Lý do khiến bạn đau đầu dai dẳng
Đau đầu mạn tính là hiện tượng đau vùng đầu xảy ra dai dẳng trên 15 ngày/tháng kéo dài từ 3 tháng trở lên.
Tình trạng đau đầu mạn tính có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Thuật ngữ “đau đầu mạn tính hàng ngày” khá rộng, gồm một số loại đau đầu khác nhau có thể xảy ra hàng ngày như đau đầu do căng thẳng, đau nửa đầu, đau đầu từng cụm...
Theo bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thành Nhân, khoa Nội thần kinh, Bệnh viện quận 11 (TP.HCM), các triệu chứng đau đầu dai dẳng có thể khác nhau tùy thuộc vào loại đau đầu mà người bệnh đang gặp.
Khi gặp tình trạng này, người bệnh sẽ có cảm giác bị đập hoặc đập mạnh trong đầu.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể gặp các triệu chứng khác như buồn nôn; đổ mồ hôi; nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh hoặc mùi; nghẹt mũi hoặc sổ mũi đỏ hoặc chảy nước mắt; cảm thấy bồn chồn hoặc kích động.
Theo bác sĩ Nhân, hiện tượng đau đầu hàng ngày có thể bắt nguồn từ việc kích thích dây thần kinh sinh ba (dây thần kinh chính nằm trong đầu và mặt), căng cơ, thay đổi nội tiết tố hoặc di truyền.
Bên cạnh đó, bệnh nhân đau đầu dai dẳng cũng có thể thường xuyên thiếu ngủ; bỏ bữa; gắng sức; bị trầm cảm; do thay đổi thời tiết hoặc sử dụng caffein, rượu hay một số thuốc.
Bác sĩ Nhân cho hay có nhiều phương pháp điều trị khả thi cho những cơn đau đầu dai dẳng. Tuy nhiên, để xác định phương pháp điều trị nào là phù hợp nhất, bệnh nhân cần gặp bác sĩ để tìm ra loại đau đầu mà họ đang gặp phải.
Đôi khi đau đầu có thể là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn, như đột quỵ hoặc viêm màng não. Người bệnh cần đến phòng cấp cứu gần nhất nếu xuất hiện cơn đau đầu dữ dội xảy ra đột ngột.
Ngoài ra, tình trạng đáng cảnh báo nếu bạn đau đầu đi kèm các triệu chứng nhiễm trùng như sốt cao, cứng cổ; đau đầu kèm buồn nôn hoặc nôn mửa; đau đầu kèm các triệu chứng thần kinh khác như nhầm lẫn, tê liệt hoặc các vấn đề về phối hợp, đi lại hoặc nói; đau đầu xảy ra sau chấn thương đầu.
Bên cạnh đó, hiện tượng đau đầu cũng đáng lo ngại khi xuất hiện ở người cao tuổi, những người đang sống chung với HIV, những người có tiền sử ung thư hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ly-do-khien-ban-dau-dau-dai-dang-post1421930.html