Lý do Thủ tướng Ấn Độ thăm Ukraine lần đầu tiên sau 30 năm
Chuyến đi của Thủ tướng Modi tới Kiev là lần đầu tiên một nguyên thủ quốc gia Ấn Độ thăm Ukraine trong hơn 30 năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Chuyến đi diễn ra khi Ấn Độ tìm cách điều hướng các liên minh khó khăn với cả Nga và phương Tây.
Chuyến thăm Ukraine của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có thể sẽ được Nga, đồng minh lâu năm của New Delhi, theo dõi chặt chẽ. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ đang tìm cách liên minh với cả hai phía Nga và Ukraine vì New Delhi là một trong số ít quốc gia có quan hệ thương mại và ngoại giao chặt chẽ với cả hai bên kể từ khi xung đột bùng phát ở Ukraine năm 2022.
Chính phủ của Thủ tướng Modi tìm cách giữ thái độ trung lập trong suốt cuộc xung đột, nhưng đã bị phương Tây chỉ trích vì duy trì quan hệ thương mại và ngoại giao chặt chẽ với Moskva. Ấn Độ từ chối lên án cuộc chiến và tiếp tục mua dầu giảm giá của Nga, bất chấp những nỗ lực của phương Tây nhằm tẩy chay các giao dịch năng lượng như vậy.
Hiện tại, Ấn Độ dường như đang tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Ukraine thông qua chuyến thăm Kiev của Thủ tướng Modi, bắt đầu ngày 23/8. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Ấn Độ tới Ukraine kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây hơn 30 năm, thời điểm Ukraine tách ra độc lập vào năm 1991.
Rick Rossow, Chủ tịch nghiên cứu chính sách Hoa Kỳ - Ấn Độ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận xét rằng: Rõ ràng Ấn Độ có mối quan hệ sâu sắc hơn nhiều với Nga nhưng cũng muốn xây dựng mối quan hệ song phương còn non trẻ với Kiev.
“Ví dụ, trong năm tài chính 2021-2022, thương mại hàng hóa của Ấn Độ với Ukraine chỉ đạt khoảng 3,4 tỷ USD, so với 13 tỷ USD với Nga. Và Nga đã cung cấp quyền tiếp cận vũ khí cao cấp mà các nhà sản xuất lớn khác như Mỹ chỉ mới chấp thuận xuất khẩu sang Ấn Độ gần đây”, ông Rossow cho biết qua email gửi đài CNBC.
“Sau khi xung đột Ukraine bắt đầu, lượng hàng nhập khẩu của Ấn Độ từ Nga đã tăng đột biến, ngay cả khi Nga gặp khó khăn trong việc đáp ứng các đơn đặt hàng xuất khẩu quốc phòng”, ông lưu ý. “Nhưng Ấn Độ có sinh viên đang học tại Ukraine, mua thiết bị quốc phòng từ Ukraine và Ukraine là một trong 50 đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ”, ông Rossow nói, kết luận rằng mối quan hệ giữa hai quốc gia “không hề tầm thường”.
Chuyến thăm “mang tính bước ngoặt”
Thủ tướng Modi và Tổng thống Zelensky không biết rõ về nhau và chỉ mới gặp gỡ hai lần trong những tháng gần đây, bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay và năm ngoái tại Italy và Nhật Bản. Khi công bố chuyến đi Ukraine vào đầu tuần này, một quan chức Ấn Độ đã mô tả đây là một chuyến thăm “mang tính bước ngoặt và lịch sử”.
Khi hội đàm ngày 23/8, hai ông Modi và Zelensky sẽ thảo luận về mối quan hệ song phương và hợp tác đa phương, và có khả năng cuộc xung đột đang diễn ra với Nga cũng sẽ chi phối chương trình nghị sự.
Mối quan hệ song phương giữa Ukraine và Ấn Độ chắc chắn đang ở giai đoạn non trẻ hơn so với mối quan hệ giữa Moskva và New Delhi. Trước đó, ông Modi đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 7 trong chuyến thăm đầu tiên tới Điện Kremlin kể từ năm 2019.
