Lý do Mỹ không muốn cấm trên toàn cầu chất chlorpyrifos hại não trẻ em
Một loại thuốc trừ sâu bị Mỹ cấm dùng trên thực phẩm chỉ vài tháng sau khi Tổng thống Biden nhậm chức. Dù vậy, Mỹ lại vận động để chính hóa chất đó không bị cấm ở quy mô toàn cầu.
Vào ngay ngày đầu tiên sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết chính quyền của ông có kế hoạch xem xét lại quyết định tiếp tục cấp phép sử dụng chlorpyrifos, loại thuốc trừ sâu có thể gây tổn hại tới não trẻ em, được đưa ra dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Chỉ vài tháng sau đó, loại hóa chất trên chính thức bị Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) cấm sử dụng.
“Việc chấm dứt sử dụng chlorpyrifos với thực phẩm giúp đảm bảo rằng trẻ em, nông dân và mọi người được bảo vệ khỏi các mối nguy hiểm tiềm tàng từ sản phẩm thuốc trừ sâu này”, Giám đốc EPA Michael Regan nói khi thông báo quyết định tháng 8/2021. “EPA sẽ tuân theo khoa học và đặt sức khỏe và an toàn lên hàng đầu”.
Tuy vậy, khi các quan chức từ khắp thế giới tụ họp tại Rome, Italy hồi năm ngoái để cân nhắc kế hoạch cấm chlorpyrifos ở quy mô toàn cầu, chlorpyrifos lại bất ngờ được một quan chức Mỹ bảo vệ. Người đó là bà Karissa Kovner, cố vấn chính sách cấp cao của EPA.
Bà Kovner là thành viên chủ chốt của phái đoàn Mỹ tham gia các cuộc họp trong khuôn khổ Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy. Vai trò của bà Kovner cho thấy một quốc gia có thể theo đuổi các chính sách môi trường khác nhau ở quy mô nội địa và toàn cầu để đảm bảo lợi ích tối đa.
Chính sách khó hiểu
Dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, EPA ra quyết định rằng tổ chức này không thể bảo đảm chlorpyrifos an toàn cho con người, dựa trên một số bằng chứng cho thấy phơi nhiễm hóa chất trong thai kỳ có thể ảnh hưởng lâu dài tới bộ não trẻ em.
EPA khi đó bắt đầu quá trình đảo ngược quyết định cấp phép chlorpyrifos. Tuy vậy, quá trình này bị đình trệ dưới thời Tổng thống Trump. Phải đến khi ông Biden lên nắm quyền, tiến trình cấm chlorpyrifos mới hoàn thành.
Chlorpyrifos gây hại đến mức chính phủ Mỹ không chỉ cấm sử dụng mà còn cấm nhập khẩu trái cây và rau quả được phun loại thuốc này. Tuy vậy, trong cuộc họp tại Rome, bà Kovner lập luận chlorpyrifos không nguy hại đến mức cần bổ sung vào danh mục chất cấm theo Công ước Stockholm - qua đó ngăn cản mở rộng phạm vi lệnh cấm ra toàn cầu.
Một số người dự họp khẳng định động thái của bà Kovner là nguyên nhân khiến nỗ lực cấm chlorpyrifos thất bại.
“Rõ ràng bà ấy có vai trò làm chậm tiến trình, ngăn các chất được đưa vào danh sách”, bà Meriel Watts, một nhà khoa học tại New Zealand có tham dự cuộc họp, nhận xét.
Đối với nhiều chuyên gia tại hội nghị, lập trường của bà Kovner - và của chính phủ Mỹ nói chung - là ẩn số khó lý giải.
“Tôi thấy lạ khi EPA Mỹ quyết tâm ngăn cản hóa chất vào danh sách (cấm) đến vậy”, bà Pam Miller, Giám đốc điều hành tổ chức Hành động Cộng đồng chống chất độc Alaska (ACAT), chia sẻ.
