Lý do lần truy tố thứ tư nhằm vào ông Trump rất khác biệt với 3 lần trước
Cựu lãnh đạo Mỹ đã nói về khả năng ân xá cho bản thân nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử 2024. Ông cũng có thể bổ nhiệm một tổng chưởng lý để khép lại các vụ án liên bang còn bỏ ngỏ. Nhưng cả hai lựa chọn đó đều không khả thi ở Georgia.
Theo tờ El Pais, ông Trump và 18 bị cáo khác bị buộc tội can thiệp bầu cử ở Georgia đang phải đối mặt một trong những biện pháp cứng rắn nhất trong hệ thống tư pháp của Mỹ: RICO - luật chống tội phạm có tổ chức và gian lận.
Cựu Tổng thống Donald Trump đang phải đối mặt với một cuộc điều tra hình sự tiếp theo và là lần thứ tư ông bị truy tố. Vụ án mới nhất tập trung vào những nỗ lực của ông nhằm lật ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 ở bang Georgia và cũng là vụ việc chi tiết và sâu rộng nhất trong bốn cáo trạng chống lại cựu tổng thống Mỹ. Bản cáo trạng mới, được công bố hôm 14/8, cũng có thể trở nên gay cấn nhất. Không giống như các phiên tòa liên bang hoặc ở New York, luật pháp Georgia quy định rằng, với một số ngoại lệ, các phiên tòa sẽ được phát trên truyền hình. Điều này có nghĩa là cả nước Mỹ có thể chứng kiến ông Trump - ứng cử viên tổng thống hàng đầu trong cuộc đua giành đề cử của Đảng Cộng hòa - và các cộng sự hầu tòa ngay giữa chiến dịch bầu cử năm 2024.
Với bản cáo trạng từ Georgia, ông Trump hiện đang phải đối mặt với 91 cáo buộc từ bốn vụ án khác nhau, bao gồm từ làm giả tài liệu kinh doanh đến vi phạm Đạo luật Gián điệp. Nếu bị kết tội về tất cả các tội danh, ông sẽ phải đối mặt với hàng chục năm tù.
Bản cáo trạng ở bang Georgia có thể khiến cựu Tổng thống Trump phải trả giá đắt. Trong số tất cả các bang đã bỏ phiếu ủng hộ ông Joe Biden vào năm 2020, thất bại ở Georgia khiến ông Trump tổn thương nhiều nhất. Thứ nhất là vì ông đã thua với tỷ số quá sít sao - không đến 12.000 phiếu bầu - và thứ hai là vì ông đã thua ở một bang đã nghiêng về Đảng Cộng hòa trong 30 năm qua. Theo bản cáo trạng do công tố viên quận Fulton, Fani Willis, trình bày sau cuộc điều tra kéo dài hai năm rưỡi, những nỗ lực của ông Trump và các đồng sự nhằm lật đổ kết quả ở bang Georgia đặc biệt mạnh mẽ và để lại nhiều dấu vết.
Phiên tòa khác biệt ở Georgia
Ông Trump bị buộc tội cùng với 18 người khác với các vi phạm các luật hình sự khác nhau. Công tố viên Willis đã ràng buộc các hành vi sai trái bị cáo buộc của họ với nhau để thực hiện một trong những công cụ pháp lý khó khăn nhất dành cho các công tố viên ở Mỹ: Đạo luật chống Các tổ chức tham nhũng và tội phạm gây ảnh hưởng (RICO). Luật này ban đầu được thiết kế để nhắm vào giới mafia và các tội phạm có tổ chức khác, đồng thời áp đặt các bản án tù dài đối với những kẻ bị kết tội, với mức tối thiểu là 5 năm và tối đa là 20 năm.
Một trong những điều trớ trêu trong vụ án này là một trong các bị cáo, luật sư riêng của ông Trump và cựu thị trưởng New York, Rudy Giuliani, đã từng tự cho mình là một công tố viên cứng rắn thường xuyên sử dụng luật RICO khi ông còn là biện lý quận.
Nữ biện lý quận Willis, cũng được coi là một chuyên gia về RICO, đã cáo buộc 19 bị cáo thành lập một “tổ chức tội phạm” để tìm cách lật ngược kết quả bầu cử, giữ ông Trump ở lại Nhà Trắng.
