Lý do nô lệ tình dục ở Tây Ban Nha không dám báo cảnh sát
Những kẻ kiểm soát nô lệ tình dục ở Tây Ban Nha bằng cách dọa giết người thân của họ ở quê hương, nên chúng không cần nhốt hay theo dõi họ.
Hai cô gái đĩnh đạc và có tài hùng biện, mặc như sinh viên với quần bò và giày thể thao, đã phải trải qua quãng đời tồi tệ với thân phận nô lệ bán dâm ở Tây Ban Nha.
Maria, với thân hình nhỏ nhắn, giọng nói nhẹ nhàng, mái tóc nâu buộc đuôi ngựa, theo một người đàn ông mà cô tin tưởng đến Tây Ban Nha từ Romania. Cô gái nghĩ đang đi du lịch với bạn trai mới. Thay vào đó, anh ta chở cô qua biên giới bằng thẻ cư trú Liên minh châu Âu và trong vòng 24 giờ, cô đã đứng trên đường phố để bán dâm.
"Biến cố xảy ra quá nhanh. Không từ nào có thể mô tả cảm giác sốc trong thời gian quá ngắn. Cú sốc và cảm giác đau đớn đẩy tôi vào chế độ sinh tồn. Tôi không có thời gian để nhận ra thảm họa đã xảy ra với mình", Maria kể.
Cô gái từ Romania đã bán dâm trong 8 tháng ở các góc phố, trong nhà thổ và những ngôi nhà xa lạ. "Tôi còn sống, nhưng không thực sự tồn tại. Không ai trong những người đàn ông đã trả tiền để quan hệ, hỏi liệu tôi có còn lựa chọn hay không, hay liệu tôi muốn bán dâm hay không. Họ không hề quan tâm”, cô nói.
Kiểm soát nô lệ tình dục
Bọn ma cô nói Maria sẽ phải trả khoản nợ 20.000 euro trước khi có thể về nhà. Theo cô, với phụ nữ Romania, những kẻ buôn người đe dọa chúng sẽ giết mẹ, em gái hoặc con của họ nếu không trả hết nợ.
"Mọi người luôn hỏi tại sao tôi không chạy trốn hay đến gặp cảnh sát? Nhưng họ không hiểu tình hình. Bạn không thể chặn một người ngẫu nhiên trên đường và yêu cầu giúp đỡ, vì người thân của bạn có thể bị giết. Có những cảnh sát ở Romania tham nhũng. Bạn nghĩ xem tình hình ở đây có thể khác không?", Maria bình luận.
Lời hứa về sự tự do khi nạn nhân trả hết nợ hầu như luôn là lời nói dối. Maria nói trong suốt thời gian chịu sự kiểm soát của những kẻ buôn người, cô phải nộp hàng trăm khoản phí nhỏ, từ tiền mua quần áo, thuê góc làm việc, mua bao cao su và khăn vệ sinh. Nếu không mang đủ tiền về, chúng sẽ không cho ăn hoặc đánh cô.
Khoản nợ không phải là chiếc khóa, nhưng chúng hoạt động theo cùng một cách. Maria kể một số kẻ buôn người buộc phụ nữ phải cấy ghép ngực và mặc dù chi phí phẫu thuật khoảng 3.000 euro, chúng nói họ phải trả 10.000 euro. Marcella buộc phải đồng ý. Bọn tội phạm lừa cô từ quê hương Brazil sau khi nộp đơn xin học thạc sĩ ở Tây Ban Nha, khóa học hóa ra không tồn tại. Chúng ép Marcella bán dâm ngay sau khi bắt cô từ sân bay. “Nếu Apramp (tổ chức chuyên hỗ trợ nô lệ tình dục ở Tây Ban Nha) không tìm thấy, tôi nghĩ mình đã chết”, cô nói.
Tham gia cuộc chiến chống kẻ buôn người
Không chỉ sống sót, Marcella còn có thể giúp những người cùng cảnh ngộ. Đó là một phần thiết yếu trong quá trình hồi phục của cô. "Mafia bắt cóc và phá hủy toàn bộ danh tính của tôi. Bây giờ, tôi đang lấy lại thăng bằng, nhưng không bao giờ có thể quên quá khứ. Công việc này thực sự hữu ích, vì nó sẽ giúp tôi quên", cô thổ lộ.
Hai cựu nô lệ tình dục Maria và Marcella đã giúp hàng chục phụ nữ và trẻ em gái thoát khỏi những kẻ buôn người. Quá trình giải cứu có thể kéo dài hàng tháng, đôi khi hàng năm.
Sau đó, Apramp tìm cho những người phụ nữ một nơi nào đó an toàn để sống, đưa ra lời khuyên và hỗ trợ pháp lý, đồng thời giúp họ tìm việc làm. Marcella nói: “Chúng ta phải cho cựu nô lệ tình dục thấy cuộc sống của họ có giá trị trở lại”.
Rocio Mora, người đồng sáng lập và giám đốc của Apramp, bước vào phòng, ôm Maria và Marcella, những người chuẩn bị bắt đầu ca làm việc buổi chiều. “Những người thực sự hiểu thứ chúng ta đang đối mặt là những người sống sót,” cô nói.
Cao ráo và trang nhã, Rocio Mora là một trong những nhà hoạt động chống buôn người nổi tiếng của Tây Ban Nha. Theo bà, thực trạng mà Tây Ban Nha đang phải đối mặt là sự vi phạm rất lớn các quyền cơ bản của phụ nữ và trẻ em gái. Bất cứ người nào đang nghĩ phần lớn phụ nữ hành nghề mại dâm ở Tây Ban Nha làm việc đó một cách tự nguyện là đang tự huyễn hoặc bản thân.
“Ngành mại dâm ở Tây Ban Nha thu lợi từ việc bán những phụ nữ đang chịu kiểm soát và bóc lột của mafia thông qua nợ nần, bạo lực hoặc thao túng tâm lý. Nhân viên cơ động của chúng tôi tiếp xúc với 280 phụ nữ mỗi ngày và gần như 100% là nạn nhân của nạn bóc lột và buôn người”, bà Rocio Mora nói.