Lý do hủy án vụ nhân viên quán karaoke đánh, nhốt khách để đòi tiền bo
Trong vụ nhân viên quán karaoke đánh, nhốt khách hàng để đòi tiền bo, tòa phúc thẩm đã hủy án do cấp sơ thẩm có sai lầm trong việc áp dụng quy định pháp luật.
Ngày 18-2, TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm và tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại đối với 4 bị cáo trong quán karaoke đánh, nhốt khách hàng để đòi tiền bo.
Theo nội dung vụ án, tối 16-9-2023, anh Hoàng Trung Thực, Nguyễn Bá Thành và Nguyễn Bá Minh cùng nhóm bạn đến hát karaoke tại một quán ở quận Gò Vấp. Khi hát karaoke, nhóm anh Thực có gọi 8 nhân viên nữ phục vụ rót bia.
Hát xong, anh Bùi Đình Lộc (bạn anh Thực) thanh toán tiền hết 5 triệu đồng. Anh Lộc không đồng ý thanh toán tiền dịch vụ 3,5 triệu đồng tiền bo cho 7 nhân viên phục vụ nữ với lý do người nào gọi thì người đó trả tiền phí dịch vụ nên hai bên xảy ra cự cãi.

Các bị cáo tại phiên xét xử phúc thẩm. Ảnh: SONG MAI
Lúc này anh Thành và anh Minh chưa rời khỏi quán nên bị nhân viên phục vụ quán là Huỳnh Văn Thơm yêu cầu phải thanh toán cho 7 nhân viên phục vụ nữ. Anh Minh và anh Thành không đồng ý và tiếp tục cãi nhau. Thơm liền dùng tay chân và ghế xếp, gậy sắt đánh anh Thành và anh Minh gây thương tích.
Lúc này, anh Thực và anh Lộc đang đi ăn cách đó 200 mét biết được sự nên quay trở lại quán nói chuyện thì bị nhân viên quán đuổi đánh và bắt được.
Anh Thực bị nhóm nhân viên đánh và yêu cầu thanh toán 3,5 triệu tiền bo nhưng anh Thực không đồng ý. Sự việc khiến nhiều khách trong quán xuống xem nên Thơm nói Thái Ka Rum đưa anh Thực lên phòng 502 của quán tiếp tục đánh đến khi anh Thực đồng ý trả tiền bo.
Lúc này, công an Phường 7, quận Gò Vấp đến và phát hiện việc anh Thực bị đánh nên đã mời tất cả lên làm việc.
Xử sơ thẩm, TAND quận Gò Vấp tuyên phạt Huỳnh Văn Thơm 5 năm 6 tháng tù về 4 tội bắt người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích.
Thái Ka Rum, Nguyễn Anh Khoa mỗi người bị phạt 3 năm 6 tháng tù về các tội bắt người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng. Bị cáo Nguyễn Chí Thanh 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội gây rối trật tự công cộng.
Sau phiên sơ thẩm, các bị cáo không có kháng cáo. Tuy nhiên, Viện trưởng VKSND TPHCM đã có kháng nghị, cho rằng cấp sơ thẩm có sai lầm trong việc áp dụng quy định pháp luật, đề nghị cấp phúc thẩm hủy án, điều tra lại.
Tại phiên phúc thẩm, HĐXX nhận định, các bị cáo đã dùng vũ lực để làm tê liệt ý chí bị hại và buộc nạn nhân phải thanh toán tiền. Hành vi của các bị cáo có dấu hiệu của tội phạm nặng hơn tội cưỡng đoạt tài sản.
Cạnh đó, cấp phúc thẩm cho rằng tòa sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo về tội bắt người trái pháp luật nhưng hồ sơ vụ án thể hiện, bị cáo Huỳnh Văn Thơm và đồng phạm còn có thêm hành vi giữ bị hại. Tòa sơ thẩm không xem xét hành vi giữ người trái pháp luật là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Cạnh đó, cấp sơ thẩm tuyên phạt Thơm và đồng phạm về tội gây rối trật tự công cộng. Tuy nhiên, hành vi của các bị cáo đã bị xử lý bởi nhóm tội xâm phạm về tài sản nên buộc các bị cáo phải chịu trách nhiệm thêm tội này là chưa phù hợp.
Từ những phân tích trên, HĐXX cấp phúc thẩm xác định cấp sơ thẩm có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp quy định pháp luật nên quyết định hủy án để điều tra lại.