Lý do nhiều đời Tổng thống Mỹ khao khát đảo Greenland?

Trước thềm lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ thứ 47 của ông Donald Trump, dư luận thế giới xôn xao trước việc ông Trump đề xuất mua lại đảo Greenland. Nhìn lại lịch sử, ông Trump không phải lãnh đạo đầu tiên của Mỹ đề cập đến ý tưởng này.

Nhiều Tổng thống muốn mua lại Greenland

Theo hãng tin Sky News, Tổng thống đắc cử Donald Trump không phải người đầu tiên nêu ra ý tưởng mua lại Greenland, hòn đảo lớn nhất thế giới, hiện đang là lãnh thổ tự trị của Đan Mạch.

Trước đó vào năm 1867, sau khi mua vùng đất Alaska rộng lớn từ Nga, Tổng thống Andrew Johnson đã để mắt đến Greenland và Iceland, hai hòn đảo nằm gần Bắc Cực, ngoài khơi Bắc Đại Tây Dương.

Nhiều đời chính quyền Tổng thống Mỹ đã khao khát mua lại đảo Greenland. (Ảnh: CNN)

Nhiều đời chính quyền Tổng thống Mỹ đã khao khát mua lại đảo Greenland. (Ảnh: CNN)

Trong "Báo cáo về tài nguyên của Iceland và Greenland" được gửi tới Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ William H. Seward năm 1868 có đoạn: "Sau khi chúng ta đàm phán với Đan Mạch để mua lại các đảo St. John và St. Thomas ở vùng Caribe, ý tưởng mua lại Iceland và Greenland đáng được cân nhắc nghiêm túc".

Báo cáo nhấn mạnh những lợi thế khổng lồ về địa chiến lược, tài nguyên thiên nhiên, lợi thế tạo dựng các tuyến hàng hải thương mại và tuyến điện báo liên đại dương độc lập nếu giành được đảo Greenland.

Vào năm 1910, chính quyền Tổng thống William Taft cũng có động thái tương tự. Trong đó, đại sứ Mỹ tại Đan Mạch Maurice Francis Egan đã thay mặt chính phủ Mỹ gửi đề xuất tới Đan Mạch.

Bản đề xuất nêu rõ, Đan Mạch trao đảo Greenland cho Mỹ, đổi lại Mỹ sẽ phải trao cho Đan Mạch nhóm đảo phía Nam Philippines, bao gồm quần đảo Mindanao, Palauan và các đảo nhỏ, nhưng cuối cùng không được thông qua.

Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, Mỹ đã chiếm đóng Greenland để ngăn chặn lực lượng khác tiếp cận nơi này. Đến năm 1946, chính quyền Tổng thống Harry Truman đã đề nghị trả cho Đan Mạch khối lượng vàng thỏi trị giá 100 triệu USD thời bấy giờ để mua lại đảo Greenland nhằm phục vụ nhu cầu quân sự.

Thỏa thuận năm 1951 giữa Mỹ và Đan Mạch đã thiết lập khu vực phòng thủ chung của hai nước tại Greenland, dựa trên khuôn khổ hợp tác Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại tây Dương NATO.

Đặc biệt, trước đó từ năm 2016 đến năm 2019, chính quyền của ông Trump được cho là đã nghiên cứu kỹ về ý tưởng mua lại Greenland.

Vùng đất chiến lược quan trọng

Khi nhìn Trái Đất từ vòng cực Bắc, dễ thấy những quốc gia trong khu vực này có khoảng cách rất gần nhau. Trong đó có khả năng hình thành một hành lang thương mại nối thông Đại Tây Dương và Thái Bình Dương qua Bắc Băng Dương do sự nóng lên của toàn cầu.

Vị thế nằm tại vùng cực Bắc của Greenland còn củng cố vị thế chiến lược của Mỹ tại vùng cực Bắc và Tây bán cầu, bởi Greenland nằm dọc theo tuyến đường ngắn nhất từ châu Âu đến Bắc Mỹ, cực kỳ quan trọng đối với hệ thống cảnh báo tên lửa đạn đạo của Mỹ.

