Lý do 'đáng xấu hổ' khiến Trung Quốc hiện đại hóa quân đội
Nhiều nhà phân tích quân sự cho biết, sự cạnh tranh từ lâu giữa Mỹ- Trung đã buộc chính quyền Bắc Kinh phải tiến hành hiện đại hóa quân đội.
“Trung Quốc không chỉ muốn rút ngắn khoảng cách với Mỹ về quân sự, mà họ còn muốn đạt được một số tiến bộ để tập trung vào phát triển những vũ khí thế hệ tiếp theo. Bởi là ‘kẻ đến sau’, nên Trung Quốc đã nhận ra sự cần thiết khi phải tập trung phát triển công nghệ vũ khí thế hệ tiếp theo”, chuyên gia Lu Li-Shih từng làm việc tại Học viện Hải quân Đài Loan (Trung Quốc) nói với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).
“Mục tiêu cuối cùng của quân đội Trung Quốc không chỉ là để hiểu về những chiến thuật tác chiến của Mỹ, mà còn tránh Washington ‘nhìn thấu’ được các kế hoạch họ đề ra”, ông Lu nói thêm.
Nhiều nguồn tin quân sự cho biết, nguyên nhân Trung Quốc đẩy mạnh công cuộc hiện đại hóa quân đội là từ một vụ việc ‘đáng xấu hổ’ xảy ra vào năm 1996. Khi đó, Mỹ điều hạm đội hải quân đi qua eo biển Đài Loan giữa lúc Trung Quốc tiến hành phóng thử tên lửa gần lộ trình hạm đội trên đi qua. Cuộc thử nghiệm đã thất bại, ít nhất hai quả tên lửa biến mất khỏi hệ thống theo dõi.
Một số nhà phân tích quân sự nhận định rằng, chính Mỹ đã khiến cuộc thử nghiệm thất bại bằng cách ngắt Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) có chức năng dẫn dường cho hai quả tên lửa trên.
Và chính vụ việc ‘đáng xấu hổ’ đó đã buộc Bắc Kinh phải tự phát triển hệ thống định vị toàn cầu riêng, nhằm tránh việc các hệ thống vũ khí dẫn đường bị đối phương làm ‘tê liệt’ khi tác chiến.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng học hỏi phương pháp tác chiến tàu sân bay từ Mỹ, khi hai tàu sân bay có trong biên chế hải quân nước này là Liêu Ninh và Sơn Đông đã được sửa đổi khác đi so với thiết kế ban đầu của lớp tàu Kuznetsov từ thời Liên Xô.
Chẳng hạn, lớp tàu Kuznetsov vốn có thiết kế ban đầu được trang bị 10 hệ thống tên lửa chống hạm P-700 Granit. Nhưng Trung Quốc đã loại bỏ toàn bộ các hệ thống trên nhằm mục đích giúp tàu sân bay của họ có thêm nhiều không gian để chứa máy bay chiến đấu.
“Hiện tại, khả năng tác chiến của hai con tàu Liêu Ninh và Sơn Đông giống với những tàu sân bay của Mỹ, khi thiên hẳn về nhiệm vụ cho máy bay chiến đấu cất cánh và hạ cánh. Trong khi đó, thiết kế ban đầu của lớp tàu Kuznetsov là tuần dương hạm với các khả năng tấn công mạnh mẽ như ‘hải đối hải’ và ‘hải đối không’”, Tổng biên tập tạp chí quân sự Kanwa Defence Review của Canada, ông Andrei Chang nói với tờ SCMP.
Chuyên gia quân sự Tống Trung Bình cho rằng, các cuộc ‘chạm trán’ gần đây của hải quân Mỹ và Trung Quốc tại eo biển Đài Loan đã phản ánh sự cạnh tranh về công nghệ và quân sự giữa Bắc Kinh và Washington.
“Mỹ đang gia tăng áp lực lên Trung Quốc, không chỉ về vấn đề Đài Loan mà còn cả về nhiều lĩnh vực khác, khiến quân đội Trung Quốc phải tăng cường năng lực tác chiến”, ông Tống nói.
Trong khi đó, Chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận Học viện Quản trị toàn cầu (GGI), ông Andy Tian lại cho rằng, việc Mỹ thúc đẩy phát triển chung công nghệ dân sự và quân sự đã cho Trung Quốc một mô hình để học tập theo. “Chính sự cạnh tranh Mỹ-Trung đã khuyến khích quân đội Trung Quốc xem xét lại phương pháp, và đưa ra đường lối hiện đại hóa quân đội”, Tian nhận định.