Lý do Thái Lan quyết mua tiêm kích F-35A của Mỹ bất chấp nhiều trở ngại
Không quân Hoàng gia Thái Lan (RTAF) nhất quyết không từ bỏ ý định mua máy bay chiến đấu tàng hình tối tân F-35 do Mỹ sản xuất, bất chấp nhiều tranh cãi trong Nội các và dư luận. Quyết định này liệu có xứng đáng với chi phí và nỗ lực mà nước này bỏ ra?
Lực lượng Không quân Hoàng gia Thái Lan (RTAF) mới đây đã tiến một bước xa hơn trong nỗ lực gia nhập Câu lạc bộ sở hữu máy bay tiêm kích tàng hình F-35A. Sau nhiều tranh cãi và một số điều chỉnh ngân sách cho phù hợp với viễn cảnh kinh tế ảm đạm, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Hạ viện Thái Lan gần đây đã thông qua khoản phân bổ ngân sách 369 triệu baht (10,4 triệu USD) trong năm tài khóa 2023 để RTAF có điều kiện mua 2 chiến đấu cơ F-35A (dòng A có khả năng xuất phát thông thường từ đường băng).
Theo giải trình của RTAF, 2 chiến đấu cơ này có tổng trị giá 7,4 tỷ baht (207 triệu USD) và sẽ được thanh toán theo từng đợt trong thời gian 4 năm. Ngoài ra, Ủy ban này cũng bật đèn xanh cho Bộ Quốc phòng đầu tư 171,6 triệu baht (4,8 triệu USD) để xây dựng một Nhà máy sản xuất đạn ở tỉnh Lopburi, miền Trung Thái Lan.
Người dân quan ngại và phản đối
Một số cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy người dân Thái Lan, những người đang dành nhiều lo lắng hơn cho các vấn đề kinh tế - xã hội ngày một trầm trọng, đánh giá những khoản đầu tư quốc phòng như thế là vô nghĩa. Vốn có mối quan hệ hữu nghị với tất cả các nước láng giềng và các cường quốc trên thế giới, khả năng xảy ra một cuộc đụng độ vũ trang giữa Thái Lan với nước khác được cho là rất thấp.
Bên cạnh đó, RTAF đã được trang bị tương đối đầy đủ với một phi đội máy bay không người lái, một loạt các máy bay tiêm kích F-16 và F-5 phiên bản nâng cấp và 12 máy bay chiến đấu hạng nhẹ JAS-39 Gripen của Thụy Điển đang trong quá trình nâng cấp cấu hình MS20 để tăng cường khả năng chiến đấu đất đối không và không đối không.
Phản ứng chậm chạp của RTAF khi máy bay MiG-29 từ Myanmar xâm phạm không phận Thái Lan vào đầu tháng 6 vừa qua, cộng thêm cuộc khủng hoảng nợ ở nước láng giềng Sri Lanka, càng khiến dư luận Thái Lan phản đối việc mua chiến đấu cơ F-35A tốn kém.
Lập trường của quân đội
Từ góc nhìn quân sự, Thái Lan không phải là một quốc gia ở trong môi trường ít bị đe dọa. Tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh đang tồn tại ở châu Á, được cho là phổ biến hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới. Chạy đua vũ trang và nguy cơ leo thang căng thẳng tại châu Á cũng cao hơn bao giờ hết trong bối cảnh Trung Quốc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn để trả đũa chuyến thăm gây tranh cãi của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan (Trung Quốc) ngày 2-3/8.
Trong trường hợp bị tấn công bất ngờ, những tiêm kích F-16 và F-5 sẽ không thể chống đỡ các đối thủ nguy hiểm hơn. Một phi đội chiến đấu cơ Gripen chắc chắn không đủ để thực hiện nhiệm vụ răn đe trên không.
RTAF vẫn có một số lựa chọn khác thay thế như các chiến đấu cơ Gripen thế hệ mới, tương đối rẻ và có khả năng đáp ứng các yêu cầu chiến lược của Thái Lan. Tuy nhiên, với phương châm mua sắm “chất lượng hơn số lượng” và tham vọng trở thành lực lượng không quân hàng đầu Đông Nam Á, RTAF đã quyết tâm đặt mua chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ năm.
