Lý do 'sát thủ bầu trời' được kỳ vọng thay đổi cục diện chiến trường Ukraine đột ngột biến mất
Máy bay không người lái (UAV) Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ từng được biết đến là vũ khí lý tưởng có thể thay đổi cục diện cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, loại UAV này đang biến mất khỏi chiến trường, làm dấy lên nghi ngờ về hiệu quả của chúng.
Trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, các phương tiện truyền thông đã rầm rộ đưa tin về uy lực vượt trội của Bayraktar TB2 – dòng máy bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo. Hiệu quả của những chiếc UAV này đã được ca ngợi trong hàng loạt video chia sẻ rộng tãi trên mạng xã hội. Một số chuyên gia mô tả những chiếc UAV này có thể giúp cản đà tiến công của Nga.
Tuy nhiên, sự biến mất bất ngờ của dòng UAV này khỏi cả trên chiến trường và phương tiện truyền thông trong thời gian qua đã khiến nhiều chuyên gia thắc mắc.
Theo báo cáo của Nga, kể từ khi xung đột nổ ra, lực lượng quân sự nước này đã bắn hạ ít nhất 130 máy bay không người lái của Ukraine. Tuy nhiên, số liệu của Nga khác hẳn so với thông tin về số lượng máy bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ gửi tới. Theo Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine chỉ nhận được 50 chiếc UAV loại này.
Các phương tiện truyền thông Nga cho biết họ không nhận được thông tin về hoạt động chiến đấu của Bayraktar TB2 ở Ukraine kể từ giữa tháng 8. Các nhà quan sát nói rằng máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ cũng không hoạt động hiệu quả như ở Libya, Syria và đặc biệt là trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh.
Các cuộc tấn công của Ukraine trên đảo Rắn ở Biển Đen, bắt đầu vào đầu tháng 5 và kéo dài đến cuối tháng 6, được coi là một trong những trận chiến nổi bật có sự tham gia của "sát thủ bầu trời" Bayraktar TB2 Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng sau đó, UAV này dần vắng bóng. Nhiều chuyên gia cho rằng Nga đã tăng cường hiệu quả hệ thống phòng không nhiều lớp.
Trong khi đó, có thông tin cho rằng Mỹ đang lên kế hoạch bán cho Ukraine máy bay không người lái vũ trang Đại bàng xám MQ-1C do Tập đoàn Quốc phòng General Atomics phát triển. Loại máy bay này có uy lực mạnh hơn TB2. Tuy nhiên, Mỹ cũng lo ngại Nga có thể hạ gục Đại bàng xám MQ-1C và công nghệ tiên có thể rơi vào tay các chuyên gia công nghệ quân sự Moskva.
Giới quan sát nhận định một trong những lý do lớn nhất khiến UAV TB2 không còn xuất hiện trên chiến trường là Nga đã tăng cường sức mạnh của hệ thống phòng thủ và bắn hạ, thông qua đánh chặn và gây nhiễu UAV Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Samuel Bendett - nhà phân tích và chuyên gia về hệ thống quân sự không người lái và robot tại Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ - lưu ý rằng vũ khí tác chiến điện tử và hệ thống phòng không mà Nga đang triển khai tác chiến tốt hơn so với giai đoạn đầu của cuộc xung đột. Ông cho rằng các lực lượng Nga đang sử dụng radar cảnh báo sớm để xác định vị trí UAV và vũ khí tác chiến điện tử để gây nhiễu và cản trở đường truyền của chúng.
Bên cạnh đó, Moskva cũng triển khai nhiều loại vũ khí, bao gồm súng và hệ thống phòng không, như hệ thống phòng không Tor, để bắn hạ máy bay không người lái của Ukraine.
Trong giai đoạn mới của cuộc xung đột, UAV của Ukraine đang kém hiệu quả hơn. Trong khi đó, phương Tây cáo buộc Nga đang sử dụng hiệu quả máy bay không người lái do Iran sản xuất. Các báo cáo mới nhất cũng cho biết Nga đã không sử dụng máy bay không người lái có nguồn gốc từ Iran trong một thời gian khá dài.
Truyền thông Nga cũng suy đoán rằng thỏa thuận khí đốt giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể là yếu tố khác khiến máy bay không người lái Bayraktar TB2 ít được sử dụng trong cuộc chiến.
Trước đây có tuyên bố rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đặt điều kiện với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngừng giao máy bay không người lái của Ankara cho Kiev để duy trì thỏa thuận khí đốt. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã không thực hiện bất kỳ đợt giao hàng máy bay không người lái Bayraktar TB2 mới nào cho Ukraine.
Thời báo EurAsian cũng đưa tin rằng Tập đoàn Baykar đã rút khỏi thỏa thuận thành lập nhà máy sản xuất máy bay không người lái ở Ukraine với sự hợp tác của một công ty quốc phòng quốc gia.
Giới chuyên gia nhận định vấn đề chính trị giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, chứ không phải hệ thống phòng không của Nga, là nguyên nhân dẫn đến sự vắng bóng của máy bay không người lái Thổ Nhĩ Kỳ trên bầu trời Ukraine.
Phương tiện bay trên không không người lái Bayraktar TB2 có thể mang bom dẫn đường bằng laser hạng nhẹ, thường hoạt động xuất sắc trong các cuộc xung đột sử dụng công nghệ thấp. Các máy bay không người lái này có giá dưới 2 triệu USD mỗi chiếc.
Thổ Nhĩ Kỳ đã bán TB2 cho hơn chục quốc gia, trong đó có Azerbaijan, Libya, Maroc và Ethiopia. Ankara bắt đầu bán máy bay không người lái TB2 cho Ukraine vào năm 2019 và Ukraine đã sử dụng để chống lại phe đòi độc lập ở khu vực Donbass - động thái mà Nga gọi là gây bất ổn. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã sử dụng máy bay không người lái nhằm vào người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, miền bắc Iraq và ở Syria.
TB2 đã góp phần giúp cân bằng các cuộc xung đột ở Libya, cũng như giúp đồng minh Azerbaijan của Thổ Nhĩ Kỳ chiến đấu với các lực lượng do Armenia hậu thuẫn ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh vào năm 2020.
Giới chuyên gia từng nhận định những chiếc máy bay không người lái rẻ tiền của Thổ Nhĩ Kỳ có thể có tác động lâu dài đến chiến tranh, trở thành công cụ tiêu hao hữu ích, cũng như có thể gây chú ý từ các máy bay đắt tiền hơn của đối phương.