Lý do giải ngân vốn đầu tư công ở Đồng Nai còn chậm
Hiện nay có nhiều dự án lớn, nhất là dự án giao thông ở Đồng Nai có tỷ lệ giải ngân còn thấp so với kế hoạch.
Ngày 16/7, tại kỳ họp 18 HĐND tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai đã trình bày tờ trình dự thảo nghị quyết điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công cho hàng loạt dự án trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Theo lãnh đạo Sở, năm 2024 tỉnh Đồng Nai đang triển khai 16 dự án trọng điểm.
Trong đó, gồm nhiều dự án lớn như đường liên cảng huyện Nhơn Trạch, Vành đai 3 TP.HCM, dự án thành phần 1 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, bồi thường giải phóng mặt bằng dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, kè sông Đồng Nai, đường ven sông Đồng Nai, đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa… Các dự án này được bố trí nguồn vốn đầu tư công lớn trong năm 2024 tuy nhiên nửa năm đã số các dự án vẫn giải ngân còn thấp so với kế hoạch.
Lý giải về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh chưa cao, ông Nguyên cho biết, có nhiều lý do. Cụ thể dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành được giao 2.510 tỷ đồng, nhưng do vướng các thủ tục nên tiến độ giải ngân dự án chậm.
Nhiều dự án bố trí vốn khởi công mới đang ở khâu thiết kế, thi công và dự toán nên khối lượng thanh toán các chi phí tư vấn không nhiều. Ngoài ra một số dự án lại đang kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất nên theo tiến độ đến quý III mới phê duyệt phương án bồi thường và giải ngân vốn.
"Vướng mắc về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là nguyên nhân chủ yếu. Trong đó, nguyên nhân khách quan gồm công tác đo vẽ, kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất mất nhiều thời gian. Nhiều hộ dân sang nhượng giấy tay và chưa đồng thuận với giá bồi thường nên có khiếu nại. Thiếu nguồn vật liệu đất đắp, bãi đổ thải cũng ảnh hưởng đến thi công", ông Nguyên lý giải.
Để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, tỉnh Đồng Nai đã thành lập Tổ chỉ đạo công trình, dự án trọng điểm. Tổ này thường xuyên giám sát, đôn đốc các chủ đầu tư triển khai dự án giải ngân đúng kế hoạch, tiến độ, không để xảy ra nợ đọng. Các Ban QLDA, chủ đầu tư, các huyện, thành phố cũng ký kết giao ước thi đua, cam kết tỷ lệ giải ngân trong năm 2024 đạt tối thiểu 95% kế hoạch.
Đặc biệt mới đây nhất, Đồng Nai hai tháng liền triển khai kế hoạch 30 ngày đêm bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án cao tốc, đường lớn ở địa phương. Nhờ vậy mặt bằng được bàn giao thêm, tiến độ dự án được đẩy nhanh, giải ngân trong tháng 6 và tháng 7 cũng khởi sắc hơn.
Các đơn vị chức năng, các địa phương, Ban QLDA, các nhà thầu cũng tập trung tăng thêm nhân sự để giải phóng mặt bằng, thi công, đẩy nhanh tiến độ các dự án để tăng giải ngân. "Trong đó, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3 TP.HCM, đường ven sông Cái, đường Ven sông Đồng Nai, đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa... Giai đoạn này mặt bằng đã bàn giao nhiều hơn, tỷ lệ giải ngân tăng có chuyển biến", ông Nguyên cho hay.