Lý do phương Tây chần chừ gửi xe tăng khi Ukraine tha thiết xin viện trợ
Trước lời kêu gọi viện trợ xe tăng khẩn thiết từ Ukraine, Phương Tây chần chừ vì lo ngại hậu cần, bảo dưỡng và sợ leo thang thành chiến tranh giữa Nga và NATO.
Trong khi Ukraine đang tha thiết kêu gọi phương Tây viện trợ xe tăng hiện đại để giúp bảo vệ lãnh thổ và phản công ở chiến trường phía nam và đông thì phương tây có vẻ đang chần chừ trước yêu cầu này, tờ Politico dẫn 7 nguồn thạo tin cho hay.
Ukraine khẩn thiết, phương Tây do dự
Theo các chuyên gia và cố vấn Ukraine, nếu Ukraine có được các xe tăng hiện đại M-1 Abrams của Mỹ và Leopard của Đức thì sức mạnh chiến đấu của lực lượng nước này sẽ được nâng cấp hơn nhiều so với tác chiến bằng xe tăng từ thời Liên Xô mà hiện quân Ukraine đang vận hành.
Trong cuộc phỏng vấn với đài CBS ngày 25-9, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky nhắc lại mong muốn phương Tây gửi xe tăng cho Ukraine. Ông nói: “Nếu Mỹ thể hiện vai trò lãnh đạo của mình thì chúng tôi sẽ có được xe tăng và Đức và các nước châu Âu khác sẽ làm theo”.
Mong muốn của Kiev được đưa ra trong bối cảnh Ukraine đạt được những bước tiến đáng kế trong tháng này, sau khi buộc số lượng lớn quân Nga rời TP Izium (tỉnh Kharkiv) và giành lại quyền kiểm soát khu vực này. Yêu cầu này càng trở nên cấp bách sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố tổng động viên 300.000 binh sĩ hôm 21-9.
Tuy nhiên, không như mong mỏi của Kiev, đến thời điểm hiện tại, phương Tây vẫn do dự về việc viện trợ xe tăng. Chẳng hạn, không có hạng mục xe tăng chiến đấu trong gói viện trợ an ninh mới nhất dành cho Ukraine trị giá 1,1 tỉ USD mà Bộ Quốc phòng Mỹ công bố vào ngày 28-9.
Đây không phải là lần đầu tiên phương Tây chần chừ trước lời kêu gọi viện trợ của Ukraine. Trước đó, Mỹ đã do dự trong nhiều tháng trước khi cung cấp một loại vũ khí nhất định. Ví dụ, đầu tiên là Mỹ do dự gửi tên lửa phòng không Stinger, sau đó là Hệ thống pháo binh cơ động cao (HIMARS) vì lo ngại Ukraine sẽ bắn vào lãnh thổ Nga, nguy cơ leo thang căng thẳng hơn nữa.
Lý do phương Tây chần chừ
Theo các chuyên gia, M-1 Abrams do Mỹ sản xuất là một hệ thống hoàn toàn khác so với các xe tăng thời Liên Xô mà Ukraine hiện đang vận hành và cần được bảo dưỡng và hỗ trợ hậu cần đáng kể.
Một quan chức Mỹ đề nghị không nêu tên chia sẻ với Politico: “Đó là một rào cản khá lớn không chỉ là việc Ukraine sở hữu mà còn bảo dưỡng xe tăng do Mỹ sản xuất. Quý vị không muốn đưa cho họ thứ gì đó sắp hỏng, hết xăng và họ không thể tiếp nhiên liệu”.
Cựu Chỉ huy lực lượng Mỹ ở châu Âu - ông Ben Hodges cho rằng dù xe tăng phương Tây có giúp Ukraine tạo thế áp đảo về hỏa lực, nâng cao năng lực chiến đấu thì cũng sẽ gặp không ít khó khăn trong khâu huấn luyện và di chuyển.
Cụ thể, 1 sư đoàn M-1 có thể tiêu thụ tới 600.000 gallon (2,2 triệu lít) nhiên liệu và điều này có thể cản trở bước tiến của Ukraine. Ông Hodges giải thích: “Đây không phải là những chiếc xe cho thuê mà có rất nhiều thứ đi kèm với nó. Về cơ bản bạn, có hàng trăm thứ đi kèm phải mang theo. Hãy nhìn vào một đại đội xe tăng của quân đội Mỹ ngày nay, có hàng nghìn gallon nhiên liệu chở sau đội này mỗi ngày”.
Trong cuộc chiến này, xe tăng Leopards của Đức có thể phù hợp hơn vì chúng tương tự các xe tăng mà Ukraine đã vận hành và dùng ít nhiên liệu hơn so với M-1 Abrams. Tuy nhiên, dù công ty quốc phòng Đức Rheinmetall đã yêu cầu chính phủ chấp thuận xuất khẩu 88 xe tăng Leopard cho Ukraine, chính quyền Berlin vẫn từ chối.
Tuần trước, trả lời phỏng vấn trên tờ The New York Times, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết lý do không gửi xe tăng cho Ukraine là vì lo ngại chiến tranh Nga-Ukraine leo thang thành cuộc chiến giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết về dài hạn, sẽ có một ngày Ukraine cần phải chuyển đổi sang các loại xe tăng hiện đại tương thích với các đồng minh NATO. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, xe tăng từ thời Liên Xô là phù hợp nhất để phục vụ cuộc chiến vì loại xe này sẵn có, có thể gửi gấp đến Ukraine mà không cần hoặc cần ít huấn luyện.
Quan chức này cũng tiết lộ vấn đề gửi xe tăng cho Ukraine vẫn đang được Mỹ xem xét cùng với những vấn đề khác.