Lý do khiến nữ sinh Hà Nội bồn chồn, hay khóc, phải đi khám tâm lý

Nữ sinh lớp 9, ở Hà Nội, liên tục sống trong cảnh bồn chồn không yên, khó ngủ, lo lắng, hay khóc, gia đình vội đưa đi Bệnh viện Nhi Trung ương khám tâm lý.

Bệnh nhân được đưa đến khám và điều trị tại Khoa Sức khỏe vị thành niên. Gia đình cho biết tình trạng bất ổn tâm lý của học sinh nữ này diễn ra liên tục khi kỳ thi đến gần khiến phụ huynh vô cùng lo lắng.

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Anh Vinh, Phó Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên, cho biết bệnh nhi trên được xác định có các rối loạn về tâm lý, rối loạn lo âu liên quan đến áp lực học tập căng thẳng.

Theo các bác sĩ tại đây, khoa từng tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp học sinh vào viện vì áp lực học tập, thi cử, thành tích. Nhiều bệnh nhi đến viện trong tình trạng ánh mắt đờ đẫn, mệt mỏi của thời gian dài mất ngủ, gầy sút cân, thu mình không giao tiếp...

Đơn cử một nữ sinh ở Hà Nội mới 12 tuổi, trong thời gian dài luôn chịu áp lực phải đạt vị trí đứng đầu lớp mới được vào đội tuyển học sinh giỏi. Em mệt mỏi, căng thẳng và mất ngủ, thậm chí nữ sinh này cảm thấy sợ đi học và không dám đến trường. Điều này ngày càng khiến cho bệnh nhi mất ngủ, không tập trung vào học, học lực giảm sút, rơi vào trạng thái chán nản và không còn thiết tha mọi thứ trong cuộc sống.

Theo bác sĩ Vinh, năm 2022, Khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, đã tiến hành nghiên cứu về các rối loạn tâm lý ở học sinh tại một số trường trung học cơ sở tại Hà Nội cho thấy 38% trẻ được nghiên cứu có các biểu hiện lo âu, 33% bị stress và trầm cảm là 26,1%.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong số các trẻ đến khám và điều trị vì các biểu hiện lo âu, trầm cảm và căng thẳng, nhiều em được đánh giá ngoan, có thành tích học tập khá giỏi. Những trẻ này thường hay tự tạo áp lực với bản thân mình để giữ hình ảnh với bạn bè, gia đình, thầy cô khiến trẻ nỗ lực không ngừng.

Điều này khiến trẻ dễ bị căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi thậm chí trầm cảm nhất là khi không đạt được kỳ vọng như mong muốn.

Theo bác sĩ Vinh, áp lực học tập có thể xuất phát do nhà trường, gia đình đặt nặng thành tích cho trẻ. Đôi khi chính do bản thân trẻ vì không muốn thua kém bạn bè, đặt ra những yêu cầu cao hơn so với khả năng của mình. "Điều này khiến trẻ dễ bị căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi thậm chí trầm cảm", bác sĩ Vinh cho hay.

Dấu hiệu nhận biết trẻ căng thẳng, áp lực học tập

Theo bác sĩ Vinh, trẻ căng thẳng, áp lực do học tập thường có các dấu hiệu thay đổi về tâm lý như: Căng thẳng, lo lắng, giảm hứng thú trong học tập, cô lập bản thân và không muốn giao tiếp với bạn bè và mọi người. Dần dần trẻ đánh mất niềm vui trong học tập, sợ đi học và không muốn đến trường.

Các biểu hiện cần lưu ý như mệt mỏi, mất ngủ, học kém tập trung, ăn uống kém. Nếu vấn đề này kéo dài có thể dẫn đến các rối loạn về tâm lý như lo âu, trầm cảm,… hoặc các bệnh lý về thể chất như suy nhược cơ thể, sụt cân.

Ở mức độ trầm cảm, lo âu, trẻ thường có hành vi và cảm xúc bất thường, như hay cáu gắt hoặc khóc lóc vô cớ, mệt mỏi, buồn chán, không giao tiếp với mọi người,… Trẻ có biểu hiện mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, chán ăn, bỏ ăn. Ngoài ra, trẻ hay có các triệu chứng cơ thể như đau bụng, đau đầu, đau ngực, tim đập nhanh, lo lắng quá mức, luôn trong trạng thái căng thẳng, hồi hộp.

Theo các bác sĩ, gia đình và nhà trường không nên đặt nặng thành tích quá mức để tránh các áp lực tâm lý đối với trẻ. Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Theo các bác sĩ, gia đình và nhà trường không nên đặt nặng thành tích quá mức để tránh các áp lực tâm lý đối với trẻ. Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Gia đình, nhà trường đồng hành để tránh tạo áp lực tâm lý cho trẻ

Theo các bác sĩ, gia đình và nhà trường không nên đặt nặng thành tích quá mức để tránh các áp lực đối với trẻ. Cần đánh giá đúng năng lực của trẻ để đưa ra chương trình học tập và mục tiêu phù hợp, hợp lý. Gia đình và thầy cô giáo cần gần gũi và lắng nghe trẻ để biết được mong muốn và nguyện vọng về học tập của trẻ.

Ngoài học tập, luôn đảm bảo cho trẻ được có các hoạt động cân bằng, thư giãn như tham gia vui chơi giải trí, chơi thể thao, các hoạt động dã ngoại,...

Một trong những chỉ tiêu được đặt ra trong Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 là 50% trường học thực hiện việc đánh giá phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ về bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần cho học sinh.

Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế chủ trì hỗ trợ chuyên môn cho công tác chăm sóc sức khỏe học sinh; hướng dẫn về phòng, chống các yếu tố nguy cơ và bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần, sức khỏe sinh sản ở học sinh. Nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ nhân viên y tế trường học, y tế cơ sở về các vấn đề liên quan đến sức khỏe học đường...

Minh An

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ly-do-khien-nu-sinh-ha-noi-bon-chon-hay-khoc-phai-di-kham-tam-ly-2198758.html