Lý do khiến dân số Singapore sụt giảm lần đầu tiên sau 17 năm
Biến động kinh tế gây ra bởi đại dịch Covid-19 khiến dân số Singapore lần đầu chứng kiến sự sụt giảm sau 17 năm.
Theo số liệu từ báo cáo dân số hằng năm của Singapore, dân số quốc gia này (bao gồm công dân, người thường trú, lao động và sinh viên nước ngoài) tháng 6/2020 giảm 0,3% so với tháng 6/2019, xuống còn 5,69 triệu người. Lần sụt giảm gần nhất là năm 2003, khi số dân giảm từ 4,18 xuống còn 4,11 triệu người.
Sự cắt giảm lao động nước ngoài ở các ngành dịch vụ được cho là lý do khiến dân số sụt giảm. Số người “không thường trú” ở Singapore tháng 6 năm nay chỉ còn 1,64 triệu người, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái và là con số thấp nhất kể từ năm 2015.
“Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là những thách thức gây ra bởi dịch Covid-19, bao gồm nhu cầu suy giảm và các hạn chế đi lại”, báo cáo dân số cho biết.
Lao động nước ngoài là chủ đề quan trọng trong cuộc bầu cử năm nay ở Singapore. Nhiều ứng cử viên đối lập cho rằng, người bản địa đang mất việc làm.
Trong những tuần gần đây, Chính phủ Singapore đã có những chính sách nhằm thúc đẩy việc tuyển dụng lao động người bản địa, cũng như thắt chặt việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài.
Đầu tháng 9, Bộ Nhân lực Singapore thông báo, Chính phủ dự định chi 1 tỷ đô-la Singapore (tương đương 733 triệu USD) để khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng thêm nhân sự. Những công ty tham gia chương trình khuyến khích sẽ được hỗ trợ khoản tiền lương lên tới 15.000 đô la Singapore mỗi lao động bản địa dưới 40 tuổi, và 3.000 đô la Singapore cho các lao động trên 40 tuổi.
Tuy vậy, các quan chức nước này cũng cảnh báo, khuynh hướng dân túy có thể làm hại môi trường kinh doanh của "quốc đảo sư tử". “Chúng ta cần cẩn trọng để không tạo ra ấn tượng rằng Singapore đang đóng cửa và không còn chào đón người nước ngoài”, Thủ tướng Lý Hiển Long phát biểu.
Ngoài ra, dân số Singapore đang phải đối mặt với tình trạng già hóa nhanh chóng. Tỉ lệ người trên 65 tuổi đã tăng từ 10,1% năm 2010 lên 16,8% năm 2020. Chính phủ dự báo, con số này có thể lên đến gần 25% vào năm 2030.
Việt Hà
(theo SCMP)