Lý do Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết ngăn Thụy Điển và Phần Lan vào NATO
Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Phần Lan và Thụy Điển ủng hộ các nhóm vũ trang người Kurd mà Ankara coi là tổ chức khủng bố - nguyên nhân khiến nước này phản đối hai nước Bắc Âu gia nhập NATO.
Lãnh đạo Thụy Điển và Phần Lan đều đã tuyên bố quyết định gia nhập NATO.
Khi Helsinki và Stockholm bày tỏ ý định trở thành thành viên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết việc xét duyệt “sẽ diễn ra nhanh chóng”.
Tuy vậy, để gia nhập NATO, hai nước phải nhận được đồng thuận từ tất cả 30 thành viên liên minh quân sự này, và quá trình xét duyệt đang vấp phải rào cản đến từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara kiên quyết phản đối hai nước này vào NATO. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết Thụy Điển và Phần Lan không nên bận tâm về việc cử phái đoàn tới Ankara để thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ đơn xin gia nhập của họ.
Ông Erdogan gọi Thụy Điển là nơi chứa chấp các tổ chức khủng bố, cụ thể là Đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG), lực lượng dân quân của người Kurd tại Syria từng góp phần vào việc tiêu diệt Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria.
Ankara coi YPG là mối đe dọa an ninh do có quan hệ với đảng Công nhân người Kurd (PKK), lực lượng bị Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) coi là tổ chức khủng bố.
YPG là ai?
Đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG) là nhóm vũ trang thuộc đảng Liên minh Dân chủ ở Syria - thúc đẩy nỗ lực tự trị của người Kurd tại Syria. Đảng này được thành lập năm 2003 như một nhánh của PKK - nhóm thúc đẩy quyền tự trị của người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ, đã đối đầu với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1984. Do đó, YPG cũng bị phương Tây coi là tổ chức khủng bố.
Theo Washington Post, YPG là đồng minh quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống IS ở Syria. Năm 2015, YPG đã cùng các lực lượng Arab thành lập Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) và lên dẫn đầu liên minh này chống IS, được NATO hỗ trợ vũ khí.
Khi thành trì cuối cùng của IS sụp đổ năm 2019, người Kurd ở Syria và người Arab sau đó liên minh với YPG thành lập khu tự trị ở miền Đông Bắc Syria, từng bước kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ mà IS chiếm đóng trước đây.
Lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ phản đối mạnh mẽ việc Mỹ hỗ trợ vũ khí cho người Kurd ở Syria. Khi YPG kiểm soát được nhiều lãnh thổ tại Syria, Ankara đã can thiệp vào nước này để ngăn chặn YPG mở rộng ảnh hưởng.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bày tỏ quan ngại về việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO một ngày sau khi chiến binh YPG hạ gục một binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và làm 3 người khác bị thương trong cuộc tập kích bằng rocket.
Theo Ankara, bất chấp việc là thành viên của EU, Phần Lan và Thụy Điển vẫn thể hiện sự ủng hộ với PKK và YPG. Nhiều người trong số những người di cư đến Bắc Âu là người Kurd, một số đã được cho phép tị nạn chính trị sau nhiều thập niên xung đột giữa các nhóm người Kurd và lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ.
"Hai quốc gia này (Phần Lan và Thụy Điển) đang công khai ủng hộ và dính líu tới PKK lẫn YPG - những tổ chức khủng bố đang tấn công quân đội của chúng tôi mỗi ngày", Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cáo buộc sau một cuộc họp của NATO tại Đức ngày 15/5, gọi hành động của Stockholm và Helsinki là "không thể chấp nhận".
Trước đó, ông Ibrahim Kalin, phát ngôn viên của Tổng thống Tayyip Erdogan, ngày 14/5 tuyên bố nước này không có ý định “đóng cánh cửa” gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan.
“Chúng tôi sẽ không đóng cánh cửa lại, nhưng chúng tôi đưa ra chủ đề này như một vấn đề an ninh quốc gia với Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Kalin nói với Reuters.
Hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu Agency đã đưa ra nhiều tuyên bố của chính phủ, bao gồm cáo buộc YPG sử dụng tên lửa chống tăng AT-4 do Thụy Điển chế tạo để tấn công quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Ankara, nhưng không nói rằng Stockholm cung cấp những vũ khí trên. Tên lửa AT-4 được nhiều nước trên thế giới sử dụng.
Bốn thập niên xung đột
Lực lượng người Kurd ở miền Bắc Iraq, thuộc PKK và Thổ Nhĩ Kỳ đã có nhiều cuộc đụng độ từ năm 1984.
Thổ Nhĩ Kỳ ngày 18/4 thông báo nước này đã tiến hành một chiến dịch quân sự mới trên không và trên bộ nhằm vào các mục tiêu của PKK. Ankara tuyên bố chiến dịch này nhằm ngăn âm mưu tấn công Thổ Nhĩ Kỳ của PKK.
Người Kurd là dân tộc phần lớn là người Hồi giáo dòng Sunni, với khoảng 30 triệu người. Người Kurd sống rải rác ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iraq và Iran. Tại những quốc gia này, người Kurd bị ngăn thể hiện văn hóa và ngôn ngữ, cũng như chịu nhiều cuộc đàn áp bằng bạo lực, dẫn đến nhiều cuộc nổi dậy của người Kurd tại 4 nước trên.