Trong thời gian diễn ra cuộc gặp này, Ukraine cho biết quân đội Nga đã tấn công một bệnh viện nhi ở Kiev, khiến 41 người thiệt mạng và hơn 150 người khác bị thương. Cuộc tấn công đã vấp phải phản ứng mạnh từ phương Tây, ngay cả khi Nga phủ nhận trách nhiệm và tuyên bố chính hỏa lực chống tên lửa của Ukraine mới là thủ phạm.
Sau cuộc gặp với Tổng thống Putin, ông Modi khi đó đã đưa ra một tuyên bố có hơi hướng phản đối vụ tấn công, nói rằng "cho dù là chiến tranh, xung đột hay một cuộc tấn công khủng bố, bất kỳ ai cũng đều đau đớn khi có người mất đi sinh mạng".
Bất chấp những bình luận đó, hai ông Putin và Modi vẫn tỏ ra thân tình trong suốt chuyến thăm, Thủ tướng Ấn Độ gọi nhà lãnh đạo Nga là "người bạn thân mến", đồng thời ca ngợi "lòng tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau" của họ.
Trong khi đó, Ukraine đã chỉ trích chuyến thăm Moskva của ông Modi. Tổng thống Zelensky nói rằng đó là "một sự thất vọng lớn và là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực hòa bình".
Chủ nghĩa thực dụng hay hòa bình?
Ấn Độ - cùng với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia Trung Đông - là những đối tác quốc tế của Moskva có thể có vai trò tiềm năng là người hòa giải trong tương lai giữa Nga và Ukraine, mặc dù truyền thông Ấn Độ dẫn các nguồn tin cho biết chính phủ không muốn can thiệp với tư cách như vậy.
Tiến trình hòa bình giữa Moskva và Kiev cho đến nay vẫn là một viễn cảnh xa vời, khi cuộc chiến đang trong giai đoạn căng thẳng và cả hai bên đều còn xa cách về các điều khoản của một lệnh ngừng bắn tiềm năng. Ukraine khẳng định sẽ không đàm phán cho đến khi quân đội Nga rời khỏi lãnh thổ của mình, trong khi Nga tuyên bố bốn khu vực của Ukraine là lãnh thổ của nước này và họ sẽ không từ bỏ.
Ông Harsh V. Pant, Phó chủ tịch Quỹ Observer Research, nói với CNBC rằng, Ấn Độ có lợi ích trong việc cố gắng tận dụng ảnh hưởng của mình để mang lại sáng kiến hòa bình trong tương lai. “Tôi nghĩ ông Modi luôn quan tâm đến Ukraine vì về cơ bản, Ấn Độ có lợi ích lớn trong việc đảm bảo rằng một cấu trúc an ninh châu Âu ổn định có thể đáp ứng được nguyện vọng của cả hai bên”.
Ông Pant đánh giá thêm: “Những gì Ấn Độ đã cố gắng làm là điều hướng phản ứng của mình giữa Nga và Ukraine, giữa Nga và châu Âu, và giữa Nga với phương Tây nói chung”. “Ấn Độ có lợi ích riêng trong việc duy trì mối quan hệ ổn định với Nga. New Delhi muốn đảm bảo rằng Nga không trở thành đối tác chung hoàn toàn với Trung Quốc”, ông Pant nhấn mạnh. Bắc Kinh được coi là đối thủ cạnh tranh kinh tế và địa chính trị của Ấn Độ tại châu Á.
“Ấn Độ muốn tiếp tục tìm kiếm sự hỗ trợ của Nga về quốc phòng, khi đến nay 60% nguồn cung quốc phòng của Ấn Độ vẫn tiếp tục có nguồn gốc từ Nga”, ông Pant nói tiếp, lưu ý rằng “những vấn đề như vậy ngăn cản Ấn Độ công khai chỉ trích Nga về cuộc xung đột ở Ukraine".
Ông Pant cho rằng, chuyến thăm Ukraine của Thủ tướng Modi đã nhấn mạnh mong muốn của Ấn Độ là chấm dứt xung đột và rằng "cả hai bên thực sự sẽ ngồi vào bàn đàm phán". Theo ông, Ấn Độ "không cho rằng có thể có giải pháp nếu không có Nga tại bàn đàm phán".