Lý do gạo Việt Nam có thể bị cấm thi gạo ngon thế giới
Khoảng 10 công ty Việt Nam tự ý sử dụng thương hiệu 'Gạo ngon nhất thế giới' để in trên bao bì, tài liệu quảng bá trong nước và xuất khẩu nhưng không xin phép hay có sự đồng ý của tổ chức The Rice Trader.
Tổ chức The Rice Trader (TRT) vừa phát đi cảnh báo Việt Nam có thể mất quyền tham gia cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới” do có nhiều doanh nghiệp đã vi phạm bản quyền khi sử dụng logo này để in trên bao bì gạo kinh doanh trong nước và xuất khẩu nhưng chưa có sự đồng ý của TRT.
Theo công bố của TRT, doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí là công ty Việt Nam đầu tiên được The Rice Trader cho phép sử dụng biểu trưng giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới” vào mục đích tiếp thị và kinh doanh.
Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí đã đạt được thỏa thuận với TRT về mức phí sử dụng logo giải thưởng. Phí này được TRT sử dụng cho việc tổ chức cuộc thi và hỗ trợ nghiên cứu phát triển giống lúa.
Trong khi đó, có khoảng 10 công ty Việt Nam sử dụng thương hiệu này để in trên bao bì, tài liệu quảng bá trong nước và xuất khẩu nhưng không xin phép hay có sự đồng ý của TRT.
Bà Phan Mai Hương, đại diện TRT tại Việt Nam cho biết TRT đã làm việc với một số công ty nhưng các công ty này lại có thái độ bất hợp tác và thiếu tôn trọng TRT cũng như các quy định về bản quyền. Vì vậy TRT sẽ có những hành động để bảo vệ thương hiệu, uy tín của giải thưởng cũng như những đơn vị tham gia giải thưởng và làm ăn uy tín.
“Đây là hành vi sử dụng bất hợp pháp quyền sở hữu trí tuệ và các quy định của biểu trưng giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới”. Nếu không có giải pháp thích hợp, tên của những công ty đó sẽ được công khai. Thậm chí, quốc gia, nơi có những doanh nghiệp vi phạm, có thể mất quyền tham gia cuộc thi này trong những năm tiếp theo”, đại diện TRT thông tin
Trước đó, năm 2019, gạo ST25 của nhóm tác giả Hồ Quang Cua đạt giải nhất cuộc thi gạo ngon nhất thế giới. Sau đó, gạo ST25 tiếp tục dự thi giải ngon nhất thế giới 2020 và về nhì. Tuy nhiên, gạo ST25 bị một số doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ độc quyền tại Mỹ, Úc.
Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/ly-do-gao-viet-nam-co-the-bi-cam-thi-gao-ngon-the-gioi-988410.html