Ngoài ra, Greenland còn là cửa ngõ quan trọng cho tàu hải quân và tàu ngầm hạt nhân Nga đi ra các đại dương khác. Chính vì vậy từ lâu, Mỹ luôn quan tâm mở rộng hiện diện quân sự tại khu vực này, trong đó có kế hoạch lắp đặt radar kiểm soát vùng biển giữa Greenland, Iceland và Anh.

Thực tế Greenland đã có căn cứ quân sự Mỹ kể từ sau thỏa thuận giữa Mỹ và Đan Mạch vào năm 1951.

Về tài nguyên thiên nhiên, Greenland có trữ lượng khoáng sản, dầu khí tự nhiên khổng lồ. Theo Reuters, cuộc khảo sát năm 2023 của Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy Greenland sở hữu ít nhất 25 trong số 34 khoáng sản được coi là nguyên liệu thô quan trọng, bao gồm than chì, lithium và đất hiếm, vốn là những nguyên liệu không thể thiếu trong sản xuất xe điện.

Tuy nhiên, Greenland hiện cấm khai thác dầu khí tự nhiên vì lý do môi trường, trong khi thủ tục rườm rà và sự phản đối của người dân bản địa đã cản trở ngành khai khoáng phát triển.

Do đó, nền kinh tế của Greenland phụ thuộc vào đánh bắt cá, chiếm hơn 95% kim ngạch xuất khẩu. Hòn đảo cũng nhận trợ cấp hàng năm từ Đan Mạch, chiếm khoảng 50% ngân sách công.

"Greenland không muốn trở thành người Đan Mạch hay người Mỹ"

Dù giá trị lợi ích của Greenland là hết sức to lớn nhưng để Mỹ giành được quyền kiểm soát hòn đảo chưa phải là điều dễ dàng.

Ông Ulrik Pram Gad, chuyên gia cao cấp về Greenland khẳng định hòn đảo luôn cố gắng có thêm quyền độc lập tự trị từ Đan Mạch, nhưng không có nghĩa người dân Greenland muốn chuyển sang trực thuộc quyền kiểm soát của một quốc gia khác.

Tuy vậy, trong bài phát biểu tuần qua, ông Trump úp mở việc Mỹ có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế về quân sự hoặc kinh tế để cố gắng giành quyền kiểm soát đảo Greenland và kênh đào Panama.

Phản ứng trước động thái của ông Trump, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết bà không tin Mỹ sẽ sử dụng sức mạnh quân sự hoặc kinh tế để giành quyền kiểm soát Greenland.

"Greenland không phải để bán. Chúng ta cần bình tĩnh, tuân thủ mọi nguyên tắc", bà Frederiksen nói thêm.

Trong khi đó mới đây, vào ngày 10/1, tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen, người đứng đầu đảo Greenland Mute Egede tái khẳng định tham vọng độc lập khỏi Đan Mạch, tuyên bố người dân Greenland không muốn trở thành người Đan Mạch hay người Mỹ.

"Greenland là của người dân Greenland. Chúng tôi không muốn trở thành người Đan Mạch, chúng tôi cũng không muốn trở thành người Mỹ. Chúng tôi tin rằng mong muốn độc lập, sống trong ngôi nhà của riêng mình là điều hiển nhiên ai trên thế giới cũng hiểu rõ", ông Egede tuyên bố, khẳng định sẽ sớm tổ chức bỏ phiếu giành độc lập.

Lãnh đạo Greenland cũng bày tỏ sẵn sàng đối thoại với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, cam kết luôn hợp tác với Mỹ trong tương lai.

Từ đầu thế kỷ XIX đến những năm 1950, Greenland là lãnh thổ nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Đan Mạch. Trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, hòn đảo bị Mỹ chiếm đóng. Hiện tại, hòn đảo này có một căn cứ quân sự của Mỹ và hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo.

Greenland giành được quyền tự trị từ Đan Mạch vào năm 1979, dù các chính sách quốc phòng và đối ngoại của hòn đảo vẫn do Copenhagen quyết định.

Khoảng 80% hòn đảo được bao phủ bởi một lớp băng dày và hai phần ba lãnh thổ nằm trong khu vực Bắc Cực.

Lưu Gia Huy

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ly-do-nhieu-doi-tong-thong-my-khao-khat-dao-greenland-192250112163541245.htm