Lý do Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ tự tin nối lại việc mua tên lửa Patriot của Mỹ sau 'sóng gió' vì thương vụ mua S-400 từ Nga
Ông Erdogan khẳng định mối quan hệ cá nhân với nhà lãnh đạo Mỹ có thể giúp vượt qua cuộc khủng hoảng mà Thổ Nhĩ Kỳ gây ra, thông qua thương vụ mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga.
Theo Reuters, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 13/9 cho biết ông sẽ thảo luận với Tổng thống Donald Trump về việc mua các tên lửa Patriot của Mỹ trong tháng này.
Ông đồng thời khẳng định mối quan hệ cá nhân với nhà lãnh đạo Mỹ có thể giúp vượt qua cuộc khủng hoảng mà Ankara gây ra, thông qua thương vụ mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga.
“Kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền và tôi trong nhiệm kỳ của mình, chưa bao giờ trong toàn bộ quá trình này, chúng tôi phạm phải những sai lầm đối với các mối quan hệ song phương. Cả hai chúng tôi đều rất lý trí, rất minh bạch và cởi mở. Đây là lý do tại sao giữa tôi và Nhà lãnh đạo Mỹ tồn tại một loại niềm tin rất đặc biêt và tôi tin các cuộc đàm phán sắp tới tại Mỹ sẽ tái khẳng định điều này”, Tổng thống Tayyip Erdogan nói.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga hồi đầu tháng 7 đã làm gia tăng nguy cơ nước này phải hứng chịu các trừng phạt của Mỹ. Sau khi loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình huấn luyện máy bay tiêm kích F-35, Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây tiếp tục cảnh báo, đề nghị bán hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ đã hết hạn.
Tuy nhiên, theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, ông đã thảo luận vấn đề qua điện thoại với Tổng thống Donald Trump hai tuần trước và sẽ tiếp tục khi hai bên gặp nhau bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp quốc khai mạc tuần tới tại New York.
Khi được hỏi liệu ông có yêu cầu Tổng thống Trump ngăn cản Bộ Tài chính Mỹ xử phạt nặng công ty nhà nước Halkbank của Thổ Nhĩ Kỳ vì vi phạm các lệnh trừng phạt đối với Iran hay không, Tổng thống Erdogan trả lời rằng ông tin tưởng hai bên sẽ tránh được một “sai lầm” như vậy.
“Theo quan điểm của tôi, một quốc gia như Mỹ sẽ không muốn làm tổn thương thêm đồng minh như Thổ Nhĩ Kỳ. Đây không phải là một hành động sáng suốt,” ông nói.
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ký thỏa thuận mua tên lửa S-400 trị giá 2,5 tỷ USD vào tháng 12/2017. Mỹ liên tục phản đối thương vụ, cho rằng Nga có thể đưa chuyên gia tới Thổ Nhĩ Kỳ và tiếp cận mạng lưới phòng không NATO, cũng như nghiên cứu tiêm kích tàng hình F-35 để nắm thông tin tác chiến bí mật, xóa bỏ ưu thế của chiến đấu cơ đắt nhất thế giới.
Mỹ hồi cuối tháng 8 rút lại đề xuất bán các hệ thống phòng không Patriot với tổng trị giá 3,5 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi gạt nước này khỏi chương trình siêu tiêm kích F-35 và từ chối bàn giao 105 chiếc F-35A theo thỏa thuận đã ký. Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo sẽ mua thêm tên lửa S-400, để ngỏ khả năng mua tiêm kích tàng hình Su-57 cùng chiến đấu cơ đa năng Su-35S và MiG-35 để thay thế F-35A.
Ngoài ra, hai ông Erdogan và Trump cũng dự kiến thảo luận về kế hoạch thiết lập vùng an toàn dọc 450 km biên giới Syria, kéo dài từ sông Euphrates tới giáp lãnh thổ Iraq.
Cuối tuần trước, lực lượng Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã mở cuộc tuần tra quân sự chung trong khu vực. Tuy nhiên, Ankara tuyên bố họ sẽ hành động một mình nếu vùng an toàn không được thiết lập trong tháng này.
"Hành lang hòa bình là điều cần thiết. Chúng tôi sẽ không cho phép hành lang khủng bố tồn tại ở biên giới của chúng tôi và sẽ thực hiện bất kỳ bước cần thiết nào về vấn đề đó", ông Erdogan nói.
Trong khi Nga và Iran hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad chống lại phiến quân tìm cách lật đổ ông Assad, Mỹ và các đồng minh châu Âu, Ả Rập cũng như Thổ Nhĩ Kỳ lại hậu thuẫn cho các nhóm nổi dậy khác nhau.