Lý do The Boyfriend của Nhật Bản gây sốt

The Boyfriend hiện lên tựa thước phim điện ảnh mộng mơ với những khung hình ngọt ngào, ngập nắng, sưởi ấm người xem bằng hành trình thanh mát, giàu xúc cảm và đầy sự chữa lành.

Giữa thời điểm cơn sốt show hẹn hò bùng nổ trên thế giới, ở Âu-Mỹ có Love Island, Bachelor, Hàn Quốc có Possessed Love, Việt Nam có Đảo thiên đường... thì Nhật Bản lại đang gây chú ý với The Boyfriend. Được Netflix đầu tư sản xuất, đây là show hẹn hò, kết đôi dành riêng cho các chàng trai trong cộng đồng LGBT+.

The Boyfriend trình làng kể từ 9/7. Chương trình truyền hình chính thức khép lại sau 10 tập. Suốt những ngày qua, show hẹn hò xứ mặt trời mọc gây sốt, trở thành “hot search” ở nhiều nền tảng và được bàn luận rôm rả trên mạng xã hội. The Boyfriend cũng lọt top chương trình ăn khách nhất thế giới hàng tuần của Netflix, tại hạng mục không nói tiếng Anh.

Độc đáo và đặc biệt

Trong The Boyfriend, các chàng trai ở độ tuổi 20, 30 cùng chung sống tại ngôi nhà mang tên Green Room, tọa lạc tại ven biển ngoại ô Tokyo. Chương trình khởi đầu với 6 thành viên, gồm Dai, Shun, Ryota, Gensei, Kazuto và Taeheon. Sau đó, 3 thành viên mới Usak, Alan và Ikuo lần lượt xuất hiện ở những tập kế tiếp.

Những chàng trai trẻ sinh hoạt chung trong một tháng, với mục đích tìm kiếm người phù hợp để ghép đôi. Trong khoảng thời gian này, họ cùng nhau vận hành một xe bán cà phê để tăng thu nhập. Ngoài ra, chương trình sẽ cung cấp khoản sinh hoạt phí chung, yêu cầu các người chơi phải tìm cách cân đối chi tiêu.

Các reality show hẹn hò dành cho cộng đồng LGBT+ không còn mấy xa lạ trên thế giới. Song, đây lại là chương trình đầu tiên được tổ chức tại Nhật Bản, quốc gia G7 duy nhất chưa hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Cả 9 chàng trai tham gia The Boyfriend đều là người đồng tính (gay) hoặc song tính (bisexual). Họ hoặc đã come-out, hoặc chưa - nên tham gia show để tìm kiếm cơ hội công khai xu hướng tính dục.

Mặc dù các cuộc thăm dò cho thấy số đông dân số Nhật ủng hộ hôn nhân đồng giới, song thực tế không nhiều cặp đôi dám công khai tình yêu vì lo sợ điều này có thể gây tổn hại đến sự nghiệp. Trong bối cảnh đó, The Boyfriend xuất hiện như một bước tiến trong việc “bình thường hóa” các mối quan hệ đồng giới, tạo động lực cho các cặp đôi cảm thấy thoải mái công khai tình yêu của mình.

Đặt lên bàn cân với nhiều reality show khác như Couple to Throuple, Love Allways hay I Kissed a Boy..., chương trình hẹn hò đồng giới của Nhật Bản mang lại trải nghiệm hoàn toàn khác biệt. Không nhiều thử thách phức tạp hay drama ồn ào, những bữa tiệc huyên náo cùng âm nhạc sôi động, The Boyfriend là một hành trình thong dong, nhẹ nhàng và tinh tế. Tại đây, người xem được chứng kiến những diễn biến hoàn toàn chân thực, tự nhiên trong đời sống hàng ngày của các chàng trai.

Từng tập qua đi để lại những cảm xúc đặc biệt, khi ngọt ngào, vui vẻ, vô tư đầy sự “chữa lành”, lại cũng có khoảnh khắc xúc động, buồn bã, giận hờn hay hụt hẫng, kéo bầu không khí chùng xuống...

Một điểm thú vị khác trong The Boyfriend là cách tiếp cận với tình dục và tình yêu. Trong khi nhiều chương trình như Too Hot To Handle, Perfect Match hay MILF Manor lựa chọn khám phá sex như một mảnh ghép không thể thiếu trong mỗi mối quan hệ, The Boyfriend lại hướng ống kính vào hành trình chinh phục tình yêu một cách từ tốn của các chàng trai, trong khi khía cạnh tình dục hầu như không được nhắc tới.

Thậm chí, còn chẳng có nụ hôn nào xảy ra trong suốt 3 tập đầu chương trình.

Cặp đôi Dai-Shun thu hút nhiều sự chú ý.

Cặp đôi Dai-Shun thu hút nhiều sự chú ý.

