Lý do sản lượng khí đốt Nga phục hồi thần tốc sau 2 năm trì trệ

Sản lượng khí đốt của Nga phục hồi vượt dự báo trong năm nay khi xuất khẩu nhiên liệu này qua đường ống đến Trung Quốc và qua mạng lưới đường ống cũ đến Uzbekistan tăng cao.

Tổng sản lượng khí đốt tự nhiên của Nga đạt khoảng 346 tỷ mét khối trong nửa đầu năm nay. Ảnh: RT

Tổng sản lượng khí đốt tự nhiên của Nga đạt khoảng 346 tỷ mét khối trong nửa đầu năm nay. Ảnh: RT

Trang Upstream đưa tin, sản lượng khí đốt của Nga đã phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm nay, sau 2 năm trì trệ do xuất khẩu khí đốt qua đường ống sang châu Âu giảm mạnh và nhu cầu trong nước suy yếu.

Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan thống kê nhà nước Nga Rosstat, tổng sản lượng khí đốt tự nhiên của Nga đạt khoảng 346 tỷ mét khối trong nửa đầu năm nay, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong khi đó, theo dữ liệu chính thức, sản lượng khí đốt của Nga trong năm 2023 là 638 tỷ mét khối và 676 tỷ mét khối vào năm 2022, thấp hơn sản lượng trước khi xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine vào năm 2021 là 763 tỷ mét khối.

Sự phục hồi diễn ra khi xuất khẩu khí đốt của Nga qua đường ống đến Trung Quốc và qua mạng lưới đường ống cũ đến Uzbekistan tăng cao.

Bên cạnh đó, nhu cầu nhiên liệu mạnh mẽ của các nhà máy điện và nhà máy sản xuất phân bón trong nước cũng góp phần tăng sản lượng khí đốt, theo ông Dmitry Kasatkin, đối tác tại Công ty tư vấn Kasatkin Consultancy ở Moscow.

Ngoài ra, Moscow dường như đang hưởng lợi từ việc một số nhà sản xuất phân bón châu Âu phải đóng cửa do giá khí đốt tăng đột biến sau khi bùng phát cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Các nhà sản xuất phân bón của Nga đã tăng đáng kể sản lượng và xuất khẩu sang châu Âu, do đó cũng sử dụng nhiều khí đốt hơn trong quá trình này.

Tập đoàn dầu khí Nga Gazprom trong thời gian gần đây đã tăng dần xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc qua đường ống Sức mạnh Siberia (Power of Siberia). Gazprom kỳ vọng sẽ đạt công suất tối đa theo hợp đồng là 38 tỷ mét khối vào năm 2025.

Tập đoàn Gazprom cũng ký hợp đồng cung cấp khí đốt cho Uzbekistan. Trong khi đó, “ông lớn” năng lượng Nga vẫn duy trì việc cung cấp khí đốt theo đường ống ổn định đến châu Âu thông qua hai tuyến đường ống dẫn khí còn lại qua Ukraine và qua đường ống TurkStream đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Chính quyền Nga giới hạn giá khí đốt trong nước của Gazprom ở mức chỉ bằng một phần nhỏ giá khí đốt xuất sang châu Âu và nhiều công ty độc lập như Novatek thường tiếp thị khí đốt cho người tiêu dùng trong nước thậm chí còn thấp hơn giá trần.

Theo nhà phân tích Dmitry Kasatkin, sản lượng khí đốt của Nga tăng sau khi giá khí đốt giao ngay tăng kỷ lục ở châu Âu vào năm 2022 và đầu năm 2023 khiến việc sản xuất phân bón không có lãi do chi phí cao và một số nhà máy của châu Âu phải đóng cửa.

Tuy nhiên, Nga đã cung cấp các sản phẩm thay thế ít tốn kém hơn và lượng amoniac và urê nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) từ Nga - được sử dụng để sản xuất phân bón - đã tăng hai con số kể từ năm 2022, theo Cơ quan thống kê của Ủy ban châu Âu (Eurostat)

Theo Eurostat, EU đã nhập khẩu gấp đôi lượng phân urê từ Nga trong năm ngoái so với một năm trước đó.

Tờ Vedomosti mới đây trích dẫn dữ liệu của Eurostat cho biết, nhập khẩu phân bón Nga của EU trong 5 tháng đầu năm nay đạt mức 1,9 triệu tấn tăng 70% so với cùng kỳ năm 2023. Vedomosti lưu ý, sự tăng trưởng này chủ yếu là do tăng mua phân kali và phân bón đa dinh dưỡng.

Rosstat cũng báo cáo mức tăng gần 5% về sản lượng khí đốt nhiên hóa lỏng (LNG) trong 6 tháng đầu năm nay tại 4 dự án xuất khẩu đang hoạt động là Yamal LNG, Sakhalin 2, Prigorodnoye LNG và Vysotsk LNG, lên tổng cộng 17,3 triệu tấn.

Với sản lượng LNG ngày càng tăng, Nga cũng đã bắt đầu xây dựng đội tàu chở LNG của riêng mình để vận chuyển khí đốt đến các khách hàng quốc tế.

Nguyễn Thu

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ly-do-san-luong-khi-dot-nga-phuc-hoi-than-toc-sau-2-nam-tri-tre.html