Lý do nhân viên Mỹ không quay lại văn phòng

Người lao động Mỹ không quay lại văn phòng làm việc vì mất thời gian di chuyển, chi phí thuê người chăm sóc trẻ đắt đỏ.

 Nhiều người Mỹ từ chối quay lại văn phòng, thậm chí nghỉ việc nếu công ty không chấp nhận làm việc từ xa. Ảnh: Forbes.

Nhiều người Mỹ từ chối quay lại văn phòng, thậm chí nghỉ việc nếu công ty không chấp nhận làm việc từ xa. Ảnh: Forbes.

Vào thời điểm các nhà hàng, máy bay và sân khấu hòa nhạc chật kín người, những tòa nhà văn phòng giữa trung tâm thành phố vẫn “vắng bóng” nhân viên.

Chia sẻ với The Wall Street Journal, hơn 10 nhân viên cho biết họ chưa từng nghĩ đến trường hợp quay trở lại công việc văn phòng 5 ngày/tuần, ngay cả khi họ đang bỏ lỡ cơ hội phát triển nghề nghiệp hoặc nằm trong danh sách sa thải của công ty.

Theo cuộc khảo sát được công bố vào tháng 5/2023 với hơn 200 giám đốc điều hành bất động sản, tỷ lệ các công ty có kế hoạch duy trì việc đi làm tự nguyện thay vì bắt buộc đang giảm xuống. Khảo sát được thực hiện bởi một trong những công ty quản lý văn phòng lớn nhất của Mỹ.

Nhiều nhà quản lý cho biết văn hóa doanh nghiệp bị phân mảnh khi mất gắn kết giữa các nhân viên. Họ đặt mục tiêu đưa người lao động trở lại văn phòng vào cuối năm 2023. Một trận chiến ý chí có thể ở phía trước. Trong khi nhà lãnh đạo mong đợi sự hợp tác trực tiếp, nhân viên lại không muốn từ bỏ sự linh hoạt.

Vấn đề chi phí và thời gian

Người lao động mất đặc quyền làm việc từ xa cho biết họ chi hàng trăm, thậm chí hàng nghìn USD mỗi tháng cho các bữa ăn, đi lại và chăm sóc con cái.

 Christos Berger cùng chồng và hai con gái. Ảnh: Micah Cook.

Christos Berger cùng chồng và hai con gái. Ảnh: Micah Cook.

Christos Berger (25 tuổi), trợ lý cho vay thế chấp, sống ở ngoại ô thủ đô Washington, ước tính chi 2.100 USD cho việc chăm sóc trẻ và 450 USD tiền xăng hàng tháng khi cô đang làm việc 3 ngày/tuần tại văn phòng.

Vợ chồng Berger cùng lên kế hoạch cho nhiệm vụ nuôi dạy con cái khi họ ở xa. Chi phí của cuộc sống văn phòng khiến cô phải suy nghĩ về một yêu cầu lớn - được phép làm việc toàn thời gian tại nhà.

“Các công ty đang khuyến khích bạn phải có mặt lúc tối muộn và cuối tuần. Tôi cảm thấy nhà tuyển dụng không xét đến nhu cầu dành thời gian cho gia đình của nhân viên”, cô chia sẻ.

Rachel Cottam (31 tuổi), trưởng phòng nội dung của công ty công nghệ, làm việc toàn thời gian tại nhà gần thành phố Salt Lake.

Cô từng là giáo viên trung học, dành cả tuần trong lớp học. Hồi đó, vợ chồng cô chi 100 USD cho việc chăm sóc con cái và 70 USD tiền xăng mỗi tuần. Bây giờ họ có thể tiết kiệm số tiền đó.

Cottam còn thông báo cho công ty bảo hiểm xe hơi của mình rằng cô không còn đi làm nữa và họ đã giảm vào hóa đơn 5 USD/tháng. Những người bạn bị “triệu tập” đến văn phòng nói với Cottam rằng về chi phí cà phê, bữa trưa và đồ làm đẹp đều tăng thêm.

Quãng đường đi làm càng dài, khả năng nhân viên quay lại văn phòng càng thấp.

Ryan Koch sống tại thành phố Berkeley, bang California, đến công ty của mình ở thành phố San Francisco 2 ngày/tuần theo yêu cầu vào cuối năm 2022. Sau đó, anh cảm thấy việc đi lại đến văn phòng thật vô nghĩa. Anh nói: “Tôi có thể tham gia các cuộc họp bằng cách thực hiện cuộc gọi video”.

Chi phí đi lại cao, mất nhiều thời gian, năng suất thấp là lý do người lao động Mỹ ngại đến văn phòng làm việc. Ảnh: LinkedIn.

Chi phí đi lại cao, mất nhiều thời gian, năng suất thấp là lý do người lao động Mỹ ngại đến văn phòng làm việc. Ảnh: LinkedIn.

Jess Goodwin (36 tuổi), chuyên gia tiếp thị truyền thông, từ chối lời đề nghị chuyển từ làm việc tự do sang làm toàn thời gian vào đầu năm nay.

Cô tính toán rằng việc đi tàu điện ngầm từ Brooklyn đến Midtown Manhattan sẽ tiêu tốn hơn 150 giờ mỗi năm, chưa kể thời gian chuẩn bị trước khi đi làm.

Goodwin đang chờ một đề nghị tốt hơn đi kèm với “chính sách hào phóng” và phương tiện đi lại thuận tiện, chẳng hạn như không tăng số ngày phải đến cơ quan.

Yếu tố chủ quan

Meghan Skornia (36 tuổi), một nhà quy hoạch đô thị, có con trai 18 tháng tuổi. Khi đang tìm kiếm công việc mới vào năm 2022, cô thẳng tay loại bỏ các cơ hội việc làm có các chính sách nghiêm ngặt tại văn phòng. Nếu được giao những nhiệm vụ như vậy, cô sẽ cân nhắc việc trở thành nhà tư vấn độc lập.

Sau đó cô chọn công ty ở thành phố Portland, bang Oregon, nơi yêu cầu làm việc một ngày mỗi tuần tại văn phòng, nhưng không quy định ngày nào. Chế độ này cho phép cô dành thời gian với con trai và sắp xếp các nhiệm vụ của mình.

Skornia nói: “Nếu ở văn phòng 5 ngày/tuần, tôi sẽ không thể gặp con trai mình, trừ những ngày cuối tuần”.

Đối với nhiều người, đến văn phòng đồng nghĩa với việc phải đeo “mặt nạ” để hòa nhập.

Kenneth Thomas (42 tuổi) cho biết anh đã rời bỏ công việc vào mùa hè năm 2021 khi công ty nhất quyết yêu cầu trở lại làm việc toàn thời gian.

Thomas, người tự mô tả mình là một người đàn ông da đen, chia sẻ việc người khác nhìn nhận mình khiến ngày làm việc ở văn phòng trở nên mệt mỏi. Các chuyên gia da màu khác cũng nói với anh rằng họ cảm thấy bị cô lập tại nơi làm việc.

Công việc hiện tại của anh, thủ quỹ của công ty năng lượng xanh, cho phép anh làm việc từ xa 2 hoặc 3 ngày một tuần.

Anh nói: “Khi làm việc ở nhà, tôi được giải phóng tinh thần”.

Hồng Hạnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ly-do-nhan-vien-my-khong-quay-lai-van-phong-post1436387.html