Lý do khiến giá Ethereum có thể sớm đạt mốc 5.000 USD

Các chỉ báo kỹ thuật, số liệu ghi nhận trên blockchain và tình hình kinh tế vĩ mô tạo động lực cho Ethereum bứt phá.

Thị trường tiền mã hóa đang trải qua giai đoạn khó khăn khi các đồng liên tục đi ngang trong suốt một tháng qua kể từ cú sụt giảm mạnh vào ngày 4/12. Ethereum (ETH) đã giảm 20% so với mức đỉnh 4.867 USD từ hôm 10/11.

Theo nhận định của CoinTelegraph, đồng Ether sẽ lập đỉnh mới trong quý I/2022. Các yếu tố biểu đồ kỹ thuật, kinh tế vĩ mô và dữ liệu trên blockchain đang ủng hộ cho dự đoán này.

Phân tích kỹ thuật

Ethereum đang hình thành mô hình giảm (falling wedge) trên biểu đồ nến. Mẫu hình này thường được xem là dấu hiệu tăng giá. Xu hướng được xác nhận khi giá của đồng tiền này vượt ra khỏi cạnh trên của nêm.

 Biểu đồ nến của Ethereum với mô hình cái nêm giảm. Ảnh: Twitter.

Biểu đồ nến của Ethereum với mô hình cái nêm giảm. Ảnh: Twitter.

Dựa vào mức tăng trưởng trong quá khứ, mức giá dự đoán của Ether sẽ nằm ở mốc 5.000 USD.

Dữ liệu trên chuỗi

Căn cứ vào một vài chỉ báo như khối lượng đồng ETH được đẩy lên sàn, mật độ giao dịch, con số ví hoạt động, nhà phân tích có thể dự doán nhiều thông tin giúp hiểu rõ tình hình thị trường.

Trong thời gian qua, các sàn giao dịch ghi nhận tình trạng lượng Ethereum được nạp lên đang giảm dần. Tín hiệu trên cho thấy ngày càng ít các nhà giao dịch muốn mua, bán đồng tiền này và có thể họ chuyển sang nắm giữ dài hạn.

Dữ liệu thu thập được từ công ty phân tích về blockchain Glassnode cho thấy có lực rút mạnh Ether ra khỏi các sàn từ giai đoạn tháng 10/2021.

 Lượng ETH nạp lên sàn sụt giảm mạnh. Ảnh: Glassnode.

Lượng ETH nạp lên sàn sụt giảm mạnh. Ảnh: Glassnode.

Một chỉ báo khác từ Glassnode là số lượng ví Ethereum đang thực hiện giao dịch qua các sàn cũng ít dần trong 30 ngày qua, cùng lúc với sự kiện trượt giá hôm 4/12 của thị trường tiền mã hóa.

Biểu đồ này tăng cao cho thấy nhiều giao dịch được thực hiện. Thông thường điều này đồng nghĩa với việc đang tồn tại lực bán mạnh.

Số lượng ETH thuộc sở hữu của các sàn cũng là một chỉ số đáng xem xét. Theo dữ liệu từ Glassnode, tổng lượng cung Ethereum trên sàn giao dịch đã sụt giảm từ giai đoạn tháng 8/2020. Đây là thời điểm bắt đầu của chu kỳ tăng trưởng suốt 2 năm qua.

Ethereum là đồng tiền mã hóa được nhiều người ưa thích và tin tưởng đầu tư. Số lượng dự án khổng lồ và lộ trình nâng cấp lên ETH 2.0 rõ ràng là lý do khiến nhiều nhà đầu tư quyết định nắm giữ dài hạn.

Góc nhìn vĩ mô

Các quyết định từ Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (FED) được cho là yếu tố giúp thị trường tiền mã hóa hồi phục tốt trong giai đoạn qua, đặc biệt là với Ethereum.

 Lượng Ethereum do các sàn giao dịch nắm giữ giảm mạnh. Ảnh: Glassnode.

Lượng Ethereum do các sàn giao dịch nắm giữ giảm mạnh. Ảnh: Glassnode.

Cơ quan trên cho biết trong cuộc họp hôm 16/12 họ sẽ duy trì mua 120 tỷ USD tài sản mỗi tháng nhưng lại quyết định tăng lãi suất trong năm 2022 nhằm kiềm chế tình hình lạm phát.

Chính sách tiền tệ theo hướng tăng lượng cung tiền đã tạo động lực cho các nhà đầu tư chuyển dịch sang thị trường tiền mã hóa nhằm gia tăng lợi nhuận trong bối cảnh tiền pháp định ngày một mất giá.

“Động lực chính cho sự tăng trưởng cho Bitcoin (BTC) và thị trường tiền mã hóa là chính sách bơm tiền của các ngân hàng trung ương. Tiền giấy ngày càng mất giá thì cơ hội cho tiền mã hóa càng lớn. FED không đủ khả năng chống đỡ nếu thị trường cổ phiếu và trái phiếu vỡ cùng lúc”, Antoni Trenchev, giám đốc nền tảng cho vay tiền mã hóa Nexo nhận định.

Các tỷ phú cũng đưa ra nhiều nhận định tương đồng. Tỷ phú người Hungary Thomas Peterffy cho rằng các nhà đầu tư nên dành ít nhất 2-3% tài sản vào các dự án tiền mã hóa như Bitcoin và Ethereum phòng trường hợp tiền pháp định bị lạm phát cao.

Mới đây, nhà sáng lập quỹ đầu tư lớn nhất thế giới Bridgewater, tỷ phú Ray Dalio chia sẻ ông đang trữ BTC và ETH trong danh mục cá nhân nhằm hạn chế rủi ro tiền giấy bị mất giá.

Thông tin về loại coin trong bài viết không phải là lời khuyên đầu tư từ Zing News. Hoạt động đầu tư tiền số chưa được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo vệ. Các loại tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.

Quốc Tú

Theo CoinTelegraph

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ly-do-khien-gia-ethereum-co-the-som-dat-moc-5000-usd-post1287693.html