Lý do Indonesia nói 'không' với tiêm kích Mirage của Qatar
Không có việc mua máy bay tiêm kích Mirage.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Indonesia Dahnil Anzar Simanjuntak khẳng định điều đó trong thông báo ngày 10/2.
Ông Dahnil Anzar Simanjuntak cho biết, Indonesia đã từ bỏ kế hoạch gây tranh cãi mua máy bay tiêm kích Mirage 2000-5 trị giá 733 triệu Euro (790 triệu USD) từng được Qatar sử dụng.
"Mặc dù vụ mua sắm này đã được lên kế hoạch song nó đã bị hủy bỏ... có nghĩa là không có hợp đồng nào có hiệu lực", người phát ngôn Bộ Quốc phòng nêu rõ.
Tháng trước, bộ trên cho biết thỏa thuận mua 12 máy bay chiến đấu đã bị trì hoãn do hạn chế tài chính và thay vào đó, quân đội sẽ đặt hàng mua sắm thêm trang thiết bị cho các máy bay Sukhoi và F-16 hiện có.
Lúc bấy giờ, người phát ngôn Dahnil Anzar Simanjuntak giải thích thêm rằng Indonesia cần mua Mirage 2000-5 của Qatar để giải quyết tình trạng ông mô tả là "thiếu sót về năng lực", trong lúc Indonesia chờ nhận máy bay chiến đấu Rafale đặt mua từ Pháp.
Indonesia dự kiến nhận lô máy bay chiến đấu Rafale đầu tiên vào năm 2026.
Hồi tháng 6 năm ngoái, Bộ Quốc phòng Indonesia công bố thương vụ 12 máy bay tiêm kích Mirage 2000-5 đã qua sử dụng ở Qatar, nhấn mạnh đây là cách nâng cấp nhanh lực lượng không quân.
Thương vụ này gây tranh cãi khi các nghị sĩ cho rằng những máy bay từng qua sử dụng này đã cũ và lỗi thời.
Không quân Qatar bắt đầu sở hữu máy bay Mirage 2000-5 cách đây khoảng 25 năm.