lớn hơn của ông Trump vào các quốc gia Trung Đông. Dana Stroul, một thành viên của Viện Chính sách Cận Đông của Washington, cho rằng các quan chức Mỹ có thể đang thúc đẩy ông Trump giữ một số quân ở Syria để chống lại IS và hành động như một đối trọng với sự hiện diện của Nga ở đó.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_215099_ly-do-dang-sau-viec-tong-thong-trump-no-luc-bao-ve-cac-mo-dau-o-syria.aspx