Lý do hồi kết của dòng tiêm kích F-16 vẫn chưa điểm

Tuy ra đời từ lâu, dòng máy bay tiêm kích F-16 vẫn có một vị trí đặc biệt trong lực lượng không quân nhiều nước trên thế giới hiện nay. Không phải ngẫu nhiên mà Ukraine rất khát khao loại máy bay này để sử dụng trong xung đột với Nga. Có lẽ hồi kết của dòng chiến đấu cơ F-16 vẫn chưa tới như một số người nhận định.

Câu chuyện ấn tượng của tiêm kích F-16 trong lịch sử máy bay và không quân

Dòng máy bay tiêm kích F-16 thực hiện chuyến bay đầu tiên của mình vào năm 1974. Tuy nhiên, máy bay vẫn quan trọng vào thời điểm hiện tại như thuở nào.

Cách đây 50 năm, nếu một phi công thử nghiệm của máy bay F-16 không phản ứng nhanh thì toàn bộ chương trình F-16 có thể đã bị xếp xó ngay sau chuyến bay “định mệnh” đầu tiên.

Một chiếc máy bay tiêm kích F-16D trong biên chế không quân Singapore. Ảnh: Shownews.

Một chiếc máy bay tiêm kích F-16D trong biên chế không quân Singapore. Ảnh: Shownews.

Vào ngày 20/1/1974, phi công Phil Oestricher thử nghiệm nguyên mẫu YF-16 của hãng General Dynamics tại căn cứ không quân Edwards ở California. Nhiệm vụ của ông là lao máy bay F-16 thật nhanh trên đường băng bằng động cơ riêng của máy bay.

Khi Oestricher nâng nhẹ mũi chiếc máy bay, YF-16 bắt đầu lăn, đột ngột đến mức cánh trái và cánh đuôi bên phải của máy bay đều chạm xuống sân. Tình hình nguy hiểm đến độ chiếc YF-16 bắt đầu lệch hướng sang trái. Phi công Oestricher nhận ra rằng mình phải bỏ cuộc thử nghiệm và cho máy bay cất cánh mau lẹ để tránh cho máy bay khỏi bị va mạnh.

Vẫn còn những khoảnh khắc đứng tim sau đó, khi máy bay hẫng xuống đường băng. Oestricher cố gắng tăng tốc để máy bay vọt lên được không trung trước khi hạ cánh tại căn cứ.

Nhờ kỹ thuật bay điêu luyện, Oestricher đã ngăn ngừa được một thảm họa đối với máy bay F-16 cũng như dự án F-16, giúp dòng máy bay này trở thành một trong những máy bay quân sự thành công nhất. Năm năm sau ngày thử nghiệm trên, hơn 4.600 máy bay F-16 đã lăn bánh ra khỏi nhà máy và việc sản xuất loại máy bay này vẫn chưa có dấu hiệu dừng hẳn.

Sau này, F-16 hiện hữu trong nhiều lực lượng không quân trên thế giới. Thiết kế của máy bay này cũng tác động lên ngành hàng không dân dụng. Công nghệ dùng cho F-16 cũng được ứng dụng trong các máy bay chở khách.

Vào bất cứ thời điểm nào (cả ngày lẫn đêm) luôn có một chiếc F-16 trên bầu trời ở một nơi nào đó trên thế giới.

Kể từ khi phục vụ trong không quân Mỹ vào năm 1978, máy bay F-16 đã có mặt trong 25 lực lượng không quân khác, từ Na Uy cho tới Chile, Marốc, Singapore. Vào năm 2023, thời điểm 45 năm kể từ khi F-16 lần đầu được đưa vào sử dụng, hơn 800 chiếc F-16 vẫn đang phục vụ không quân Mỹ.

F-16 được thiết kế theo hướng nhỏ gọn, nhẹ và cực kỳ cơ động để phục vụ cận chiến trên không. Giờ đây F-16 có thêm nhiều vai trò mới, từ cường kích đến săn hạm, trinh sát, truy tìm các bệ phòng tên lửa phòng không. F-16 đã trở thành một máy bay tiêm kích đa năng.

