Lý do khiến CSGT Singapore 'nói không' với mãi lộ

Song song với việc siết chặt kỷ luật, theo dõi sát sao, Singapore cũng từng bước tăng dần mức lương cho lực lượng cảnh sát.

CSGT Singapore được đánh giá ít nhận hối lộ bậc nhất Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung

Nếu ở nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia... chuyện hối lộ CSGT diễn ra như cơm bữa thì ở Singapore, chỉ một hành vi mãi lộ nhỏ với CSGT cũng gây rúng động xã hội.

Ngồi tù vì hối lộ cảnh sát

Tại một số nước ở châu Á, lực lượng CSGT thường vướng vào các cáo buộc liên quan đến nhận mãi lộ từ người vi phạm. Khảo sát tham nhũng quốc gia tại Indonesia do Hiệp hội Cải cách Chính phủ thực hiện cho thấy, đa số trong 2.300 người được hỏi đánh giá CSGT là lực lượng tham nhũng nhất trong số 35 tổ chức công quyền tại nước này.

Ngược lại, theo khảo sát từ Tổ chức Minh bạch Quốc tế, người Singapore rất ít khi nghe thấy những vụ việc cáo buộc CSGT nhận mãi lộ hay tham nhũng trong hoạt động nghiệp vụ.

Tính đến năm 2020, Singapore xếp thứ 4 trên bảng xếp hạng những nước ít tham nhũng nhất thế giới và là quốc gia trong sạch nhất châu Á.

Vụ việc ồn ào trên truyền thông Singapore gần đây nhất xảy ra cách đây hơn 2 năm. Một tài xế lái xe tải, 62 tuổi đã bị phạt tù 4 tuần vì hối lộ CSGT. Cơ quan Điều tra Hành vi Tham nhũng (CPIB) cho biết, lái xe tải đã hối lộ một viên CSGT sau khi bị sỹ quan cảnh sát phát hiện vi phạm quy định cài dây an toàn.

Người này đã đưa 100 USD (khoảng 2,3 triệu VNĐ) cho CSGT để không bị lập biên bản xử phạt nhưng cảnh sát lập tức gạt đi và báo cáo sự việc lên CPIB.

Sau nhiều tháng xét xử, đầu năm 2020, người vi phạm bị phạt 4 tuần tù giam theo Luật Phòng chống Tham nhũng. Tại thời điểm sự việc, CPIB khẳng định, Singapore kiên quyết không nhân nhượng với tất cả những hành vi tham nhũng. Người vi phạm có thể bị phạt đến 100.000 USD (tương đương 2,3 tỷ VNĐ); 5 năm tù giam hoặc cả hai.

Đầu năm 2019, dư luận Singapore cũng xôn xao về chuyện một cụ ông 73 tuổi vi phạm tốc độ và hối lộ cảnh sát 50 USD (khoảng 1,1 triệu VNĐ) để tránh bị lập biên bản.

Hơn nữa, lúc cảnh sát kiên quyết không nhận tiền hối lộ, cụ ông còn có hành vi quá khích. Cuối cùng, người này bị cảnh sát tố cáo và nhận bản án nghiêm minh 14 tháng, 10 tuần tù giam cùng 1.300 USD tiền phạt (gần 30 triệu VNĐ) đồng thời bị tước bằng lái xe cả đời, không được phép cấp lại bằng lái đối với tất cả các loại phương tiện.

Gột sạch tham nhũng là ưu tiên hàng đầu

Để làm trong sạch bộ máy công quyền, nhất là lực lượng CSGT hàng ngày phải đối mặt với những cám dỗ mãi lộ, Singapore đã thực hiện một chính sách đa chiều “quyết liệt nói không với tham nhũng” từ cách đây 62 năm.

Ít ai biết, Singapore cũng từng nhức nhối vì vấn nạn mãi lộ CSGT nói riêng và hối lộ các nhân viên cơ quan công quyền nói chung. Nhưng từ năm 1959 khi Đảng Hành động Nhân dân của ông Lý Quang Diệu lên nắm quyền, ban lãnh đạo đã đặt cam kết làm trong sạch chính phủ lên ưu tiên hàng đầu.

Điều này được thể hiện rõ trong tuyên bố của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu thời đó: “Chúng tôi có nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đó là thiết lập một chính phủ trong sạch và hiệu quả. Khi ban lãnh đạo mới nhậm chức, tất cả chúng tôi sẽ mặc áo sơ-mi và quần trắng như một biểu tượng cho sự trong sạch, trung thực trong hành vi cá nhân và công việc phục vụ cộng đồng... Chúng tôi đảm bảo, ngay ngày đầu tiên cầm quyền, từng đồng đô-la lợi nhuận phải được chi tiêu hợp lý, chạm tới lợi ích của từng người dân, tuyệt đối không có chuyện bòn rút của công”.

Ngay từ đầu, lãnh đạo Singapore đã đặc biệt chú ý đến những lĩnh vực dễ bị “tha hóa biến chất” vì lợi ích cá nhân và mài rũa những công cụ sắc bén nhất để ngăn chặn, phát hiện và loại bỏ những hành vi đó.

Việc đầu tiên là sửa đổi Luật Tham nhũng, xác định rõ hành vi tham nhũng, trao quyền mạnh hơn và độc lập cho Cơ quan Điều tra Hành vi Tham nhũng và siết chặt chế tài xử phạt.

Năm 1976, Singapore thành lập một đội đặc nhiệm kết hợp giữa lực lượng cảnh sát và CPIB truy quyét tất cả những nhân tố và hành vi tham nhũng trong lực lượng cảnh sát. Bất cứ cảnh sát nào có biểu hiện lối sống xa hoa bất thường đều sẽ lọt vào tầm ngắm và bị theo dõi sát sao.

Từ quyết tâm chính trị này, Singapore còn lồng tất cả các biện pháp ngăn chặn tham nhũng vào quá trình đào tạo, tuyển dụng cảnh sát, thiết lập bộ quy tắc ứng xử...

Nâng lương 100 lần để triệt tiêu lòng tham

Đáng chú ý nhất, song song với việc siết chặt kỷ luật, theo dõi sát sao, Singapore cũng từng bước tăng dần mức lương cho lực lượng cảnh sát nói riêng và toàn cơ quan công vụ nói chung.

Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu có quan điểm, bổng lộc phải ngang hàng với sức lao động bỏ ra mới có thể triệt tiêu mầm mống tham nhũng. Từ những ngày tháng khó khăn, quy mô kinh tế chỉ như “làng chài nhỏ”, chính quyền ông Lý vẫn chú ý nâng lương cho cảnh sát.

Mức lương cảnh sát đã tăng từ trung bình 40 đô-la Singapore/tháng (khoảng 690 nghìn VNĐ) ở năm 1951 lên trung bình 4,1 nghìn đô-la Singapore/tháng (khoảng 71 triệu VNĐ).

Đồng nghĩa, trung bình lương thưởng CSGT đã tăng gần gấp 100 lần. Ngoài ra, toàn bộ điều kiện làm việc, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác của CSGT cũng được nâng cấp vượt bậc.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ly-do-khien-csgt-singapore-noi-khong-voi-mai-lo-d506416.html