Lý do mùa Hè vẫn nóng dù Trái đất ở điểm viễn nhật
Nhiệt độ ở Bắc bán cầu có thể cao, nhưng vào ngày 6/7, hành tinh của chúng ta sẽ ở điểm xa nhất so với Mặt trời trong năm nay.
Đó là một sự kiện thường niên được gọi là aphelion. Đây là một thuật ngữ bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp. Cụ thể, “apo” là đi xa và “helios” là Mặt trời.
Việc hành tinh của chúng ta ở điểm xa Mặt trời nhất, trong khi con người vẫn phải chịu đựng cái nóng mùa Hè, là câu hỏi nhiều người đặt ra. Theo định nghĩa của Liên đoàn Thiên văn Quốc tế (IAU), các nhà thiên văn học coi khoảng cách trung bình giữa Trái đất và Mặt trời là một đơn vị thiên văn (AU), xấp xỉ 93 triệu dặm (150 triệu km).
Tuy nhiên, quỹ đạo elip của Trái đất quanh Mặt trời có nghĩa là mỗi năm, có một ngày Trái đất ở gần Mặt trời nhất (điểm cận nhật) và một ngày ở xa Mặt trời nhất (điểm viễn nhật). Năm nay, điểm cận nhật xảy ra vào ngày 4/1, khi Trái đất cách Mặt trời 0,98 AU. Theo nhà thiên văn học Fred Espenak, vào ngày 6/7, tại điểm viễn nhật, Trái đất sẽ cách Mặt trời 1,01 AU.
Điểm cận nhật và điểm viễn nhật được nhà thiên văn học Johannes Kepler chú ý lần đầu tiên vào thế kỷ 17. Ông đã tính toán rằng, các hành tinh có quỹ đạo hình elip quanh Mặt trời. Ông lưu ý rằng, một hành tinh di chuyển nhanh nhất khi nó ở điểm cận nhật và chậm nhất ở điểm viễn nhật. NASA giải thích, điều đó làm cho mùa Hè ở Bắc bán cầu dài hơn vài ngày so với mùa Hè ở Nam bán cầu.
Mặc dù sự khác biệt giữa điểm cận nhật và điểm viễn nhật có thể là hàng triệu dặm, nhưng nó có rất ít tác động đến nhiệt độ trên Trái đất. Nguyên nhân gây ra các mùa là độ nghiêng 23,5 độ của trục Trái đất. Điều đó có nghĩa là Mặt trời chiếu sáng ở các vĩ độ khác nhau, ở những góc khác nhau trong suốt cả năm.
Đó là độ nghiêng của trục gây ra các mùa. Vào tháng 7, Bắc bán cầu nghiêng về phía Mặt trời, nhận được toàn bộ ánh sáng chói lóa từ ngôi sao của chúng ta vào mùa Hè. Trong khi đó, Nam bán cầu bị nghiêng khỏi Mặt trời, ngày ngắn và lạnh hơn ở đó.
Điểm viễn nhật đến chỉ vài tuần sau ngày Hạ chí tháng 6. Trong khi đó, điểm cận nhật đến gần điểm chí vào tháng 12. Tuy nhiên, các sự kiện không có mối liên hệ với nhau.
Theo timeanddate.com, thời gian chính xác được gây ra bởi sự thay đổi độ lệch tâm của quỹ đạo Trái đất, khi điểm cận nhật và điểm viễn nhật trôi qua một ngày cứ mỗi 58 năm kể từ thế kỷ 13.
Theo Live Science