Kể từ năm 2015, F-16 là dòng máy bay quân sự cánh cố định có số lượng lớn nhất thế giới. Người ta ước tính có hơn 2.000 chiếc F-16 đang được sử dụng trên toàn cầu.

Việc duy trì máy bay F-16 trong 50 năm, chưa nói đến việc sản xuất mới là một kỳ tích trong lịch sử không quân.

Không phải ngẫu nhiên thời gian dài vừa qua Ukraine lại khẩn thiết kêu gọi phương Tây viện trợ cho họ máy bay F-16 để đối đầu với Nga.

Những lợi thế vượt trội của F-16 về mặt thiết kế

Trong thập niên 1960, Mỹ áp dụng một số công nghệ mới về tên lửa không đối không. Vào năm 1965, một số máy bay tiêm kích của Mỹ như F-4 Phantom II không có súng vì các nhà hoạch định quân sự tin rằng tên lửa máy bay là đủ dùng.

Tuy nhiên, khi đối đầu với tiêm kích MiG (do Liên Xô sản xuất) tại chiến trường Đông Nam Á, máy bay Mỹ đã gặp khó khăn do máy bay đối phương có độ cơ động và linh hoạt cao. Máy bay Mỹ to và mang 2 động cơ, dễ bị phát hiện từ xa. Trong khi đó tiêm kích MiG nhỏ bé rất khó bị phát hiện sớm. Khi cận chiến, máy bay Mỹ cũng khó phát huy tên lửa của mình.

Khi đó tại Mỹ hình thành nhu cầu thiết kế một loại máy bay tiêm kích mới vừa nhỏ và cơ động, vừa có cả súng và tên lửa tầm nhiệt.. Máy bay YF-16 của hãng General Dynamics (nay thuộc Lockheed-Martin) ra đời trong bối cảnh đó. YF-16 là nguyên mẫu của F-16.

YF-16 được chế tạo để trước hết là phục vụ cận chiến trên không. Mục đích cận chiến này tác động trực tiếp lên thiết kế của máy bay, bao gồm kính buồng lái. Phi công sẽ ngồi trong buồng lái nâng cao có mái vòm lớn giúp phi công có góc nhìn rộng rãi.

Thiết kế của F-16 cho phép nó chịu được lực 9G trong cận chiến trên không. Bay với tốc độ cao tạo áp lực cực lớn lên cả khung máy bay lẫn phi công điều khiển máy bay.

Để bảo đảm phi công không bị ngất khi thực hiện những cú ngoặt với lực G lớn, chỗ ngồi trong buồng lái F-16 được bố trí ngả về phía sau, giúp giảm bớt tác động lên phi công.

Ngoài ra, F-16 còn có cần lái nằm bên cạnh phải của buồng lái chứ không nằm ở vị trí giữa 2 chân phi công như trong các máy bay tiêm kích truyền thống từ thời Thế chiến I. Cần lái này không thực sự di chuyển khi phi công ấn lên đó vì F-16 sử dụng cơ chế điều khiển của máy tính để thường xuyên thực hiện những điều chỉnh nhỏ đối với hoạt động bay. Đây là loại máy bay đầu tiên trên thế giới áp dụng cơ chế này. Về sau, hầu hết các máy bay chở khách hiện đại như Boeing 777 và Airbus A320 đều áp dụng theo.

Phi công lái F-16 thường cho biết máy bay này dễ lái, một phần là nhờ cơ chế tự động như trên và một phần là vì nó có khung chắc chắn, với lực nâng lớn từ cánh.

Máy bay F-16 sau đó dần trở thành máy bay tiêm kích đa năng, có cả năng lực cường kích (tấn công mặt đất).

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: BBC

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/vu-khi/ly-do-hoi-ket-cua-dong-tiem-kich-f-16-van-chua-diem-post1127832.vov