Lý do người bệnh ung thư bị nổi ban, nhiễm trùng sau xạ trị
Người nhà tôi bị ung thư vòm họng phải xạ trị. Tuy nhiên, sau một thời gian, vùng da bị chiếu xạ khô rát, nổi ban đỏ gây khó chịu. Vậy nguyên nhân và cách xử trí như thế nào? (Trần Hoàng Nguyên, TP.HCM)
Theo bác sĩ Huỳnh Thị Công Nhận, Khoa Ngoại, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, tình trạng trên có thể là viêm da xuất hiện ở bệnh nhân ung thư phải xạ trị. Viêm da do xạ trị có nhiều mức độ, từ nhẹ đến nặng. Người bệnh có thể bị loét sâu, nhiễm trùng, gián đoạn thời gian xạ trị.
Bác sĩ Nhận dẫn chứng, một bệnh nhân 59 tuổi bị ung thư thanh quản, được điều trị bằng hóa và xạ trị xen kẽ. Sau khi xạ trị 30 tia, người bệnh đau rát da, nổi hồng ban, bong vảy ướt và trợt da ở vùng điều trị, loét da vùng môi. Bác sĩ xác định, tình trạng viêm da của bệnh nhân ở mức độ 3.
Thống kê cho thấy, 90% bệnh nhân phải điều trị chiếu xạ có tình trạng viêm da; 20-45% trong số này bị viêm da mức độ nặng.
Với tình trạng cấp tính, bệnh nhân sẽ xuất hiện hồng ban thoáng qua hay lan tỏa, khô da, rụng lông, bong vảy da trong vòng 90 ngày từ lúc bắt đầu, hoặc 10-14 ngày sau khi bắt đầu điều trị.
Nếu tình trạng teo da, phù nề, xơ hóa, rối loạn sắc tố hoặc hoại tử da bùng phát sau 90 ngày từ khi kết thúc điều trị, bệnh nhân đã ở vào giai đoạn viêm da mạn tính.
Bác sĩ lý giải, xạ trị kích hoạt các tế bào miễn dịch tại chỗ và làm mất cân bằng quá trình chống oxy hóa, giảm tế bào mast (tế bào miễn dịch chống chất gây dị ứng) ở lớp bì của da. Tia xạ gây tổn thương mô trực tiếp, làm ion hóa nước, sản sinh ra các gốc tự do và gây viêm. Các tế bào tiếp xúc với bức xạ hằng ngày trong 4-7 tuần, khiến tình trạng trên bị thúc đẩy mạnh hơn.
Mỗi bệnh nhân có mức độ viêm da sau xạ trị khác nhau, phụ thuộc nhiều yếu tố. Nếu can thiệp trễ, viêm da diễn tiến nặng, bệnh nhân có thể bị loét sâu, nhiễm trùng, làm gián đoạn xạ trị, thậm chí dẫn đến tử vong.
Về điều trị, bác sĩ da liễu sẽ chăm sóc da theo triệu chứng, điều trị nhiễm trùng thứ phát. Người bệnh cần giữ vùng da điều trị sạch và khô, mặc quần áo vừa vặn giúp tránh cọ sát với da...
Bệnh nhân cần tắm rửa với nước ấm và xà phòng nhẹ (có độ pH từ 4-6), tránh các chất kích ứng da (như nước hoa, mỹ phẩm, nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh), tránh dùng bột ở các nếp da, phơi nắng vùng da điều trị; không được cạo râu ướt và nên dùng dao cạo điện; dưỡng ẩm da kể cả vào những ngày không chiếu xạ.