Giữa rất nhiều các lựa chọn, dòng chiến đấu cơ F-35A của Mỹ được coi là loại máy bay công nghệ tiên tiến nhất. Tuy máy bay J-20 của Trung Quốc được cho là “mối nguy hiểm chết người”, loại máy bay này lại không có sẵn để xuất khẩu. Trong khi đó, doanh số bán máy bay Su-57 của Nga đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tiến độ triển khai chậm và các lệnh trừng phạt kinh tế.
Rõ ràng, những cân nhắc về chính sách đối ngoại đã khiến RTAF quyết tâm lựa chọn chiến đấu cơ F-35A. Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng, Thái Lan không ngừng tìm cách đa dạng hóa các nhà cung cấp vũ khí để cân bằng giữa khối phương Tây do Mỹ dẫn đầu và “trục” do Trung Quốc dẫn đầu. Chính phủ của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã đặt mua tàu ngầm, khinh hạm và xe tăng từ Trung Quốc. Để duy trì trạng thái cân bằng, việc mua máy bay phản lực của Mỹ là hợp lý, ngay cả khi máy bay J-20 của Trung Quốc có được tung ra thị trường.
Cùng lúc này, Trung Quốc đang có xu hướng tập trung kích cầu nội địa với chính sách “Zero Covid” không khoan nhượng và nhấn mạnh khả năng “tự lực” để từ từ rút khỏi hệ thống tư bản do phương Tây lãnh đạo. Sự thay đổi này đã khiến các nhà lãnh đạo quân sự Thái Lan xích lại gần Mỹ hơn, đặc biệt là về mặt quốc phòng. Tất cả các đối tác quan trọng của Mỹ ở châu Á, ngoại trừ Philippines, hiện đã (hoặc sắp có) chiến đấu cơ F-35A, cho phép họ có khả năng tương tác với nhau tốt hơn. Để đảm bảo tốt nhất an ninh của mình, quân đội Thái Lan không thể bỏ qua tuyến phòng thủ “vòng trong” này.
Những trở ngại phía trước
Ngoài sự phản đối của dư luận trong nước, theo ông Ian Storey, thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, Chính quyền Tổng thống Biden chưa chắc đã chấp thuận bán F-35A cho Thái Lan do quân đội Thái Lan có quan hệ chặt chẽ với phía Trung Quốc. Là một trong những dòng máy bay hiện đại nhất thế giới, F-35 được coi là mặt hàng xuất khẩu cực kỳ nhạy cảm, chỉ được bán cho những đồng minh thân thiết nhất của Mỹ. Ở châu Á - Thái Bình Dương, chỉ có Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore sở hữu loại máy bay này. Nỗi lo về bí mật của chiến đấu cơ F-35A bị rò rỉ cho Trung Quốc thông qua Thái Lan có thể lớn hơn nhu cầu củng cố liên minh Mỹ-Thái.
Có lẽ cảm nhận được sự miễn cưỡng của Mỹ và nhận ra những hạn chế tài chính của Thái Lan, RTAF đã lựa chọn những chiếc F-35A không vũ trang với giá rẻ hơn. Tư lệnh Không quân Hoàng gia Thái Lan Napadej Dhupatemiya lưu ý rằng Thái Lan sẽ tự trang bị vũ khí cho các chiến đấu cơ F-35A. Tuy nhiên, không một thông số kỹ thuật nào được cung cấp, đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của chiến đấu cơ F-35 mà Thái Lan muốn sở hữu.
Tư lệnh Napadej cũng cho biết RTAF hy vọng sẽ có được 12 chiếc tiêm kích F-35A vào năm 2032. Nếu điều này thành hiện thực, đơn vị chiến đấu cơ “ưu tú” này hàng năm sẽ tiêu tốn khoản ngân sách cực kỳ lớn của RTAF. Chi phí vận hành và bảo trì của F-35 đơn giản là quá đắt, đến mức Không quân Mỹ thực tế không đủ khả năng để thay thế tất cả những chiếc tiêm kích F-16 cũ của mình bằng F-35. Giới quan sát thậm chí còn cho rằng chương trình sản xuất tiêm kích F-35 có thể bị phá sản nếu nhà sản xuất Lockheed Martin không thể giảm chi phí và xử lý các thiếu sót kỹ thuật.
Trong bối cảnh hiện nay, có thể nói việc RTAF mua tiêm kích tàng hình F-35A của Mỹ dường như đang diễn ra quá gấp rút, đối diện với quá nhiều thách thức và không hiệu quả về mặt chi phí./.