Lý do khiến ngành Văn học của Trường ĐH Văn Hiến hút thí sinh

Không phải ngành học xu hướng nhưng ngành Văn học tại Trường ĐH Văn Hiến luôn cuốn hút người học nhờ chương trình đào tạo đổi mới, đưa trang sách ra thực tiễn.

Ngành Văn học thuộc lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn, là một ngành khoa học cơ bản đã được đào tạo nhiều năm ở một số trường đại học. Để thu hút các bạn trẻ theo học ngành này, đào tạo Văn học cũng phải không ngừng đổi mới, cập nhật, mang tính ứng dụng cao.

Không chỉ khơi dậy tư duy sáng tạo, bồi dưỡng khả năng cảm thụ nghệ thuật và mở rộng những góc nhìn độc đáo về thế giới, ngành Văn học còn giúp sinh viên có định hướng về nghề nghiệp tương lai ngay trên ghế nhà trường.

Ngày càng nhiều thí sinh chọn ngành Văn học

Trao đổi cùng Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Huỳnh Thị Mai Trinh – Trưởng Bộ môn Văn học, Khoa Xã hội – Truyền thông, Trường Đại học Văn Hiến cho biết, Văn học là một trong những ngành truyền thống của nhà trường từ năm 1997 đến nay.

Ngành Văn học có đội ngũ giảng viên có học hàm và học vị đông nhất Trường Đại học Văn Hiến. Với nhiều lợi thế về chuyên môn và bề dày nghiên cứu, hiện nay, ngoài giảng dạy bậc đại học, giảng viên ngành còn giảng dạy bậc cao học và nghiên cứu sinh Văn học Việt Nam.

 Tiến sĩ Huỳnh Thị Mai Trinh – Trưởng Bộ môn Văn học, Khoa Xã hội – Truyền thông, Trường Đại học Văn Hiến (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Huỳnh Thị Mai Trinh – Trưởng Bộ môn Văn học, Khoa Xã hội – Truyền thông, Trường Đại học Văn Hiến (Ảnh: NVCC)

Cô Trinh chia sẻ, ngành Văn học vốn không phải là ngành "hấp dẫn" với nhiều thí sinh, xu hướng chọn ngành của người học hiện nay thiên nhiều về các ngành kinh tế, du lịch, kỹ thuật, công nghệ,... Đặc biệt, đối với các trường tư thục thì việc duy trì ngành này có khi phải chịu nhiều áp lực hơn.

“Tuy nhiên, giáo dục thì cần đường dài và cả tấm lòng. Chúng tôi được sự ủng hộ của lãnh đạo trường để tiếp tục công việc đào tạo. Những năm gần đây, ngành Văn học đã tuyển sinh ổn định và tăng lên. Đó cũng là dấu hiệu tốt cho ngành Văn học nói riêng và khối ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn nói chung” - Trưởng Bộ môn Văn học, Trường Đại học Văn Hiến bày tỏ.

Không như định kiến của nhiều người cho rằng ngành Văn học chỉ phù hợp cho phái nữ, ngành Văn học của Khoa Xã hội – Truyền thông, Trường Đại học Văn Hiến lại thu hút khá nhiều sinh viên nam.

Phạm Đình Trường An - sinh viên năm 2 của chuyên ngành Giảng dạy Văn học, Trường Đại học Văn Hiến cho biết: “Em lựa chọn ngành Văn học vì em cảm thấy tự tin trong lĩnh vực này. Văn học là ngành khoa học của nghệ thuật và đòi hỏi sự tư duy sáng tạo, tự do không bị gò bó. Dẫu vậy em thấy Văn học rất gần gũi với đời sống hàng ngày, ta học Văn như là ta đang học chính con người sâu thẳm bên trong mình.

Học những sáng tác trong quá khứ phần nào ta hiểu con người, thời đại, xã hội đương thời hoặc ta tìm thấy mình trong đó. Việc thấy mình trưởng thành dần qua những trang sách khiến em ngày càng được cuốn hút hơn”.

 Một tiết học của ngành Văn học, Trường Đại học Văn Hiến (Ảnh: NVCC)

Một tiết học của ngành Văn học, Trường Đại học Văn Hiến (Ảnh: NVCC)

Hướng nghiệp kết hợp thực hành nghề từ sớm

Ngoài những học phần đại cương cơ bản, ngành Văn học của Trường Đại học Văn Hiến chia ra 3 chuyên ngành cho sinh viên lựa chọn: Giảng dạy Văn học, Văn – Truyền thông, Văn – Quản trị văn phòng.

