Lý do điều chỉnh tăng hơn 430ha đất rừng làm cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2

Tờ trình được Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cập rõ nguyên nhân phải điều chỉnh tăng hơn 430ha diện tích rừng phục vụ thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Chính phủ vừa gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tờ trình nghị quyết điều chỉnh Nghị quyết 273 ngày 11/7/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của dự án xây dựng công trình đường bộ Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2).

Diện tích rừng được đề nghị điều chỉnh chủ yếu thay đổi tại các khu vực địa hình khó khăn, phải đào sâu, đắp cao (Ảnh minh họa: Hà Vũ).

Diện tích rừng được đề nghị điều chỉnh chủ yếu thay đổi tại các khu vực địa hình khó khăn, phải đào sâu, đắp cao (Ảnh minh họa: Hà Vũ).

Theo nội dung được nêu trong tờ trình, phục vụ thi công dự án, diện tích rừng phát sinh tăng hơn 438ha so với Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15 (hơn 31ha rừng tự nhiên, gần 407ha rừng trồng).

Trong đó, có gần 54ha quy hoạch rừng phòng hộ, hơn 283ha quy hoạch rừng sản xuất và hơn 100ha rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng.

Tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ, theo rà soát và báo cáo của Bộ GTVT, việc thay đổi diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất trồng lúa nêu trên không phát sinh thêm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng đã duyệt và không làm vượt tổng mức đầu tư dự án; không thuộc trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.

So với Nghị quyết số 273/NQ- UBTVQH15, diện tích đất rừng được đề xuất điều chỉnh giảm 78ha; diện tích đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên điều chỉnh giảm gần 31ha.

Cụ thể, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, diện tích đất rừng phát sinh tăng hơn 82ha; Diện tích đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên giảm gần 28ha.

Tại tỉnh Quảng Bình, diện tích đất rừng phát sinh tăng gần 83ha; Diện tích đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên phát sinh tăng hơn 1,7ha.

Tại tỉnh Quảng Trị, diện tích đất rừng phát sinh tăng xấp xỉ 17ha; Diện tích đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên giữ nguyên.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, diện tích đất rừng phát sinh tăng gần 18ha; Diện tích đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên phát sinh tăng hơn 42ha.

Trên địa bàn tỉnh Bình Định, diện tích đất rừng phát sinh giảm hơn 247ha; Diện tích đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên tăng hơn 24ha.

Tại tỉnh Phú Yên, diện tích đất rừng phát sinh tăng hơn 46ha; Diện tích đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên giảm gần 13ha.

Tại tỉnh Khánh Hòa, diện tích đất rừng phát sinh giảm gần 50ha; Diện tích đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên giảm gần 67ha.

Tại tỉnh Hậu Giang, diện tích đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên phát sinh tăng hơn 3ha, không sử dụng đất rừng.

Tại tỉnh Kiên Giang, diện tích đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên giảm hơn 1ha, không sử dụng đất rừng.

Tại tỉnh Bạc Liêu, dự án không sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên.

Tại tỉnh Cà Mau, diện tích đất trồng lúa dự án sử dụng hơn 6ha, không thay đổi so với Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15.

Tại TP Cần Thơ, diện tích đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên phát sinh tăng gần 5,8 ha, không sử dụng đất rừng.

Nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi trên là do dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 trải dài (721km) qua 12 tỉnh, thành phố, đi qua khu vực điều kiện địa hình khó khăn, địa chất phức tạp. Quá trình triển khai bước thiết kế kỹ thuật có sự thay đổi.

Mặt khác, hồ sơ chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên trình Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết 273/ được cập nhật số liệu tại thời điểm tháng 4/2022.

"Thời điểm này, Bộ GTVT mới bàn giao cọc GPMB cho địa phương tại các đoạn tuyến có điều kiện địa hình thuận lợi. Đến tháng 7/2022 mới hoàn thành bàn giao toàn bộ các đoạn có địa hình khó khăn.

Vì vậy, hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên trình Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua chưa được địa phương thực hiện kiểm đếm chính xác.

Khi triển khai bước lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, giải pháp thiết kế được cập nhật chính xác theo điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn dẫn đến thay đổi độ dốc mái đào, đắp, xác định chính xác ranh giới, phạm vi chiếm dụng đất của dự án.

Khu vực có điều kiện địa hình đơn giản hầu như không có thay đổi, chủ yếu thay đổi tại các khu vực địa hình khó khăn, phải đào sâu, đắp cao", tờ trình của Chính phủ nêu.

Ninh Cơ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vi-sao-phai-dieu-chinh-tang-hon-480-ha-dat-rung-thi-cong-cao-toc-bac-nam-giai-doan-2-192240828171450016.htm