Lý do tạm ngừng phiên tòa xét xử phúc thẩm cựu giám đốc bệnh viện TP Thủ Đức

TAND Cấp cao tại TP.HCM tạm ngưng để Bệnh viện TP Thủ Đức cung cấp thêm tài liệu chứng cứ.

Ngày 7-10, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Minh Quân (cựu giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức) cùng bốn bị cáo khác trong vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Bệnh viện (BV) TP Thủ Đức, Công ty Việt Á và Công ty Nam Phong.

Sau quá trình xét hỏi, HĐXX đã quyết định tạm ngưng phiên tòa để Bệnh viện TP Thủ Đức cung cấp thêm tài liệu chứng cứ liên quan đến trách nhiệm dân sự của vụ án. Phiên tòa sẽ được mở lại vào sáng ngày 9-10.

Theo bản án sơ thẩm, các bị cáo đã vi phạm quy định về đấu thầu trong mua sắm vật tư phòng chống dịch, chưa thẩm định hồ sơ nhà thầu, không xem xét năng lực, kinh nghiệm nhà thầu mà tiến hành ký và thanh toán các hợp đồng số lượng kit xét nghiệm.

Trong đó, Bệnh viện TP Thủ Đức là bị hại trong vụ án với số tiền thiệt hại do hành vi của các bị cáo là hơn 14,5 tỉ đồng.

 Phiên tòa xét xử cựu Giám đốc bệnh viện TP Thủ Đức tạm ngưng để bị hại cung cấp thêm tài liệu chứng cứ. Ảnh: HOÀNG GIANG

Phiên tòa xét xử cựu Giám đốc bệnh viện TP Thủ Đức tạm ngưng để bị hại cung cấp thêm tài liệu chứng cứ. Ảnh: HOÀNG GIANG

Về trách nhiệm dân sự, bản án cấp sơ thẩm tuyên buộc bị cáo Phạm Vũ Phong (giám đốc Công ty Nam Phong) bồi thường cho BV TP Thủ Đức hơn 11 tỉ đồng.

Tại tòa, đại diện Bệnh viện TP Thủ Đức xác nhận số tiền thiệt hại là hơn 14,5 tỉ đồng. Bên cạnh đó vị này cũng cho biết nguồn kinh phí để thanh toán mua kit test xét nghiệm một phần là từ ngân sách Nhà nước chi trả, một phần là bệnh viện chỉ trả từ tiền thu được khi thu phí người dân xét nghiệm.

Tuy nhiên, số tiền mà bệnh viện thu về từ việc thu phí người dân khi đi xét nghiệm cần cho thời gian để kiểm tra và nộp lại cho tòa. Từ đó, HĐXX đề nghị phía bị hại cung cấp tài liệu chứng cứ về khoản tiền mà ngân sách Nhà nước đã chi và số tiền bệnh viện đã thu được từ người dân để làm căn cứ giải quyết trách nhiệm dân sự của vụ án.

Bên cạnh đó, trình bày tại tòa, bị cáo Phong cũng cho biết số tiền thiệt hại của Bệnh viện TP Thủ Đức phát sinh từ kit test xét nghiệm đã được bồi thường trong bản án mà TAND TP Hà Nội xét xử trong đại án Việt Á nên đề nghị xem xét lại vì nếu bồi thường cho Bệnh viện TP Thủ Đức nữa thì sẽ là bồi thường hai lần.

Trước đó, vào 18-6 TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Quân 11 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp với hình phạt của bản án phúc thẩm ngày 17-5-2024 của TAND Cấp cao tại TP.HCM về tội tham ô tài sản và rửa tiền, bị cáo Quân lãnh tổng cộng 30 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Lan Anh (cựu phó giám đốc BV TP Thủ Đức) bị tuyên phạt 6 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp với hình phạt của bản án phúc thẩm ngày 17-5-2024 của TAND Cấp cao tại TP.HCM về cùng tội danh, bị cáo Lan Anh lãnh tổng cộng 9 năm tù.

Bị cáo Phạm Vũ Phong (giám đốc Công ty Nam Phong) bị tuyên phạt 12 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và 7 năm tù về tội đưa hối lộ; tổng hợp hình phạt là 19 năm tù.

Bị cáo Trương Thị Bảo Trân (nhân viên vật tư trang thiết bị y tế - BV TP Thủ Đức) bị tuyên phạt 6 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và 7 năm tù về tội nhận hối lộ; tổng hợp hình phạt là 13 năm tù.

Bị cáo Mai Lệ Quyên (cựu trưởng khoa vi sinh, BV TP Thủ Đức) lãnh 5 năm tù về tội nhận hối lộ.

HỮU ĐĂNG

HOÀNG GIANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/ly-do-tam-ngung-phien-toa-xet-xu-phuc-tham-cuu-giam-doc-benh-vien-tp-thu-duc-post813667.html