Cô Trinh bày tỏ: “Ngành Văn học tại Trường Đại học Văn Hiến đào tạo theo hướng ứng dụng, chia ra các nhóm ngành để thêm sự lựa chọn định hướng nghề nghiệp cho người học. Các môn học thuộc nhóm chuyên ngành này được thiết kế theo hướng ứng dụng ngành nghề để sinh viên được học tập và thực hành trong môi trường đại học”.

Theo cô Trinh, chuyên ngành Giảng dạy Văn học có học phần mang tính hướng nghiệp sư phạm. Các bạn được học các môn học như Phương pháp giảng dạy Ngữ văn ở trường phổ thông, Kỹ thuật tổ chức dạy học Ngữ văn, Tâm lý lứa tuổi và tâm lý học sư phạm, Công tác chủ nhiệm lớp, Nghiệp vụ sư phạm...

Chuyên ngành Văn – Truyền thông đào tạo phóng viên, biên tập viên tại các cơ quan báo chí, truyền thông đại chúng. Sinh viên sẽ học những môn học như cơ sở lý luận báo chí truyền thông, nghiệp vụ biên tập và xuất bản, tác phẩm và thể loại báo chí, kỹ năng tác nghiệp của phóng viên, quan hệ công chúng…

Văn – Quản trị văn phòng dành cho các bạn muốn trở thành nhân viên văn phòng, chuyên viên tại các cơ quan thông tin, truyền thông. Chuyên ngành được đào tạo về nghiệp vụ thư ký văn phòng và công tác văn thư lưu trữ, nâng cao kỹ năng soạn thảo văn bản, kỹ năng lễ tân, văn phòng điện tử, kỹ năng hành chính văn phòng.

Thầy Quách Tấn Khôi - cựu học sinh chuyên ngành Giảng dạy Văn học, Trường Đại học Văn Hiến, hiện đang là giáo viên tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hồng Ngọc tâm sự: “Trường Đại học Văn Hiến là một trong những trường đào tạo ngành Văn học có nhiều chuyên ngành cho tôi lựa chọn phù hợp. Tôi đã đi làm từ khi còn là sinh viên năm 4, và công việc đúng với mình chọn là giảng dạy”.

Thầy Khôi cũng cho biết nhà trường luôn khuyến khích các bạn sinh viên năm cuối chủ động tìm đến các trường phổ thông để xin thực tập. Sự chủ động sẽ giúp các bạn biết cách thức xin việc ở cơ sở như thế nào và bản thân các bạn sẽ dạn hơn. Nhà trường cũng hỗ trợ liên hệ để sinh viên có cơ hội thực tập từ năm 3.

Không gò bó, đơn điệu trong sách vở

Một trong lý do khiến học sinh, sinh viên “mất kết nối” với môn Văn là vì các bạn phải học theo lối “học vẹt”, ghi nhớ các bài văn mẫu, viết cảm nhận theo ý giáo viên thay vì suy nghĩ của riêng mình.

Tuy nhiên, xuất phát từ trải nghiệm của mình, thầy Quách Tấn Khôi cho rằng hiện nay, đào tạo Văn học trên giảng đường đại học không còn lý thuyết nhiều như lúc trước nữa, mà khiến cho người học thấy thích thú và muốn tìm tòi.

Đại học không còn giảng dạy và tiếp thu một chiều mà thay vào đó là sự tự học, tự trang bị kiến thức, giảng viên sẽ chỉ cung cấp kiến thức nền tảng, một số tài liệu mẫu. Các tiết học là sự tương tác giữa giảng viên và học viên, các học viên với nhau – buổi học thường là đặt vấn đề rồi giải quyết vấn đề đó. Đôi khi sẽ là tranh luận – phản biện lẫn nhau xây dựng ý kiến cho bài học.

Nguyễn Trọng Tính - sinh viên năm 3 chuyên ngành Giảng dạy Văn học, Trường Đại học Văn Hiến chia sẻ: “Từ thời học phổ thông, em không thích học môn Ngữ văn bởi cảm thấy nó đơn điệu, rập khuôn quá. Tuy nhiên, sau khi lên đại học, quan niệm của em về văn học đã hoàn toàn đổi khác.

