Lý do người chăn nuôi 'né' vắc xin dịch tả lợn châu Phi
Vắc xin dịch tả lợn châu Phi đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt và đưa vào tiêm thương mại gần nửa năm nay. Nhưng điều nghịch lý, số lượng hộ sử dụng vẫn rất nhỏ giọt trong khi dịch bệnh đang bùng phát mạnh trở lại.
Lo hiệu quả chưa cao
Chia sẻ với Tiền Phong, ông Nguyễn Quang Sáng (xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) cho biết, gia đình ông làm nghề nuôi lợn gần 20 năm nay. Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi càn quét qua địa bàn khiến gia đình thiệt hại nặng nề. Đến nay, gia đình ông vẫn duy trì tổng đàn với gần 300 con lợn thịt và vài chục con nái.
Mấy tháng gần đây, xã Đông Tảo liên tục thông báo phát hiện dịch tả lợn tại một số hộ trên địa bàn. Tuy nhiên, ông Sáng cho biết gia đình vẫn chưa dám tiêm vắc xin cho lợn. Dù đã được công ty thuốc thú y chào mời ngay từ khi đưa vắc xin ra bán trên thị trường, nhưng một số hộ thử nghiệm trước nhận hiệu quả vắc xin chưa cao nên gia đình cũng thận trọng.
“Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện 100 năm nay, ở các nước châu Âu và Trung Quốc nghiên cứu còn chưa được nên chúng tôi không dám mang tài sản của mình ra đánh đổi. Chưa kể, nếu tiêm vắc xin không đúng chủng nòi, chúng tôi lo dịch tả lợn có thể tiếp tục lây lan. Nếu các doanh nghiệp đứng ra cam kết khi tiêm vắc xin nếu có vấn đề gì sẽ chịu trách nhiệm thì bà con mới tin tưởng”, ông Sáng chia sẻ.
Ông Lê Minh Hiền (xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cho biết, trên địa bàn xã, dịch tả lợn châu Phi đang tái phát phức tạp. Người dân đang thấp thỏm khi liên tục phát hiện, và tiêu hủy hàng chục con lợn nhiễm bệnh. Nhưng đến nay, rất ít gia đình vẫn chưa tiêm vắc xin dù Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện liên tục khuyến cáo.
Theo ông Hiền, đợt trước có một vài hộ dân trong xã tiêm vắc xin nhưng do hiệu quả chưa cao, có trường hợp lợn tiêm xong vẫn nhiễm bệnh bình thường nên đã dừng. Nhiều hộ trong xã thấy vậy nên cũng không dám theo. Đặc biệt, giá vắc xin dịch tả lợn châu Phi đang khá đắt, khoảng 35.000 đồng/liều.
“Giá lợn hơi đang ở mức thấp, người nuôi lợn mấy năm nay thua lỗ liên tục. Chưa kể, chỉ riêng vắc xin hiện chúng tôi phải tiêm nhiều loại khác nữa như tai xanh, lở mồm long móng, nên với mức giá này, hầu hết ai cũng e ngại”, ông Hiền nói.
Trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo Phòng Chăn nuôi, huyện Văn Giang (Hưng Yên) cho biết, trên địa bàn huyện hiện có khoảng 200 hộ và trang trại nuôi lợn với số lượng khoảng 38.000 con. Sau khi UBND huyện thông báo chủ trương tiêm phòng dịch tả lợn châu Phi, đơn vị đã cử lực lượng đến tận xã tuyên truyền về kế hoạch vận động người dân trên địa bàn tiêm cho đàn lợn. Mấy tháng qua số hộ tiêm vắc xin dịch tả lợn châu Phi đếm trên đầu ngón tay. “Cả huyện mới chỉ có vài ba hộ tiêm, nhưng đến nay cũng đã tạm dừng do hiệu quả chưa được như mong muốn”, vị này cho hay.
Theo vị này, lý do khiến tỷ lệ đăng ký tiêm vắc xin dịch tả lợn châu Phi của người chăn nuôi đang khiêm tốn do đây là vắc xin mới và hiện chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ cũng như hỗ trợ trường hợp xảy ra rủi ro sau tiêm phòng, dẫn tới người chăn nuôi còn băn khoăn.
Nguy dịch tả lợn châu Phi lây lan diện rộng
Ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Thú y, Bộ NN&PTNT - cho biết, hiện nước ta đã có 2 loại vắc xin dịch tả lợn châu Phi được đăng ký và cấp giấy chứng nhận lưu hành theo đúng quy định của Luật Thú y, cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật của quốc tế. Để đưa các loại vắc xin triển khai tiêm thương mại, các DN trải qua quy trình kiểm tra, cấp phép nghiêm ngặt. Trong suốt quá trình sử dụng, kết quả cho thấy lợn được phát triển bình thường và đáp ứng miễn dịch bảo hộ đạt trên 93,5%.
Theo lãnh đạo Cục Thú y, trong 10 tháng, cả nước đã xảy ra 481 ổ dịch tại 22 tỉnh, thành phố, phải tiêu hủy hơn 18.000 con lợn. Nhiều tỉnh dịch bệnh trầm trọng và dai dẳng như Lạng Sơn, Sơn La, Cao Bằng, Đắk Lắk...Hiện cả nước còn 107 xã ở 23 tỉnh có dịch chưa qua 21 ngày.
“Nguy cơ dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao do chăn nuôi nông hộ của nước ta vẫn chiếm tỉ lệ lớn, không đảm bảo các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Đặc biệt, việc buôn bán, vận chuyển lợn, giết mổ lợn bệnh, cũng như tình trạng không báo cáo theo đúng quy định còn diễn ra nhức nhối ở một số địa phương, DN và người chăn nuôi…”, ông Long nói.
Vị này cũng thừa nhận số lượng sử dụng còn hạn chế do một số địa phương, chủ nuôi lợn chưa thực sự quan tâm, còn tâm lý e ngại chưa tiêm cho đàn lợn. Do đó, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đề nghị các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ về hiệu quả của vắc xin.