Lý do khiến dân châu Âu đổ xô săn lùng mặt hàng lâu đời nhất thế giới
Hơn 70% hệ thống sưởi của châu Âu là từ khí đốt và điện. Do đó, việc Nga giảm đáng kể nguồn cung khí đốt cho khu vực đã khiến củi trở thành mặt hàng được săn lùng.
Cách sân bay Tempelhof (Berlin, Đức) không xa, ông Peter Engelke đang lắp một cái cổng an ninh mới cho nhà kho của mình vì lo ngại những người tuyệt vọng sẽ lấy cắp kho hàng của ông. Thứ tài sản quý giá mà ông đang muốn bảo vệ đó là củi.
Hành động của ông Engelke cho thấy mối lo ngại ngày càng tăng trên khắp châu Âu khi lục địa này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhiên liệu và có thể bị mất điện trong mùa đông này.
Vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream là dấu hiệu mới nhất cho thấy tầm quan trọng của khí đốt đối với khu vực này khi Nga cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu để trả đũa các lệnh trừng phạt.
Tại hội nghị thượng đỉnh ở Prague cuối tuần trước, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã không đồng ý áp giá trần đối với khí đốt, do lo ngại hành động đó có thể đe dọa đến nguồn cung khí đốt của khu vực.
Hơn 70% hệ thống sưởi của châu Âu là từ khí đốt và điện. Do đó, việc Nga giảm đáng kể nguồn cung khí đốt cho khu vực, khiến củi - một loại nhiên liệu từng được khoảng 40 triệu người dân sử dụng để sưởi ấm - trở thành mặt hàng được săn lùng.
Giá của củi viên nén (wood pellets) tại Pháp đã tăng gần gấp đôi, lên 600 euro/tấn. Đáng nói, thị trường nhiên liệu cổ xưa nhất thế giới này đang có nhiều dấu hiệu mua tích trữ.
Hungary thậm chí còn ban lệnh cấm xuất khẩu củi viên. Romania cũng áp trần giá củi trong 6 tháng. Trong khi đó, nhu cầu bếp củi cũng tăng mạnh khiến việc giao hàng có thể mất đến hàng tháng.
Bên cạnh lo ngại về tình trạng thiếu hụt, cuộc khủng hoảng năng lượng còn khiến chi phí sinh hoạt tăng lên. Lạm phát khu vực sử dụng đồng euro lần đầu tiên trong tháng 9 đã chạm mức 2 con số. Các hộ gia đình trên khắp châu lục đang ngày càng đối mặt với việc phải lựa chọn giữa hệ thống sưởi và các thiết bị cần thiết khác.
“Châu Âu đang quay lại ngày xưa, thời mà mọi người không thể sưởi ấm cho toàn bộ ngôi nhà. Họ phải ngồi quanh bếp lửa để sưởi ấm. Rất nhiều gia đình sẽ phải làm như vậy trong mùa đông này”, Nic Snell - Giám đốc điều hành Certainly Wood, nhà bán lẻ và bán buôn củi ở Anh - nói.
Xu hướng này khiến nhu cầu sử dụng loại bếp sưởi bằng củi của Gabriel Kakelugnar AB, một nhà sản xuất bếp của Thụy Điển. Với giá trung bình 86.000 kronor Thụy Điển (tương đương 7.700 USD), loại bếp này có thể giữ ấm cho căn phòng trong suốt 24h. Các đơn đặt hàng bếp sưởi này đã tăng gấp 4 lần và hiện người mua phải đợi đến tháng 3 mới được giao hàng, thay vì chỉ khoảng 4 tuần như năm ngoái.
Đối với nhiều người châu Âu, mối quan tâm chính của họ lúc này là làm thế nào để giữ ấm trong những tháng tới. Nỗi lo này càng trở nên cấp bách hơn khi mùa đông đang đến gần và sự tuyệt vọng về nhiên liệu sưởi có thể gây ra những vấn đề về sức khỏe, môi trường.
“Chúng tôi lo rằng người dân sẽ đốt những gì mà họ có thể để sưởi ấm” - ông Roger Sedin, người đứng đầu bộ phận chất lượng không khí tại Cơ quan Bảo vệ Môi trường Thụy Điển - lo ngại.
Ông Roger Sedin cho rằng, mức độ ô nhiễm không khí sẽ rất cao khi người dân đốt củi mà không biết cách làm thế nào cho đúng. Đó là chưa kể đến những tác hại của việc sưởi ấm bằng củi sẽ gây ra các cơn đau tim, đột quỵ và hen suyễn. Nguy cơ này đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực thành thị.
Dấu hiệu tích trữ củi đốt cũng ngày càng rõ ràng. Ở Pháp, ông Frederic Coirier - Giám đốc điều hành của Poujoulat SA, công ty sản xuất ống khói và sản xuất nhiên liệu gỗ - cho biết, một số nhà đã mua 2 tấn viên nén gỗ, trong khi thông thường một năm mỗi nhà chỉ cần mua chưa đầy một tấn là đủ.
Ông Trond Fjortoft - người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của công ty bán gỗ Na Uy Kortreist Ved - cho hay, mọi người đang rất “khát” gỗ, họ mua nhiều hơn thông thường. Thường phải đến khi trời bắt đầu trở lạnh họ mới mua, nhưng năm nay việc đặt hàng đã bắt đầu diễn ra từ tháng 6 - thời điểm Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt.
Ở Berlin, cuộc khủng hoảng khí đốt đang gợi nhớ lại điều đáng ngại sau thế chiến thứ 2. Thời điểm đó, do thiếu khí đốt nên người dân đã chặt gần như toàn bộ cây trong công viên trung tâm Tiergarden để làm củi sưởi ấm.
Mặc dù hiện người dân Berlin không đến mức tiêu cực như vậy, nhưng những lo ngại về việc thiếu nhiên liệu sưởi đang lan rộng. Ông Engelke không chỉ phải lập thêm một cổng an ninh để bảo vệ các khúc gỗ, bánh than và dầu nóng của ông, mà còn phải ngừng tiếp những khách mới vì không đủ hàng. “Chúng tôi đang rất lo lắng cho mùa đông tới”, ông Engelke nói.