Thế giới văn học thực sự quá rộng lớn và những điều em biết trước đó chỉ là một góc rất nhỏ trong bức tranh tổng thể đa diện và phức tạp. Đôi khi, Văn học khiến cho em bị choáng ngợp với những câu chuyện hàm chứa nhiều vấn đề, lớp nghĩa khác nhau”.

 Buổi sinh hoạt chuyên đề là niềm tự hào của sinh viên Văn học (Ảnh: Fanpage nhà trường)

Buổi sinh hoạt chuyên đề là niềm tự hào của sinh viên Văn học (Ảnh: Fanpage nhà trường)

Điều khiến Tính ấn tượng nhất là chương trình “Sân khấu hóa các tác phẩm văn học”. Các bạn sẽ chuyển thể tác phẩm thành kịch sân khấu, trực tiếp vào vai các nhân vật trong truyện.

“Đó là khoảng thời gian rất ý nghĩa, chúng em phải tự lên kịch bản, thuê phục trang, tập diễn với nhau… để chương trình diễn ra một cách tốt đẹp nhất. Sau này, mỗi lần có dịp nhắc lại thì đó là những ngày tháng, những kỷ niệm rất đẹp và đáng nhớ trong đời sinh viên của mỗi người học Văn” - Tính tâm sự.

 Sinh viên ngành Văn học tái hiện một trích đoạn trong Truyện Kiều (Ảnh: NVCC)

Sinh viên ngành Văn học tái hiện một trích đoạn trong Truyện Kiều (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh đó, vào tháng 5 hàng năm, sinh viên ngành Văn học, Trường Đại học Văn Hiến có hoạt động báo cáo chuyên đề thực tiễn. Sinh viên năm cuối sẽ thực hiện một sự kiện để báo cáo hiệu quả ứng dụng trong học tập của mình. Trong đó, các tọa đàm về chuyện đời, chuyện nghề Văn được khai thác.

Cô Trinh bày tỏ: “Chúng tôi thường mời nghệ sĩ, chuyên gia có ảnh hưởng đến người trẻ về trường để chia sẻ các câu chuyện kinh nghiệm về kịch bản, sự sáng tạo, nghệ thuật thuyết giảng, cách thức làm việc trên mạng xã hội và những cơ hội cho người khoa Văn.

Chúng tôi muốn sinh viên có nhiều điều kiện tiếp xúc với công việc ngoài xã hội và có cơ hội chạm đến những giá trị mà phải đi qua thử thách hoặc là rèn luyện lâu dài thì mới có được”.

 Một buổi tọa đàm Văn học với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng (Ảnh: Fanpage nhà trường)

Một buổi tọa đàm Văn học với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng (Ảnh: Fanpage nhà trường)

Mới là sinh viên năm 2 nhưng Trường An đã xác định mình sẽ trở thành một giảng viên đại học sau khi được các thầy cô truyền lửa.

Khi được hỏi về lời khuyên dành cho các bạn trẻ đam mê Văn học, Trường An chia sẻ: “Hãy chọn ngành học mà mình thực sự đam mê, đam mê mới khiến ta “chạy theo” không biết mệt, đó là nguồn năng lượng vô tận.

Bên cạnh đó ta phải học cách sống thực tế, ta sẽ làm được gì, cống hiến gì? Đừng “mơ mộng viển vông” theo cái cách mà mọi người vẫn thường “gán” cho ngành Văn học”.

Trọng Tính - người đang nuôi ước mơ trở thành nhà văn song song với công việc giảng dạy, cũng hy vọng rằng các bạn sinh viên sẽ nỗ lực, đầu tư nghiêm túc cho ngành học mà các bạn đang theo đuổi.

“Em cũng nhận thấy nhiều bạn học Văn rất là rụt rè và nhút nhát, em mong các bạn hãy mạnh dạn hơn, chấp nhận dấn thân nhiều hơn. Nếu thành công thì mình có thêm một giá trị, còn chẳng may thất bại thì mình có thêm một bài học” - Tính nhắn nhủ.

Trần Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/ly-do-khien-nganh-van-hoc-cua-truong-dh-van-hien-hut-thi-sinh-post243413.gd