Lý do doanh nghiệp ở TP.HCM vẫn khó tuyển lao động

Dù được các doanh nghiệp công nhận về trình độ chuyên môn nhưng người lao động Việt vẫn gặp khó khăn khi tìm việc.

Sáng 1-10, HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát quản lý nhà nước về lao động và việc làm trên địa bàn TP giai đoạn 2020-2025 đối với Sở GD&ĐT, Sở LĐ-TB&XH, Ban Quản lý Khu công nghệ cao tại Trụ sở UBND TP.HCM (quận 1).

Buổi giám sát này do Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân làm trưởng đoàn.

 Toàn cảnh buổi khảo sát

Toàn cảnh buổi khảo sát

Tại đây, nhiều vấn đề về công tác quản lý, nhu cầu thị trường cũng như đào tạo người lao động được các bên liên quan đề cập. Trong đó, việc sử dụng lao động nước ngoài cũng như người Việt ra nước ngoài lao động nhận được sự quan tâm của các đại biểu tham dự.

Khó khăn quản lý lao động nước ngoài

Bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết hiện nay có 15.000 đến 18.000 lao động nước ngoài vào TP.HCM làm việc ở 4 vị trí công việc là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật.

"Qua thống kê, chúng tôi nhận thấy trong lĩnh vực giáo dục, cụ thể là các trường mầm non, cao đẳng và đại học đều có sử dụng người lao động nước ngoài trong công tác giảng dạy.

Bên cạnh đó, có các lĩnh vực thương mại dịch vụ, công nghệ thông tin, công nghệ dệt may thì người lao động nước ngoài ở các vị trí chuyên gia chiếm số đông” – bà Trúc cho hay.

Qua thống kê, bà Trúc cũng chỉ ra vị trí chuyên gia có trình độ đại học trở lên chiếm 65%; vị trí lao động kỹ thuật yêu cầu có ít nhất 5 năm kinh nghiệm hoặc đã qua đào tạo ít nhất 12 tháng và 3 năm kinh nghiệm (chiếm tỉ lệ 13%). Số lượng còn lại là thuộc về vị trí quản lý và giám đốc điều hành.

 Bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM.

Bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM.

Bà Thanh Trúc cho biết khó khăn nhất trong việc quản lý người lao động nước ngoài là vấn đề nhập cảnh cũng như chuyển đổi mục đích để làm việc tại Việt Nam.

"Có thể ban đầu, người lao động nước ngoài được các doanh nghiệp đứng ra bảo lãnh không phải mục đích làm việc mà vào Việt Nam để du lịch, sau đó chuyển qua mục đích làm việc thì ở cơ quan quản lý như chúng tôi không nắm được trực tiếp các số liệu này, vì theo quy định Bộ Công an sẽ thông tin cho Sở LĐ-TB&XH.

Dù trong quy chế quản lý lao động nước ngoài có đặt ra việc phối hợp giữa Công an TP với Sở LĐ-TB&XH nhưng chúng tôi không thể nào nắm bắt được" - bà Trúc chia sẻ.

Đồng thời, bà Trúc cũng cho biết vì vẫn chưa có dữ liệu chung để chia sẻ nên vấn đề theo dõi người lao động ở nước ngoài làm việc tại các tỉnh cũng như tại TP.HCM cũng gặp khó trong việc nắm bắt.

Về lý do doanh nghiệp không ưu tiên tuyển người lao động Việt Nam dù đáp ứng được các yêu cầu về trình độ chuyên môn, bà Trúc chỉ ra: "Các yếu tố ngoại ngữ, kỹ năng mềm và một số vấn đề về hội nhập quốc tế... người Việt Nam không đáp ứng được nên các doanh nghiệp sẵn sàng sử dụng người lao động nước ngoài ở vị trí kỹ thuật".

Người Việt xuất khẩu lao động giảm

Cũng theo bà Trần Lê Thanh Trúc, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi lao động nước ngoài vẫn còn thấp, đặc biệt giảm từ năm 2020-2024.

Bên cạnh việc hạn chế tuyển người lao động để phòng chống dịch thì tiền lương thu nhập ở các thị trường như Nhật Bản, Đài Loan không cao như trước đây nên chưa hấp dẫn lao động người Việt. Họ bắt đầu chuyển sang các nước như Úc, Canada…

"Để sang Úc, Canada, đa phần người lao động Việt sẽ đi theo hướng tự thực hiện giao kết trực tiếp với người sử dụng lao động nước ngoài; đi du học nghề sau đó ở lại làm việc; đi theo hướng đầu tư…" – bà Trúc cho hay.

 Nhu cầu xuất khẩu lao động sang Nhật, Đài Loan giảm. Ảnh minh họa: PHONG ĐIỀN

Nhu cầu xuất khẩu lao động sang Nhật, Đài Loan giảm. Ảnh minh họa: PHONG ĐIỀN

Bà Trúc cho biết trong thời gian tới, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có nội dung liên quan đến công tác theo dõi quản lý lao động, các doanh nghiệp sẽ báo cáo về tình hình lao động cũng như người lao động ở khu vực chưa chính thức. Đồng thời, họ cũng phải có trách nhiệm thông tin về số liệu lao động, trên cơ sở đó, sẽ có dữ liệu liên quan đến vấn đề lao động.

Tại buổi khảo sát, ông Huỳnh Thanh Nhân, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM đề nghị Sở LĐ-TB&XH nắm bắt xem có bao nhiêu người có nhu cầu đi lao động, ông lưu ý cần đặc biệt quan tâm đến đến hai đối tượng lao động hộ nghèo và cận nghèo.

Ông Huỳnh Thanh Nhân, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM

Cạnh đó, ông Nhân cũng đề nghị sở này nắm chắc thị trường lao động nước ngoài, dựa trên cơ sở đó để đào tạo người lao động; phối hợp với các cơ sở để đào tạo nhằm tiếp cận đúng hơn về thị trường lao động.

THĂNG BÌNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/ly-do-doanh-nghiep-o-tphcm-van-kho-tuyen-lao-dong-post812767.html