Thú vị và lôi cuốn

Show hẹn hò đồng giới đầu tiên của Nhật Bản cho thấy sự tinh tế, giàu tính nhân văn trong cách tổ chức và thiết lập chương trình, tạo cơ hội cho người chơi giao tiếp, được quyền thể hiện và nói lên quan điểm, từ đó tìm tìm kiếm một mảnh ghép phù hợp.

Không chỉ là sự khác biệt về tuổi tác hay ngoại hình, mỗi chàng trai đều có cá tính, những quan niệm riêng về tình bạn, tình yêu. Dai, Alan, Kazuto và Ikuo luôn tích cực, giàu năng lượng trong khi Ryota hay Taeheon lại thuộc tuýp hướng nội, ngại ngùng và dè dặt mỗi khi muốn mở lời. Bên cạnh đó còn có một Gensei đa sầu đa cảm hay Shun nhiều tâm sự, nỗi niềm trước khi bước vào mối quan hệ mới...

Những cá tính riêng khi được đặt trong ngôi nhà chung tạo nên phản ứng hóa học thú vị, là yếu tố tạo nên sức kịch tính cho chương trình vốn nhẹ nhàng và tinh tế. Chính sự tự nhiên trong việc đối mặt và giải quyết rắc rối, bất đồng quan điểm giữa các chàng trai làm cho nhịp độ chậm rãi của The Boyfriend lại trở nên thu hút lạ kỳ.

Hành trình tìm kiếm những mảnh ghép phù hợp không vồn vã, chiêu trò mà hết sức tự nhiên. Các người chơi trân trọng từng cơ hội trong mỗi cuộc trò chuyện. Họ cởi mở về những mối tình trong quá khứ, bộc bạch lý do tham gia chương trình và cả những kỳ vọng trong một mối quan hệ mới mang tính chất nghiêm túc, lâu dài hơn...

Từ đó, những thành viên, cặp đôi nổi bật dần lộ diện, khiến khán giả thích thú và nhiệt tình “đẩy thuyền” trên mạng xã hội. Nổi bật là Dai-Shun vốn có sự đối lập trong tính cách nên thường xuyên phát sinh rắc rối, hay chàng đầu bếp Kazuto trở thành người “nhiều crush” nhất nhà chung khi một buổi tối có tới 3 người ngỏ lời...

The Boyfriend gây sốt tại nhiều quốc gia.

The Boyfriend gây sốt tại nhiều quốc gia.

Diễn biến khó đoán trong mối quan hệ giữa các cặp đôi là yếu tố níu chân sự quan tâm của người xem, bởi họ không biết nhân vật phản ứng thế nào khi vấn đề, rắc rối mới ập đến. Để làm cho hành trình tìm kiếm tình yêu của các chàng trai thú vị thêm, chương trình còn tạo nên nhiều hoạt động, thử thách hấp dẫn, như viết thư tỏ tình không để lại chữ ký, cùng nhau học pha chế, đi picnic, nghỉ dưỡng và đặc biệt là việc ghép đôi để vận hành xe tải bán cafe.

Đây là dịp để người chơi tìm hiểu, hay tận dụng không gian riêng tâm sự, bộc bạch với đối tượng mình để ý, giúp cả hai thấu hiểu và tiến lại gần nhau hơn. Hay nó cũng có thể được thể dụng làm công cụ hóa giải mâu thuẫn, hoặc phép thử tình yêu, giúp người chơi xác định đối phương có dành tình cảm cho mình hay không...

Sự chia tay của một số thành viên với ngôi nhà chung tạo nên những khoảnh khắc lắng đọng, đầy xúc động trong chương trình. Lời tạm biệt của họ lại là nguồn động lực cho những người ở lại trở nên mạnh dạn, tự tin hơn trên hành trình tìm kiếm mảnh ghép cuộc đời, dám chia sẻ suy nghĩ, thể hiện tình cảm của mình với người đối diện. The Boyfriend một lần nữa ghi điểm với cách dựng khéo léo, giúp khán giả cảm nhận được tình cảm chân thực của người chơi, cũng như sự trưởng thành trong tính cách của họ sau mỗi tập phát sóng.

Một điểm cộng khác cho chương trình là khâu thiết kế bối cảnh cực kỳ ấn tượng, từ nhà chung Green Room, những địa điểm hẹn hò, vui chơi cho tới khu bán cafe và nơi họ tâm sự, chia sẻ khoảnh khắc hoàng hôn trên biển với người ngồi cạnh... The Boyfriend hiện lên như thước phim điện ảnh mộng mơ với những khung hình ngọt ngào, ngập nắng, sưởi ấm người xem bằng câu chuyện thanh mát, giàu xúc cảm và đầy sự chữa lành.

Tống Khang

Ảnh: Netflix

Nguồn Znews: https://znews.vn/ly-do-the-boyfriend-cua-nhat-ban-gay-sot-post1489246.html