Mỹ chưa phê chuẩn Công ước Stockholm, do đó chỉ có thể tham gia hội nghị với tư cách quan sát viên. Tuy nhiên, dù không có quyền bỏ phiếu, tiếng nói của các quan chức Mỹ vẫn có sức nặng đáng kể.
Theo ông David Azoulay, luật sư của Trung tâm Luật môi trường Quốc tế (CIEL), Mỹ thường tìm cách gây ảnh hưởng qua các kênh phí chính thức. “Họ rất tích cực phía ngoài hành lang”, ông nói. “Họ thường là nước phản đối các quy tắc với hóa chất”.
Trong khi đó, ở trong phòng hội nghị, đại biểu Mỹ thường đặt ra các câu hỏi chuyên môn liên quan tới bằng chứng đằng sau lệnh hạn chế, cũng như vận động để được miễn trừ.
"Tôi đại diện cho cả nước Mỹ"
Là nơi đặt trụ sở của nhiều doanh nghiệp hóa chất lớn, Mỹ đi sau thế giới trong việc cấm các hợp chất nguy hại.
EPA tuyên bố đoàn đại biểu Mỹ trong hội nghị đã ủng hộ lệnh hạn chế một số loại hóa chất. Tuy vậy, giới quan sát chỉ ra sự ủng hộ đó thường chỉ diễn ra sau khi các nước khác đồng ý thiết lập ngoại lệ với các công ty Mỹ.
“Nhiều nước đang phát triển coi (Công ước Stockholm) là cơ hội có được sự bảo vệ tốt hơn”, ông Joe DiGangi, chuyên gia về hóa chất đã nhiều lần tham dự các phiên họp của Công ước Stockholm, nói. “Mỹ thường coi đây là mối đe dọa với ngành công nghiệp của mình”.
Chỉ năm tháng sau khi Mỹ tuyên bố chlorpyrifos không được phép sử dụng trên thực phẩm, đoàn đại biểu Mỹ cùng một số quốc gia khác đặt nghi vấn về khả năng đưa chlorpyrifos vào danh mục hạn chế theo Công ước Stockholm. Nỗ lực ban đầu của họ không thành công: Các nước vẫn khởi động quá trình xem xét lệnh hạn chế loại hóa chất này.
Tuy vậy, Mỹ không bỏ cuộc. Trong cuộc họp tại Rome tháng 9/2022, bà Kovner một lần nữa đặt ra nghi vấn về tác động thực sự của chlorpyrifos. Lần này, các “tiếng nói ngược” là đủ để hội nghị chưa thể có thêm hành động.
Bà Kovner không chất vấn về sự nguy hại của chlorpyrifos nhưng đặt nhiều câu hỏi về mức độ, bà Watts hồi tưởng.
Đại diện Mỹ không đơn độc: Đoàn đại biểu Trung Quốc, Ấn Độ và đại diện ngành hóa chất nông nghiệp cũng đặt ra câu hỏi với báo cáo về mức độ nguy hại của chlorpyrifos. Cuối cùng, ủy ban về chlorpyrifos quyết định tạm thời chưa xem xét báo cáo. Quá trình hạn chế hoặc cấm hoàn toàn chlorpyrifos qua đó bị đẩy lùi một năm.
“Nếu không có hành động của Karrissa, (báo cáo) có thể đã được thông qua. Bà ấy đã ngăn chặn”, bà Watts nói.
Về phần mình, bà Kovner cho rằng những người chỉ trích đã hiểu sai công việc của bà. Theo đại diện Mỹ, các quy tắc trong Công ước Stockholm khác với quy định về hóa chất tại Mỹ. Đây cũng là lập trường của EPA nói chung.
“Dù tôi làm việc tại EPA, tôi đại diện cho cả nước Mỹ”, bà nói. “Chúng tôi chỉ là một trong nhiều bộ phận của chính phủ Mỹ”.