Trước đó, ông Trump đã bị công tố viên đặc biệt Jack Smith buộc tội vì nỗ lực lật ngược kết quả liên bang của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 và bản cáo trạng đó cũng ám chỉ đến những người cộng tác với ông. Nhưng bản cáo trạng của bang Georgia còn tiến thêm một bước: nó không chỉ buộc tội ông Trump mà còn buộc tội 18 đồng phạm.
“Thay vì tuân thủ quy trình pháp lý của Georgia đối với các thách thức bầu cử, các bị cáo đã tham gia vào một tổ chức gian lận hình sự nhằm lật ngược kết quả bầu cử tổng thống của Georgia", bà Willis cho biết sau khi bản cáo trạng được công khai.
Một bản cáo trạng từ bang Georgia cũng có thể gây ra những rắc rối có thể với ông Trump trong tương lai. Cựu tổng thống đã thảo luận về khả năng ân xá cho bản thân nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2024. Với tư cách là tổng thống, ông cũng có thể bổ nhiệm một tổng chưởng lý để khép lại các vụ án liên bang còn bỏ ngỏ.
Nhưng cả hai lựa chọn đó đều không khả thi ở Georgia, nơi Tổng Chưởng lý liên bang không có thẩm quyền. Tổng thống cũng không thể ban hành lệnh ân xá trong các trường hợp cấp bang. Nhiệm vụ này thường thuộc về thống đốc. Nhưng ở Georgia, ngay cả thống đốc cũng không thể ân xá: chỉ có Hội đồng ân xá của bang mới có thể làm vậy.
Ông Trump và các đồng phạm có thời hạn đến trưa 25/8 phải ra hầu tòa. Tại phiên tòa, họ sẽ được đọc các cáo buộc chống lại mình và đưa ra lời bào chữa. Vụ án đã được giao cho Thẩm phán Scott McAfee, người mới được Thống đốc Đảng Cộng hòa Brian Kemp bổ nhiệm gần đây.
Không đối xử đặc biệt
Hiện vẫn chưa biết liệu phiên tòa tại Georgia có được truyền hình hay không, hoặc liệu có biện pháp đặc biệt nào dành cho cựu Tổng thống và các đồng phạm hay không. Trong các phiên tòa trước đây, ông Trump được phép hầu tòa mà không bị còng tay và tránh bị chụp ảnh. Tuy nhiên, cảnh sát trưởng hạt Fulton Patrick Labat trước đây đã nói rằng ông không có ý định đối xử đặc biệt với những người bị giam giữ.
Trong khi đó, ông Trump đã chủ động tấn công. Hôm 15/8, nhà cựu lãnh đạo tuyên bố vụ việc là một "cuộc săn phù thủy" để ngăn cản ông trở lại Nhà Trắng.
Ông Trump đã triệu tập một cuộc họp báo vào thứ Hai tuần tới để trình bày một báo cáo nhằm phản bác những cáo buộc về gian lận bầu cử ở Georgia nhằm vào ông.
“Sự can thiệp bầu cử duy nhất được thực hiện bởi những kẻ gian lận và đánh cắp cuộc bầu cử. Đó là những người mà bạn nên theo đuổi, chứ không phải những người vô tội đang đấu tranh cho sự liêm chính trong bầu cử!”, ông Trump đăng trên mạng xã hội Truth Social.
Cho đến nay, các đối thủ của ông Trump trong cuộc tranh giành đề cử của Đảng Cộng hòa hầu hết đã chọn cách im lặng thận trọng. Cựu thống đốc Chris Christie, nói rằng bản cáo trạng mới là “không cần thiết” vì nó chồng chéo với bản cáo trạng của công tố viên đặc biệt Jack Smith. Ông Vikram Ramaswamy, người từng nhiều lần nói rằng sẽ ân xá cho Trump nếu ông ta thắng cử, tuyên bố bản cáo trạng mới chứng tỏ sự tồn tại của một “nhà nước cảnh sát”.
Công tố viên ở Georgia đã mở cuộc điều tra sau khi một cuộc điện thoại được ghi âm giữa ông Trump và quan chức phụ trách bầu cử lúc bấy giờ của Georgia, Brad Raffensperger, cũng là một đảng viên Đảng Cộng hòa, được công khai. Trong cuộc điện đàm ngày 2/1/2021, Tổng thống khi đó là ông Trump đã gây áp lực buộc ông Raffensperger phải “tìm” cho ông 11.780 phiếu bầu, nhiều hơn một phiếu so với số phiếu mà đối thủ Biden giành được trong bang.