Lý do PC-Covid yêu cầu nhiều quyền truy cập trên smartphone
Đơn vị vận hành PC-Covid cho biết các quyền trong ứng dụng chỉ phục vụ phòng chống dịch, một số thông tin được yêu cầu do chính sách của hệ điều hành.
Ngày 30/9, ứng dụng phòng dịch PC-Covid được phát hành trên App Store và Play Store. Ngay khi phát hành, nhiều người đã phản ánh PC-Covid hoạt động chưa ổn định, thông tin đồng bộ không chính xác, yêu cầu nhiều quyền truy cập khác nhau gây lo lắng về quyền riêng tư.
Tại buổi tọa đàm về giải pháp công nghệ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, đại diện Trung tâm Công nghệ phòng, chống Covid-19 Quốc gia, đơn vị vận hành PC-Covid đã giải thích yêu cầu về quyền truy cập của app.
Nhiều quyền được yêu cầu theo chính sách của Android
Người dùng phản ánh PC-Covid yêu cầu nhiều quyền truy cập dữ liệu. Đại diện Trung tâm cho biết các quyền chỉ phục vụ phòng chống dịch, đúng theo tuyên bố của app. Tuy nhiên, các dữ liệu thu thập trên iOS và Android khác nhau tùy chính sách của từng hệ điều hành.
Theo đại diện Trung tâm, PC-Covid yêu cầu 5 quyền cơ bản: khai thác tín hiệu Bluetooth, vị trí thiết bị, truy cập thông báo trên Android, sử dụng camera, chùm thông tin (ảnh, video, âm thanh, riêng trên nền tảng của Xiaomi thêm quyền truy cập tin nhắn SMS). Việc khai thác những quyền trên được giải thích trong app để minh bạch cho người dùng.
Liên quan đến PC-Covid yêu cầu theo dõi vị trí, đại diện Trung tâm giải thích đó là chính sách của hệ điều hành Android. Khi yêu cầu bật Bluetooth, ứng dụng cũng tự xin quyền truy cập vị trí. Trong khi đó, quyền sử dụng thông báo trên Android giúp PC-Covid luôn hoạt động ở chế độ chờ (standby). Nếu người dùng tắt tính năng truy vết gần, app sẽ không yêu cầu sử dụng thông báo nữa.
Ngoài ra, PC-Covid cần truy cập camera để quét mã QR. Với tính năng lưu mã QR theo dạng ảnh vào điện thoại, ứng dụng cần truy cập cụm 3 dữ liệu gồm ảnh, video và âm thanh theo chính sách của Android. Riêng nền tảng Xiaomi còn bổ sung tin nhắn SMS vào cụm dữ liệu dù thực chất PC-Covid không dùng đến. Theo đại diện Trung tâm, đây là chính sách chung cho mọi ứng dụng, không chỉ PC-Covid.
Đại diện đơn vị vận hành PC-Covid cho biết đã yêu cầu Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin Truyền thông đánh giá độc lập. Trong trường hợp có quyền không cần thiết dùng đến hoặc có thể thu hẹp để tối ưu, đội ngũ phát triển sẽ điều chỉnh trong những bản cập nhật kế tiếp.
Được nâng cấp từ ứng dụng Bluezone, PC-Covid cũng tích hợp tính năng truy vết tiếp xúc gần. Nếu chỉ muốn sử dụng PC-Covid để lưu mã QR và thẻ xanh Covid-19, người dùng có thể tắt tính năng truy vết trong phần cài đặt, thậm chí lưu mã QR về thiết bị để truy xuất khi không có Internet. Trong phiên bản mới nhất của PC-Covid, người dùng có thể tắt quyền truy cập Bluetooth trong lần đầu sử dụng app.
Ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav, đơn vị hợp tác phát triển ứng dụng PC-Covid khuyến khích người dân bật tính năng truy vết tiếp xúc gần trong PC-Covid để hỗ trợ phòng chống dịch.
"Chức năng truy vết tiếp xúc trong PC-Covid được kế thừa từ Bluezone, phục vụ truy vết và phân tích. Ứng dụng cho phép tắt truy vết nếu người dân cảm thấy lo ngại. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn khuyến khích bật tính năng này để hỗ trợ phòng chống dịch", ông Quảng cho biết.
Sẽ cập nhật tính năng phản ánh sai thông tin
Về việc liên thông dữ liệu, đại diện Trung tâm cho biết có 4 dữ liệu quan trọng cần đồng bộ: dữ liệu từ nền tảng tiêm chủng, nền tảng xét nghiệm, bảo hiểm xã hội và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý. Một số nơi có giai đoạn dùng giấy hoặc file Excel để lưu trữ thông tin, do đó việc nhập liệu bằng tay lên nền tảng có thể dẫn đến sai sót. Cũng có trường hợp người dân ghi sai thông tin như số điện thoại hay CMND, khiến dữ liệu chưa chính xác.
Về việc liên thông dữ liệu từ ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, đại diện Trung tâm cho biết khoảng một tuần tới sẽ đồng bộ đầy đủ để hiển thị chính xác thông tin của người đã tiêm vaccine. Đối với các trường hợp sai sót, đơn vị phụ trách về thông tin đang phối hợp cùng cơ quan y tế để chỉnh sửa.
Trong tuần tới, ứng dụng PC-Covid sẽ cập nhật tính năng phản ánh thông tin sai sót từ người dùng để xử lý và điều chỉnh.
Theo chia sẻ của đại diện Trung tâm, việc tạo ứng dụng mới có thể đơn giản hơn so với cập nhật từ app cũ bởi nhà phát triển phải làm việc trực tiếp với kho ứng dụng về những thay đổi. Tuy nhiên, cập nhật từ app cũ sẽ mang đến sự tiện lợi cho người dùng. Các ứng dụng như Bluezone, NCOVI sẽ thông báo và tự cập nhật lên PC-Covid, người dùng không phải tải app mới và gỡ app cũ khỏi smartphone.
Đại diện Trung tâm cho biết ứng dụng Bluezone có lượng cài đặt lớn nhất, đã được sử dụng hiệu quả tại nhiều địa phương. Do đó, Trung tâm quyết định cập nhật trên nền tảng Bluezone.
"Nếu người dân đang dùng hiệu quả mà bắt họ gỡ đi, dùng ứng dụng mới thì không thỏa đáng lợi ích của họ", đại diện Trung tâm chia sẻ.
Ứng dụng PC-Covid nằm trong kế hoạch triển khai ứng dụng phòng chống dịch Covid-19 thống nhất cho người dân. App do Bkav, Viettel và VNPT hợp tác phát triển, Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia vận hành. Các cơ quan chủ trì gồm Bộ Y tế, Bộ Công an và Bộ Thông tin & Truyền thông.
Đây là ứng dụng thống nhất cho mục đích phòng chống dịch Covid-19, lưu trữ các thông tin quan trọng như mã QR cá nhân, giấy đi đường và chứng nhận tiêm chủng.
Ngày 1/10, Trung tâm đã phát hành phiên bản 4.0.2 của PC-Covid với một số thay đổi trong giao diện, bổ sung vài tính năng và cải thiện hiệu suất. Trong ngày đầu phát hành, đã có 1,7 triệu lượt truy vấn hệ thống khiến app hoạt động kém ổn định. Đội ngũ kỹ thuật vẫn liên tục cải thiện hiệu năng trong những phiên bản tiếp theo.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ly-do-pc-covid-yeu-cau-nhieu-quyen-truy-cap-post1267981.html