Lý do nào khiến Quỹ bảo lãnh tín dụng không phát triển?
TS Cấn Văn Lực cho rằng, thành lập 20 năm nay nhưng Quỹ bảo lãnh tín dụng không phát triển. Nguyên nhân là do năng lực, quy trình trách nhiệm chưa được rõ ràng, phối hợp giữa các quỹ chưa được tốt.
Thời gian qua, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều quyết sách như Chỉ thị 11, Nghị quyết 42 và Quyết định 15 từ đó làm cơ sở ra đời nhiều chính sách hỗ trợ, bao gồm gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng (hiện nay đã giải ngân trên 20.000 tỷ), gói hỗ trợ tài khóa 180.000 tỷ đồng (tính đến ngày 20/4 đã tiếp nhận hơn 24.200 hồ sơ đề nghị gia hạn thuế, tiền thuê đất), gói hỗ trợ giá điện 12.000 tỷ và gói hỗ trợ viễn thông 15.000 tỷ đồng… Cho đến nay, ngành ngân hàng đã cấp mới cho hơn 354.000 khách hàng với tổng trị giá khoảng 165.000 tỷ đồng.
Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là cộng đồng lớn nhất trong tất cả các cộng đồng doanh nghiệp, chiếm 90% trên tổng số 800.000 doanh nghiệp. Cộng đồng DNNVV lại là lực lượng nhạy cảm nhất, đầu tư nhiều ngành nghề nhất nên đòi hỏi sự tập trung cao độ của Chính phủ. Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn để chi trả tiền lương cho công nhân và phục hồi sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn còn rất lớn.
Trước tình hình trên, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần tăng cường nguồn lực về con người và tài chính cho các Quỹ Hỗ trợ DNNVV và đặc biệt là các Quỹ bảo lãnh tín dụng. Hiện cả nước có 28 Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV, chủ yếu do địa phương dùng ngân sách của mình để thành lập. Đây là số tiền quá nhỏ so với nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Do vậy, việc cải tổ các Quỹ bảo lãnh tín dụng là vô cùng cấp thiết. Chính phủ cần phải xem xét làm sao để có nhiều nguồn lực về tài chính; các thủ tục về bảo lãnh vay phải đơn giản hơn.
Nói về việc giải bài toán nguồn vốn cho các doanh nghiệp thông qua Quỹ bảo lãnh tín dụng, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính ngân hàng cho hay, đây cũng là một hướng đi nhưng muốn làm được việc này đòi hỏi thời gian để nâng cao năng lực về cả nguồn nhân lực, tài chính công nghệ của các quỹ này. Khi đó, bài toán bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn có thể giải.
Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực cho rằng, thành lập 20 năm nay nhưng Quỹ bảo lãnh tín dụng không phát triển. Nguyên nhân là do năng lực, quy trình trách nhiệm chưa được rõ ràng, phối hợp giữa các quỹ chưa được tốt.
“Mặt khác, tôi nghĩ rằng cũng cần phát huy tốt hơn quỹ phát triển DNNVV, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi xướng từ 2004 đến bây giờ. Năm trước, Chính phủ đã sửa lại những quy định để đảm bảo quỹ này tốt hơn, tôi hy vọng quỹ này sẽ phối hợp tốt hơn nữa với ngân hàng thương mại để thúc đẩy dòng vốn tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa” - vị chuyên gia tài chính nêu giải pháp.
Bộ Tài chính cho biết, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại địa phương được thành lập và triển khai từ năm 2001 theo Quyết định số 193/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo thống kê, tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV theo mô hình hoạt động độc lập hoặc ủy thác cho Quỹ tài chính nhà nước tại địa phương với tổng nguồn vốn là 1.450,6 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách địa phương cấp là 1.288,8 tỷ đồng, vốn góp của các tổ chức, hiệp hội ngành nghề là 171,8 tỷ đồng).
Nhưng theo Bộ Tài chính, quy mô của quỹ còn nhỏ do nhiều địa phương chưa có nguồn lực để bố trí vốn điều lệ cho quỹ; năng lực tài chính, quản trị điều hành các quỹ còn hạn chế. Cùng với đó, quy trình nghiệp vụ trong công tác thẩm định hồ sơ, kiểm tra, giám sát, thu hồi các khoản nhận nợ bắt buộc còn chưa hoàn thiện; một số DNNVV chưa đủ điều kiện để được cấp bảo lãnh, hạn chế về công tác kế toán, năng lực tài chính, quản trị rủi ro...; sự phối hợp giữa một số quỹ và các ngân hàng thương mại còn chưa chặt chẽ, thiếu hiệu quả.