Lý do gì khiến sầu riêng Việt Nam bị EU đưa vào diện kiểm soát với tần suất 10%?

Theo dữ liệu thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam, trong 6 tháng cuối năm 2023, Việt Nam có 3 lô hàng sầu riêng vi phạm quy định của EU. Vì vậy, phía EU đã đưa mặt hàng này vào diện kiểm soát với tần suất 10%.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), phân tích điều đó có nghĩa trong 1 container có 100 thùng hàng sầu riêng, phía EU sẽ lấy mẫu ngẫu nhiên 10 thùng để kiểm tra các mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của EU.

Phía EU đã đưa sầu riêng vào diện kiểm soát với tần suất 10%.

Phía EU đã đưa sầu riêng vào diện kiểm soát với tần suất 10%.

Theo quy định của EU, cứ 6 tháng 1 lần, Nghị viện châu Âu sẽ họp với các bên liên quan để tăng hoặc giảm tần suất kiểm tra biên giới đối với các mặt hàng nông sản thực phẩm, thức ăn chăn nuôi của các nước thứ 3 khi nhập khẩu hàng hóa vào thị trường EU. Đây là quy định của EU và được áp dụng thường xuyên.

Theo ông Nam, nếu các doanh nghiệp, hợp tác xã của Việt Nam có sự phối hợp, liên kết với nhau trong việc kiểm soát tốt mức dư lượng, thuốc bảo vệ thực vật đối với sầu riêng nói riêng và các loại nông sản nói chung thì trong 6 tháng cuối năm 2024, phía EU sẽ có thể xem xét và đưa sầu riêng ra khỏi danh sách kiểm tra với tần suất 10% này.

Tuy nhiên, nếu Việt Nam kiểm soát không tốt thì cũng có thể 6 tháng tiếp theo, phía EU sẽ có thể xem xét đưa sầu riêng vào danh sách Phụ lục 2 – tức là ngoài việc chịu tần suất kiểm tra biên giới 10% thì sầu riêng Việt Nam còn bị yêu cầu cấp thêm giấy chứng nhận về lấy mẫu và phân tích lấy mẫu sầu riêng gửi kèm theo lô hàng khi xuất khẩu vào thị trường này. Việc này sẽ gây tốn kém cho doanh nghiệp.

Do đó, doanh nghiệp cần lưu ý về luật chơi quốc tế, đặc biệt là với thị trường EU. Bởi không riêng mặt hàng sầu riêng mà tất cả các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam khi xuất khẩu đi các nước phải lưu ý tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh. Tránh việc bị đưa vào danh sách kiểm soát, tăng tần suất kiểm soát biên giới cũng như yêu cầu thêm các thủ tục, chứng nhận, gây tốn kém cho doanh nghiệp.

Được biết, căn cứ vào dữ liệu xuất khẩu của các nước thứ ba vào EU, nếu vi phạm thì EU đưa vào Phụ lục 1 (kiểm soát ở biên giới) hoặc sẽ tăng tần suất kiểm tra 10%, 20%, 30%, 50% thậm chí có thể lên tới 75%, hoặc chuyển đổi sang Phụ lục 2 (phụ lục yêu cầu phải có giấy chứng nhận về kết quả phân tích lấy mẫu trước khi nhập khẩu vào EU). Hoặc EU có thể đưa ra khỏi danh sách kiểm tra ở biên giới và cũng không yêu cầu phải cấp giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm hay kết quả phân tích mẫu trước khi nhập khẩu vào EU nếu hàng hóa đảm bảo chất lượng. Tất cả các nước thứ ba khi xuất khẩu hàng hóa vào EU phải tuân thủ quy định này.

Vừa qua, Việt Nam có 5 mặt hàng thuộc diện bị kiểm soát của EU khi nhập khẩu vào thị trường này. Trong đó, tại Phụ lục 1, đối với các mặt hàng chịu tần suất kiểm tra biên giới gồm: Ớt chuông có tần suất biên giới kiểm tra 50%; mỳ ăn liền có tần suất kiểm tra biên giới 20%. Hai mặt hàng này cũng đã bị quy định trong năm 2023. Trong năm 2024, thông báo này vẫn giữ nguyên theo quy định cũ. Đồng thời, trong Phụ lục 1 này có bổ sung thêm mặt hàng sầu riêng với tần suất kiểm tra 10%.

Với Phụ lục 2, đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm ngoài việc chịu tần suất kiểm tra biên giới thì phải bổ sung thêm chứng nhận kết quả lấy mẫu và phân tích mẫu theo quy định của EU, Việt Nam có 2 mặt hàng là đậu bắp và thanh long với tỷ lệ tương ứng là 50% và 20%. Hai mặt hàng này cũng nằm trong thông báo của 6 tháng cuối năm 2023.

Như vậy, so với thông báo của 6 tháng cuối năm 2023, Việt Nam có 4 mặt hàng gồm đậu bắp, mỳ ăn liền, ớt chuông, thanh long vẫn giữ nguyên tần suất kiểm tra như giai đoạn trước. Chỉ riêng có mặt hàng sầu riêng thì bổ sung tần suất kiểm tra là 10%.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/ly-do-gi-khien-sau-rieng-viet-nam-bi-eu-dua-vao-dien-kiem-soat-voi-tan-suat-10-1097989.html